> Hà Nội trên từng con phố: Phố Hàng Đào
> Hà Nội trên từng con phố: Phố Hàng Bạc
Đường Láng là một trong những con đường in đậm nét dân dã mà vẫn chứa đựng bề dày văn hóa bậc nhất đất kinh kỳ Thăng Long xưa.
Đường Láng chạy dọc theo bờ Đông sông Tô Lịch, nối liền Ngã Tư Sở đến ngã tư Cầu Giấy. Với chiều dài gần 4km, đường Láng là một trong những con đường dài nhất Hà Nội.
Láng là tên mới đặt năm 1986, con đường chạy suốt qua ria của ba thôn Láng Thượng, Láng Trung, Láng Hạ của trại Yên Lãng xưa.
Đền chùa dân dã
Đường Láng xưa kia gọi chung là vùng Kẻ Láng. Kẻ Láng tập trung cụm dân cư cổ nên có nhiều di tích, đền chùa miếu mạo. Mỗi ngôi đền, mỗi gian chùa nơi đây không quá uy nghi, bề thế mà khiêm nhường, đơn sơ nhưng vẫn in đậm dấu ấn lịch sử cũng như nét đẹp văn hóa cổ xưa. Tất cả đền chùa đều ở phía Đông đường Láng.
Trên địa phận Láng Thượng lần lượt có chùa Thưa thờ chị của Từ Lộ (tức vị sư Từ Đạo Hạnh nổi tiếng), chùa Nền thờ bố mẹ Từ Lộ, chùa Láng thờ Từ Lộ và hậu thân của ông là vua Lý Nhân Tông. Sang địa phận Láng Trung có đền Đại ở ngay cổng làng, chùa Mứng ở cuối làng. Đặc biệt phía Đông làng có Gò Cả mà năm 1940 quân đội Pháp đã dựng một pháo đài với bốn khẩu cao xạ (Pháo Đài Láng).Ở Láng Hạ thì đầu làng có đền Ứng Thiên thờ Hậu Thổ Phu Nhân, tương truyền đã “âm phù” vua nhà Lý trong chuyến chinh phạt phía Nam.
Xưa kia, hàng năm Hội Láng đều được tổ chức với quy mô lớn, thu hút dân cư Kẻ Láng tham gia. Hội Láng là hội của bảy làng ở hai bên bờ sông Tô, bên bờ Tây là làng Vòng, làng Cót, làng Mọc, bên bờ Đông ngoài 3 làng Láng còn có cả làng Thành Công cũng tham gia hội.
Món ăn dân dã
Theo sử tích ghi chép lại, Láng là tên Nôm của xã Yên Lãng, một làng cổ bên thành Thăng Long xưa. Vùng Kẻ Láng xưa không chỉ là nơi quy tụ của nhiều đền chùa, ghi lại dấu ấn văn hóa của Đạo Phật thời nhà Lý, mà nơi đây còn nổi tiếng bởi loại gia vị làm nên nét ẩm thực dân dã nhưng không kém phần tinh tế của xứ kinh kỳ xưa.
Năm Đại Trị thứ năm (1362), vua Trần Dụ Tông đã đưa gia nô ra làng Láng khai khẩn đất đai bên bờ sông Tô Lịch, trồng rau thơm và hành tỏi để dùng trong cung cấm và đặt tên nơi đây là vườn tỏi. Bởi vậy theo dòng chảy của lịch sử, rau thơm Láng (đặc biệt là rau húng) đã trở thành thứ gia vị bậc nhất của đất kinh kỳ.
Đến nay, người Hà Nội vẫn còn lưu truyền câu ca:
"Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì
Hành hoa, húng Láng, còn gì ngon hơn"
So với các loại rau húng nơi khác thì rau húng Láng có mùi đặc trưng, vị dìu dịu man mác, không cay; lá thường nhỏ và không có răng cưa. Húng Láng có ba loại chính là rau húng thơm màu tía, ngọn lá nhỏ, ăn kèm với rau sống và các món ăn như phở, chả cá. Loại húng lũi, húng dồi ăn với lòng lợn, tiết canh, thịt cầy.
Húng Láng là một trong những sản vật nổi tiếng đất Thăng Long - Hà Nội. Chỉ trên đồng đất Láng, húng thơm mới có hương vị đặc biệt ấy. Ở đồng đất khác húng vẫn sống, phát triển, nhưng hương vị độc đáo của nó không còn nữa.
Xưa nay, húng Láng là thứ cây gia vị đặc sắc bậc nhất, không thể thiếu trong bữa ăn bình dân hàng ngày hay yến tiệc của người Hà Nội, cũng như cư dân quanh vùng, nơi vốn được coi là sành ăn, sành mặc.
Buôn bán cũng theo lối dân dã
Đường Láng – con đường in đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa dân tộc qua từng ngôi đền chùa, qua nét ẩm thực độc đáo, tinh tế. Ngày nay, con đường ấy trở thành con đường buôn bán tấp nập nhưng còn mang đậm dấu ăn chợ dân quê mùa, giản dị.
Dọc hai bên con đường là nơi buôn bán của hàng trăm hàng quán với đủ loại mặt hàng. Nhưng tất cả đều có một điểm chung là buôn bán đơn giản. Có thể, chỉ vài cái mũ, vài cuốn sách…cũng trở thành sạp hàng.
Phía Đông con đường là rất nhiều hiệu sách nhỏ, dành cho những người ham tìm tòi, khám phá kho tàng tri thức vĩ đại của nhân loại để làm giàu thêm cho mình.
Gọi đường Láng là con đường dành cho những người yêu vẻ đẹp tri thức bởi lẽ, trên con đường này có hàng chục hiệu sách. Phần lớn những hiệu sách dọc đường Láng đều bán sách cũ. Những quyển sách ố vàng màu thời gian, bên trong lại chứa đựng vô vàn những điều bí ẩn quý giá.Hiện nay, trên đường Láng đã có thêm rất nhiều hiệu sách bán sách mới. Tuy nhiên, sách cũ vẫn là “đặc sản” khiến mỗi người dân Hà Nội hay khách du lịch không thể nào quên khi đến thăm con đường này.
Phía Tây đường Láng giờ nổi tiếng với “chợ” di động, buôn bán dân dã, tấp nập dọc vỉa hè đoạn sát sông. Phần lớn là những hàng hóa giá rẻ, tiện lợi, kinh doanh ngay trên vỉa hè.
...Nhưng không phải mọi hình ảnh kinh doanh nơi đây đều "đẹp".
Hàng chục sạp hàng với đủ loại: Giày dép, quần áo, mũ bảo hiểm, chăn ga gối đệm... bày kín trên vỉa hè, đoạn từ cầu Mọc đến cây xăng Láng và đoạn ngã tư Láng Hạ đến Ngã Tư Sở. Ngay cả điểm chờ xe bus cũng bị những quầy hàng này quây kín, khiến người đợi xe phải đứng xuống lòng đường.
Sở dĩ , gọi là chợ di động vì các hàng bán bày tràn lan, lấn chiếm vỉa hè dọc bên bờ sông Tô Lịch. Những quán cóc tự phát mọc lên gây cản trở giao thông.
Nếu bên kia đường Láng là chùa chiền cổ xưa, là những cửa hàng sách cũ khiêm nhường nhưng giàu giá trị thì bên bờ sông Tô là quán xá, chợ búa với vô số những bất cập.
Cứ cách hơn chục mét lại có một quán cóc tự phát mọc lên. Ngoài lấn chiếm vỉa hè, ảnh hưởng giao thông đi lại, những món bánh trái được bày bán vô cùng mất vệ sinh và bẩn. Chưa kể mỡ bắn loang bẩn nhiều đoạn vỉa hè, giấy rác, vỏ chuối gây ô nhiễm môi trường.
Trước tình trạng đó, người đi bộ đã phải lách vào vườn hoa, hoặc đi xuống lòng đường để qua khỏi những đoạn bị lấn chiếm. Trong khi đường Láng là tuyến đường có lưu lượng giao thông rất lớn, phải đến cả triệu lượt xe qua lại mỗi ngày nên việc đi xuống lòng đường vô cùng nguy hiểm. Đã có nhiều vụ va quệt do người đang đi bộ trên vỉa hè "bỗng dưng" bước xuống lòng đường, rất nguy hiểm.
Hiện tại, dọc vỉa hè cạnh sông Tô Lịch, số lượng “gian hàng” tự phát ngày càng tăng cao gây ách tắc giao thông, phá vỡ cảnh quan đô thị.
Bên cạnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh buôn bán thì trên đường Láng còn tồn tại một vấn đề nhức nhối khác. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường quanh chợ tạm Ngã Tư Sở.
Để đảm bảo cho việc xây dựng Chợ Ngã Tư Sở mới, đầu năm 2010 khu vực chợ tạm đã được dựng lên đoạn từ đầu đường Nguyễn Trãi đến ngã ba cây xăng đường Láng Mới, và đoạn từ cầu Mọc đến cầu Hòa Mục ven bờ sông Tô Lịch, quận Đống Đa. Sau hai năm xây dựng,với tổng số tiền đầu tư lên đến 10 tỷ đồng; đến nay gần 800 ky ốt vẫn bỏ hoang.
Theo ghi nhận của
PV Dothi.net chợ tạm xây lên không phải để cho việc buôn bán mà được tận dụng làm bãi đỗ xe, nơi xả rác và nước thải gây ô nhiễm đường phố nghiêm trọng. Trời nắng mùi hôi thối do rác thải buôn bán vỉa hè ngoài chợ gây ra, tanh tưởi nhất là giết mổ gia cầm, các hàng thủy sản... Bên trong chợ không một gian hàng nào bày bán, tất cả đều để hoang. Nhưng bên ngoài cảnh mua bán lại nhộn nhịp, tấp nập gây hỗn loạn cả tuyến đường, nhiều khi gây ùn tắc cho người tham gia giao thông.
Việc người dân bày bán hàng tràn lan ra lòng lề đường đã ảnh hưởng rất lớn tới đời sống người dân quanh khu vực cũng như những người tham gia giao thông qua đoạn đường này.
Trước tình trạng gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân nơi đây, Ban quản lý chợ Ngã Tư Sở cần có những biện pháp quy hoạch việc di chuyển hàng hóa vào chợ. Ngoài ra, cần xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm lòng đường buôn bán, gây ô nhiễm. Từ đó, lấy lại vẻ đẹp của một vùng văn hóa nổi tiếng xứ kinh kỳ
Ngoài những bất cập phát sinh từ kiểu buôn bán nhỏ lẻ, du khách khi đến với đường Láng vẫn tìm đến những gian hàng sách cũ, hay tìm về những nét đẹp văn hóa của một vùng đất cổ xưa. Và qua đó mỗi người đều có những cảm nhận riêng. Nét đẹp quá khứ, tinh hoa văn hóa, tinh hoa ẩm thực vẫn hiển hiện, tồn tại trong tâm thức mỗi người giữa cuộc sống hiện đại, hối hả.
Lê Hoa