> Hà Nội đặt tên 29 đường, phố mới
UBND TP.Hà Nội đã trình HĐND thành phố hồ sơ dự kiến đặt tên cho 29 tuyến phố, tuyến đường mới. Tuy nhiên, chính người dân đang sống tại khu vực đó lại không hiểu ý nghĩa của tên đường, tên con phố đó.
Nhiều cái tên mới và lạ
Trong 29 tuyến đường, tuyến phố mới này có 9 đường phố được đặt tên danh nhân, 19 đường phố được đặt theo địa danh và 1 tuyến đường mang tên di tích lịch sử văn hóa. Thực tế nhìn lại trong các tên mới vừa được công bố có khá nhiều tên nghe qua còn khá xa lạ với người dân, chưa nói gì đến ý nghĩa địa danh hay công trạng của danh nhân.
Anh Trương Thanh Hải (phường Nhật Tân, Hà Nội) chia sẻ: “Tên tuyến phố mới sắp đặt ở khu vực nhà tôi là phố Nhật Chiêu. Nghe cái tên, tôi cũng không hình dung ra đây là tên địa danh hay tên nhân vật lịch sử nữa”.
Quả thật, nếu không phải là những người sống lâu năm, am hiểu về lịch sử thì sẽ khó hiểu Nhật Chiêu chính là tên
Nhiều tên phố mới... đánh đố
Quận Cầu Giấy sẽ có tuyến phố mới Dịch Vọng Hậu
Quận Đống Đa sẽ có tuyến phố mới An Trạch, đường Đê La Thành được kéo dài
Quận Hà Đông sẽ có tuyến phố mới Ngô Thì Sĩ
Quận Hoàng Mai sẽ có tuyến phố mới Linh Đường
Quận Tây Hồ sẽ có tuyến phố mới Vệ Hồ, Nhật Chiêu, Quảng Bá, Yên Hòa, Trích Sài
Huyện Đông Anh sẽ có tuyến đường mới Vân Trì, Đản Dị, Thụy Lâm, Dục Nội
Huyện Gia Lâm sẽ có tuyến đường mới Trung Mầu, Phù Đổng
Huyện Từ Liêm sẽ có có tuyến đường mới Hoàng Công Chất, Phan Bá Vành, Đình Thôn, Châu Văn Liêm, Đức Diễn, Hữu Hưng, phố Nguyễn Đổng Chi, Đỗ Xuân Hợp, Trần Văn Lai, Đỗ Nhuận, Võ Quý Huân.
cổ của Nhật Tân. Do tên Nhật Chiêu kỵ húy với Vua Thành Thái (Nguyễn Phúc Chiêu) nên năm 1890 mới đổi thành Nhật Tân.
Chị Trần Thị Thủy (Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội) hài hước: “Làng em bao đời nay sản xuất cốm đã gắn liền với cái tên làng Vòng, bây giờ cắt đường đổi tên phố thành Dịch Vọng Hậu. Giờ thương hiệu cốm Vòng chắc đổi thành cốm… Dịch Vọng Hậu. Nói thật từ bé đến giờ nói đến Dịch Vọng em còn biết chứ Dịch Vọng Tiền hay Hậu chắc phải về hỏi các cụ mới rõ”.
Nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân cho biết: “Tên của những con đường được đặt theo các danh nhân để tôn vinh những đóng góp của họ cho đất nước, thể hiện sự biết ơn tiền nhân và trân trọng những giá trị lịch sử, thể hiện lòng yêu nước của cư dân trên địa bàn. Thế nhưng, không chỉ người dân đi qua con phố, ngay cả những người sống ở đó, cũng không hề có chút thông tin, kiến thức nào về cái tên này thì khác nào chúng ta đã thất bại trong việc lưu giữ lịch sử thông qua con đường”.
Làm sao để dân hiểu?
Trong bối cảnh hiện nay, để người dân hiểu được hết những ý nghĩa của tên đường, tên phố mới quả là một việc rất khó. Cũng đã có nhiều ý kiến kiến nghị là sẽ sử dụng loa phường, xã sở tại phát hàng ngày về lịch sử tên gọi của mỗi đoạn phố, con đường mới nằm trên địa bàn đó như vậy, vừa giảm thiểu tối đa những chi phí cho công đoạn này, vừa có thể tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân trong khu vực.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Dơn -Thư ký Hội đồng đổi đặt tên đường phố Hà Nội cho biết: “Thật ra, để làm công tác tuyên truyền cho tên một tuyến đường mới không khó. Theo tôi, đầu tiên, nó là trách nhiệm ngay từ cấp tuyên truyền cơ sở - loa truyền thanh phường”.
Thế nhưng loa phường chỉ giải quyết được vấn đề “phổ cập kiến thức” cho dân địa phương, còn với khách vãng lai thì thế nào? Hơn nữa, việc tuyên truyền bằng loa phường hiện nay đang khiến nhiều người cảm thấy bị “dị ứng” bởi nó đã được xếp vào loại “ô nhiễm âm thanh”.
Ông Văn Thái Nghĩa - một người dân ở huyện Từ Liêm cho biết:
“Tôi thấy bảo tên phố mình ở sẽ đặt mới là Phan Bá Vành, quả thật sống gần đến gần 70 tuổi tôi cũng không biết ông ấy là ai? Giờ nếu đưa lên loa phường đọc giải thích tôi cũng không biết việc này sẽ kéo dài bao lâu, chẳng lẽ ngày nào cũng đọc ra rả, mà đâu phải cứ loa đọc là ai cũng nghe đâu? Cách này cũng không ổn”.
Theo lịch sử, Phan Bá Vành là một thủ lĩnh nông dân, người làng Minh Giám, trấn Sơn Nam Hạ, nay thuộc huyện Đông Hưng (Thái Bình) từng phất cờ nổi dậy ở núi Voi Phục (Hải Phòng) vào tháng 7 năm Ất Dậu 1825 (năm Minh Mạng thứ 6).
Việc chọn danh nhân ở một địa phương khác mà không được giải thích cặn kẽ cũng là một lý do khiến cho người dân khó hiểu về tên phố mình.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Sử dụng bức phướn để giới thiệu
Để hiểu được ý nghĩa, đặc biệt là người dân ở khu vực tuyến đường, tuyến phố mới thì đã có rất nhiều sáng kiến khác nhau, ví dụ có nhiều địa phương sử dụng các bức phướn, bia đá giới thiệu tóm tắt ý nghĩa địa danh, tiểu sử danh nhân ngay tại các tuyến phố, tuyến đường mới. Ở giai đoạn bước đầu thì đây có lẽ là phương pháp hữu hiệu nhất trong công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, các phương tiện báo, đài cũng cần có các phương pháp tuyên truyền để người dân ngoài hiểu được ý nghĩa tuyến phố, tuyến đường mới còn bổ sung thêm các kiến thức về lịch sử.
PGS - TS Nguyễn Thị Minh Thái: Nên học cách đặt tên của nước ngoài
Nhân việc đặt tên đường, tên phố mới ở Hà Nội, chúng ta cũng cần phải rút kinh nghiệm ở trường hợp đặt tên tuyến đường Nguyễn Văn Vĩnh ở TP.Hồ Chí Minh. Khi tên đường được trương lên, người dân không chỉ sống trên tuyến đường đó mà rất nhiều người dân TP.HCM gần như không biết ông Nguyễn Văn Vĩnh là ai, có đóng góp gì trong lịch sử dân tộc? Chúng ta nên học tập cách đặt tên và tuyên truyền tên đường của nước ngoài. Biển tên đường ở các tuyến phố, tuyến đường nên có một tấm bảng ghi rõ ý nghĩa lịch sử, tiểu sử của danh nhân hoặc địa danh.
|
(Theo Dân Việt)