Năm nay đã bước vào tuổi 80, cả đời gắn với nghề làm cốm nhưng chưa khi nào bà Cẩn và những hộ kinh doanh ở đây rơi vào tình cảnh “không bán nổi một cân” như những ngày qua.
“Không bán nổi một cân”
Bà Nguyễn Thị Cẩn, một lão niên làm cốm tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy buồn rầu nói như vậy. Năm nay đã bước vào tuổi 80, cả đời gắn với nghề làm cốm nhưng chưa khi nào bà và những hộ kinh doanh ở đây rơi vào tình cảnh “không bán nổi một cân” như những ngày qua.
Bà Cẩn không làm cốm khô, cốm sấy, hàng ngày trực tiếp làm cốm tươi rồi ôm thúng ra đầu phố bán lẻ. Mỗi ngày chỉ làm dăm ba chục cân, số lượng ít nên bà vẫn làm theo lối cổ chân truyền, trước sao thì bây giờ vẫn vậy. “Tôi già cả thế này, biết gì về phụ gia với hóa chất đâu”.
Chỉ sau 1-2 ngày thông tin cốm làng Vòng bị nhuộm bằng hóa chất độc hại, gánh cốm của bà Cẩn và một số ít hộ khác trong phường còn theo nghề bỗng trở nên ế sưng. “Chào mời cả khách quen mà người ta cũng lắc đầu kèm theo một câu chua chát: Cốm có chất ung thư” – bà Cẩn buồn rầu.
Lần đầu tiên trong mấy chục năm làm nghề, bà Cẩn và các hộ kinh doanh cốm tại đây rơi vào tình cảnh kinh doanh ế ẩm, sự bất an hiện rõ trên mặt khi khách hàng quay lưng trong khi trước đây vào ngày chính vụ, họ có thể tiêu thụ đến cả tạ cốm mỗi ngày.
Cùng chung cảnh ngộ “dở khóc dở cười” với những người làng Vòng là những bà con kinh doanh cốm tại làng Mễ Trì, huyện Từ Liêm. Từ nhiều năm nay, Mễ Trì được xem là đầu mối chính cung cấp cốm cho người tiêu dùng tại nội thành và cho người làm cốm sấy, cốm khô.
Mặc dù đã vào cuối vụ nhưng trên các con đường làng tại hai thôn Mễ Trì Thượng và Mễ Trì Hạ (xã Mễ Trì), những ngày cuối tuần qua, sự vắng vẻ bao trùm các con đường, những lò cốm cửa đóng im lìm. Chị Lê Thị Lan (Mễ Trì Hạ) thở dài: “Trước khi có tin ấy, khách du lịch vào làng tham quan, mua cốm rất đông, giờ thì ít, sản lượng cốm cũng giảm”.
Chị Lan cho biết, việc nhuộm chất hóa học tạo màu vào cốm cho xanh không phải hộ nào cũng làm. Phần lớn những hộ làm cốm ở Mễ Trì dùng lá riềng để tạo màu xanh. Tại một cơ sở khác ở tổ 2, thôn Mễ Trì Thượng, chị Ngọc chủ nhà cho hay: “Chúng tôi thường dùng lá riềng giã nát, đun sôi, lọc bỏ cặn bã để lấy nước rồi cô đặc lại.
Giã cốm lần cuối thường vào lúc lúc rạng sáng rồi mới giao cốm cho người bán buôn, trước lúc đó, chúng tôi sẽ lấy thứ nước này phun lên cho cốm có màu xanh tự nhiên”. Tuy nhiên, chị Ngọc cho biết thêm, từ khi báo chí đăng tin một cơ sở nào đó phun hóa chất vào cốm, mấy hôm nay những người bán buôn đề nghị chúng tôi không phun nước lá riềng mà để cốm “mộc” cho dễ bán.
Cốm “mộc” ra lò thường có màu vàng nâu, nhìn bên ngoài thì không thể bắt mắt bằng cốm đã được “hồ” bằng lá dong riềng. Tuy nhiên, điều khiến các chị bức xúc là chỉ có cốm ở Dịch Vọng Hậu bị phát hiện sử dụng hóa chất độc hại, có địa chỉ tên tuổi đàng hoàng mà làm cả làng khác cũng tiêu điều theo.
Chưa có thống kê cụ thể nhưng chỉ trong mấy ngày qua, lượng cốm Mễ Trì làm ra sụt giảm mạnh. “Đã lường trước khó khăn, tôi chủ động giảm hơn 1/3 sản lượng mà vẫn còn ế. Có ngày tiêu thụ không hết phải để đông lạnh. Điều chưa từng xảy ra trong suốt bao nhiêu năm qua” - một chủ lò ở Mễ Trì Hạ than thở.
“Cứu” cốm: người dân không thể “tự bơi”
Để cốm Vòng sớm thoát khỏi cảnh đìu hiu, ế ẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm HN đã tổ chức tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời yêu cầu các hộ kinh doanh ký kết đảm bảo cung cấp cốm sạch. Trong thời gian sắp tới, theo gợi ý của Chi cục, các hộ sản xuất đóng túi sản phẩm cốm, ghi rõ nhãn mác, Chi cục sẽ sớm hoàn thiện để cấp chứng nhận “sản phẩm cốm sạch” cho các hộ sản xuất đảm bảo.
Đây được xem như bằng chứng để người tiêu dùng nhận biết cốm sạch. Bà Hoàng Thị Minh Thu – Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm HN chia sẻ: sự phản ứng quyết liệt của người tiêu dùng với cốm Vòng sẽ là bài học đắt giá cho các loại thực phẩm nói chung và sản vật quý của HN nói riêng.
Tuy nhiên, để giữ được giá trị này, đừng để người dân tự bơi, bà Thu cho rằng, chính quyền địa phương cần vào cuộc. Đừng để khi xảy ra việc rồi mới nhận một phần trách nhiệm về mình mà nên chủ động quan tâm, thành lập hội nghề nghiệp, định hướng để người dân biết phân biệt phụ gia được phép hay bị cấm, chỉ cho họ biết cần tìm đến đâu để có sản phẩm an toàn, hợp lý. Những điều tưởng chừng như đơn giản này nhưng lại đang “khuyết” ở nhiều làng nghề.
(Theo Phụ nữ Thủ đô)