SearchNews

Hà Nội: Giáng Sinh thăm những nhà thờ cổ kính

21/12/2011 15:18

Mỗi dịp Giáng Sinh về, những nhà thờ cổ kính ở Hà Nội lại trở thành những điểm thăm quan hút khách bậc nhất

Mỗi dịp Giáng Sinh về, những nhà thờ cổ kính ở Hà Nội lại trở thành những điểm thăm quan hút khách bậc nhất. 

Từ thế kỷ 18, Hà Nội đã là một trong những địa chỉ hàng đầu trong việc truyền đạo Thiên Chúa của các giáo sĩ phương Tây tại Việt Nam. Nhưng chỉ sau khi thực dân Pháp bình định Bắc Kỳ (1886-1887), quá trình xây dựng nhà thờ Thiên chúa giáo mới được đẩy mạnh. Sự xuất hiện của kiến trúc nhà thờ Thiên chúa giáo thời Pháp thuộc đã khiến không gian đô thị Hà Nội có những thay đổi mạnh mẽ với những dấu ấn quan trọng còn tồn tại cho đến bây giờ.

Ngày nay, các nhà thờ không còn thuần túy là những công trình phục vụ tôn giáo, mà đã trở thành di sản chung, mang ý nghĩa văn hóa lớn lao đối với mọi đối tượng quần chúng. Vào mỗi dịp Giáng sinh, các nhà thờ được trang hoàng rực rỡ lại trở thành điểm tham quan ưa thích của nhiều người. Các sinh hoạt cộng đồng phong phú diễn ra trong đêm Giáng sinh tại các nhà thờ cũng thu hút đông đảo sự tham gia của người dân, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng

Mỗi ngôi nhà thờ lại mang trong mình những nét đặc trưng riêng cùng những câu chuyện riêng biệt. 

Nhà thờ Lớn Hà Nội

Tọa lạc ở số 40 phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, nhà thờ Lớn được xây dựng trên khu đất vốn là nền của tòa tháp Báo Thiên nổi tiếng của kinh thành Thăng Long thời Lý (thế kỷ 11-12), ở phía đông hồ Hoàn Kiếm.

nhà thờ

Nhà thờ Lớn có tên chính thức là nhà thờ Saint Joseph, khánh thành vào lễ Giáng sinh năm 1887, sau hai năm xây dựng. Nhà thờ được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothique trung cổ châu Âu, rất thịnh hành trong thế kỷ 12 và thời Phục Hưng ở châu Âu, với kiểu dáng phỏng theo nhà thờ Đức Bà Paris.

nhà thờ

Khi mới xây dựng, khu vực quanh nhà thờ còn hoang vắng, ít nhà cửa. Đến thập niên 1890, phố Nhà Thờ được xây dựng theo hướng từ nhà thờ ra hồ Hoàn Kiếm, khi đó vị trí nhà thờ Lớn mới trở nên đắc địa và đóng vai trò quan trọng trong không gian đô thị Hà Nội.

Ngày nay, nhà thờ Lớn được coi là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu nhất của Thủ đô Hà Nội.

Nhà thờ Hàm Long

Nhà thờ Hàm Long (21 phố Hàm Long, quận Hoàn Kiếm) được xây dựng vào năm 1934 trên một khu vực tương đối rộng, nơi giao nhau giữa phố Boulevard Doudart de Lagré (phố Hàm Long) và phố Rue Jacquin (phố Ngô Thì Nhậm).

nhà thờ

Kiến trúc nhà thờ nổi bật bởi tháp chuông nằm ở trung tâm mặt đứng, được trang trí giản dị và hài hòa. Một nét đặt biệt của nhà thờ là hệ thống cửa lấy sáng có hình quả trám đặt bên cạnh các họa tiết trang trí hình tròn mang nhiều tính bản địa. Sau này xung quanh nhà thờ còn được trang trí bởi nhiều tượng Thánh có nét điêu khắc rất sinh động.

Mặc dù có quy mô không lớn, trang trí không cầu kỳ, nhưng nhà thờ Hàm Long lại có nét độc đáo so với đa phần các nhà thờ Thiên chúa giáo khác ở Hà Nội thời Pháp thuộc. 

Nhà thờ Cửa Bắc

Nhà thờ Cửa Bắc (số 56 Phan Ðình Phùng, quận Ba Đình) có tên chính thức là Giáo đường Nữ vương các thánh tử đạo, được xây dựng vào khoảng những năm 1925-1930 trên khoảng đất chạy dài theo phố Boulevard Carnot (phố Phan Đình Phùng ngày nay), nơi giao nhau với phố Frères Shneider (phố Nguyễn Biểu). Vị trí nhà thờ đối diện với cổng phía Bắc thành Thăng Long nên dân gian thường gọi là nhà thờ Cửa Bắc.

nhà thờ

Mặt bằng không gian nhà thờ được cấu trúc theo nguyên tắc nhà thờ thời kỳ Phục Hưng kiểu chữ thập La Tinh, kết hợp phong cách Á - Âu, không tuân theo quy tắc đối xứng, mà lệch với tháp chuông cao ở bên phải và cân bằng với mái vòm ở trung tâm. Điều này làm cho nhà thờ Cửa Bắc có nét khác biệt so với đa phần các công trình Thiên Chúa giáo có hình thức đăng đối nghiêm cẩn được xây dựng ở Việt Nam thời Pháp thuộc.

Với thiết kế mang phong cách riêng của mình, nhà thờ Cửa Bắc không chỉ là một địa chỉ tôn giáo mà còn là một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất thời kỳ Pháp thuộc ở Hà Nội.

Nhà thờ Thịnh Liệt

Nhà thờ Thịnh Liệt còn gọi là nhà thờ Làng Tám tọa lạc ở trong ngõ Giáp Bát, quận Hai Bà Trưng. Công trình được xây dựng vào năm 1911 trên một khu đất rộng rãi, thoáng đãng thuộc địa phận làng Thịnh Liệt, đối diện một hồ nước lớn theo thết kế của một người Việt Nam là Đốc (Docteur) Thân.

nhà thờ

Có lẽ, do nhà thờ được thiết kế bởi một người Việt Nam nên phong cách kiến trúc khá pha trộn, với bố cục cân xứng gồm hai tòa tháp theo kiểu nhà thờ Gothique, hệ thống cửa vòm tròn cộng dãy mái lợp gạch đỏ chạy dài và kết thúc ở các múi cong theo kiểu kiến trúc Phục Hưng và cả những họa tiết mang tính dân tộc.

Tuy nhiên, nhờ sự khéo léo của kiến trúc sư, các sắc thái kiến trúc của nhà thờ được kết hợp hài hòa và tọa ra được một tổng thể đẹp với tính trang trí cao bậc nhất ở Hà Nội.

Nhà thờ An Thái

Nhà thờ An Thái, có tên khác là là nhà thờ Kẻ Bưởi (ngõ 460 Thụy Khuê, Tây Hồ) được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 trên đất làng An Thái, thuộc vùng Kẻ Bưởi ở phía Nam của hồ Tây.

Nhà thờ được xây dựng theo phong cách kiến trúc Phục hưng với những họa tiết trang trí tinh tế. Dù quy mô khiêm tốn nhưng tổng thể nhà thờ vẫn toát lên vẻ vững chãi và uy nghiêm. Mặt trước nhà thờ có dòng chữ tiếng Latinh “Mater Dolorosa ora pro nobis”, có nghĩa là Đức mẹ Thống khổ, hãy nguyện cầu cho chúng con”.

nhà thờ

Ngày nay, nhà thờ An Thái là một trong những nhà thờ cổ còn giữ được kiến trúc nguyên bản ở Hà Nội.

Theo KTS Trần Quốc Bảo (Giảng viên chính khoa Kiến trúc và Quy hoạch - ĐH Xây dựng), đa phần các nhà thờ ở Hà Nội đều đạt được tỉ lệ hài hòa cũng như tương quan thích hợp giữa các thành phần kiến trúc, có giá trị thẩm mỹ cao. Một số nhà thờ còn khai thác những đường nét kiến trúc dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố và thành phần kiến trúc Á - Âu tạo ra ấn tượng đẹp về nhà thờ Thiên chúa giáo mang tính độc đáo Việt Nam.

Có thể nói, sự xuất hiện của nhà thờ Thiên chúa giáo thời Pháp thuộc đã góp phần tích cực trong việc tạo ra sự đa dạng, phong phú cho bộ mặt kiến trúc đô thị Hà Nội, cùng với những thể loại kiến trúc khác tạo ra ấn tượng về sự gắn bó giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

Bên cạnh những giá trị về kiến trúc, cảnh quan, nhiều nhà thờ Thiên chúa giáo cũng là những công trình mang nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa, phản ánh cả một giai đoạn phát triển của thủ đô Hà Nội.

Trần Bách (Theo Đất Việt)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu