> Sắp thanh tra sử dụng vỉa hè, lòng đường ở Hà Nội, TP HCM
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa đề xuất với UBND TP.HCM điều chỉnh, huỷ bỏ danh mục các tuyến đường cho phép sử dụng một phần vỉa hè làm bãi giữ xe, kinh doanh buôn bán, đậu xe dưới lòng đường. Liên quan đến chủ trương trên, nhiều ý kiến từ phía các lãnh đạo cũng như người dân TP HCM cho rằng nếu không có lộ trình, không có giải pháp thay thế thì rất dễ phản tác dụng.
Không thể cấm ngay được
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, chủ một nhà hàng trên đường Lê Thánh Tôn, cho biết, từ ngày UBND TP.HCM có quy định cho phép được sử dụng một phần vỉa hè làm nơi để xe, buôn bán thì hầu hết người dân dọc tuyến đường này đều chấp hành nghiêm quy định. Ai cũng tự giác để xe, để hàng hoá... bên trong vạch sơn. “Ở tuyến đường này, nhà nào để xe hoặc hàng hoá lấn ra ngoài vạch sơn là lực lượng thanh tra đến nhắc nhở hoặc nhà bên cạnh nhắc nhở ngay. Chúng tôi đã chấp hành nghiêm như vậy mà nay dự kiến còn cấm nữa thì không biết đậu xe ở đâu, buôn bán kiếm sống thế nào”, ông Thanh băn khoăn. Để kiểm chứng lời ông Thanh nói, chúng tôi khảo sát dọc tuyến đường Lê Thánh Tôn và nhận thấy, vỉa hè ở đây khá thông thoáng, hầu hết người dân đều để xe và buôn bán bên trong vạch sơn cho phép.
Ông Nguyễn Văn Ca, buôn bán nước giải khát trên vỉa hè ở quận 5 cho hay gia đình ông có sáu miệng ăn, trong đó có ba đứa con đang đi học, tất cả đều trông chờ vào quầy nước giải khát. “Nếu tới đây, Nhà nước thực hiện chủ trương cấm kinh doanh buôn bán thì không biết gia đình tôi sẽ sống ra sao, bởi cả hai vợ chồng đều không có trình độ, không có nghề nghiệp”, ông Ca than thở.
Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Bình (quận 1, nơi có tới mười tuyến đường bị đề xuất dẹp để xe dưới lòng đường), ông Nguyễn Thế Định, nói ông ủng hộ đề xuất trên với điều kiện sở Giao thông vận tải thành phố đưa ra lộ trình thực hiện cụ thể. “Không thể nói cấm là cấm ngay được, như vậy rất khó thuận lòng dân”, ông Định nói.
Theo ông Định, hiện nay nhu cầu đậu xe của người dân là có thật, do vậy nếu không cho đậu xe ở một số tuyến đường thì xe sẽ đậu ở đâu? Bãi giữ xe thì Nhà nước chưa làm được, các doanh nghiệp cũng chưa mạnh dạn đầu tư, trong khi lượng xe thì ngày một tăng lên. Mặt khác, nếu làm ngay thì Nhà nước không đủ kinh phí để sắp xếp lại công ăn việc làm cho những người được Nhà nước thuê để trông xe trước đây, không có kinh phí để xây dựng bãi đậu xe, mở rộng đường... Từ đó, ông Định kiến nghị: “Nếu UBND TP.HCM đồng ý với đề xuất của sở Giao thông vận tải thì nhất thiết phải có đề án rõ ràng và cho các địa phương thời gian thực hiện”.
Đồng quan điểm, ông Lưu Trung Hoà, phó chủ tịch UBND quận 1, cho rằng, về lâu về dài phải đưa vỉa hề về đúng với công năng của nó là phục vụ lợi ích công cộng, làm lối đi cho người dân. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này cần phải có thời gian chuẩn bị những điều kiện cần thiết. Cụ thể, nếu không cho người dân đậu xe dưới lòng đường thì trên các tuyến đường ấy phải xây dựng những bãi giữ xe. Ông Hoà nói: “Khi đã có bãi đậu xe rồi thì mình cấm người dân sẽ chấp hành”.
Không nên máy móc
Bà Huỳnh Thị Thảo, chủ tịch UBND quận 5, nơi có 31 tuyến đường bị đề xuất dẹp bỏ các bãi giữ xe trên vỉa hè, cho biết sau nhiều đợt khảo sát cho thấy nếu đồng loạt cấm hết vỉa hè thì rất khó và sẽ gây khó khăn cho người dân.
“Thực tế, trên địa bàn quận 5 có rất nhiều chợ được xây dựng trước 1975 không có bãi giữ xe. Nếu không cho phép giữ xe trên vỉa hè, người dân không biết gửi xe ở đâu khi đi chợ. Do vậy, quận 5 kiến nghị thành phố cho phép quận được cho giữ xe trên vỉa hè ở các tuyến đường xung quanh chợ theo giờ, nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh của tiểu thương cũng như tạo thuận lợi cho người dân mỗi khi đi chợ”, bà Thảo nói.
Theo bà Thảo, trường hợp thành phố không thúc đẩy nhanh việc xây dựng các bãi đậu xe tập trung, không quy hoạch được nơi cho người mua gánh bán bưng làm chỗ mưu sinh trước khi ban hành lệnh cấm, thì chính quyền địa phương không thể quản được.
Ông Lưu Trung Hoà, cho biết thêm, hiện nay việc kinh doanh vỉa hè có hai dạng, một là người dân tự lấn chiếm, hai là được chính quyền cấp phép. Nếu được chính quyền cấp phép thì rất dễ cấm vì chỉ cần không cấp phép nữa. Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất là khi không cấp phép nữa mà vì miếng cơm manh áo, người dân sẽ quay sang lấn chiếm, lúc ấy việc quản lý lại càng khó và phức tạp hơn.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, cho rằng nếu làm rập khuôn, máy móc sẽ thất bại. Ông Nguyên nhấn mạnh: “Việc cấm mua bán kinh doanh trên tất cả các tuyến đường có vỉa hè, kể cả những tuyến đường có vỉa hè rộng trên 3m, là việc làm thiếu khoa học và chắc chắn sẽ tác dụng ngược. Nhiều tuyến đường dù thành phố đang ra sức xây dựng thành đường kiểu mẫu, nhưng thực tế cho thấy “cấm cứ cấm, bán cứ bán””.
Theo TS Nguyên, trước khi thành phố thông qua đề xuất trên cần phải tiến hành khảo sát, thăm dò ý kiến người dân. Cần xem xét đoạn đường nào có mua bán trên vỉa hè nhưng không gây ảnh hưởng đến giao thông thì tiếp tục duy trì để tạo điều kiện cho người dân mưu sinh.
Đối với các tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, sở Giao thông vận tải vừa đề xuất bỏ 71/160 tuyến và bổ sung tám tuyến (trong đó quận Bình Tân có bảy tuyến). Quận 5 là địa phương bị đề xuất bỏ nhiều tuyến đường nhất (31 tuyến), kế đến là quận 10 (18 tuyến), quận 1 và quận 3 đề xuất bỏ bốn tuyến.
Các tuyến đường cho phép đậu xe dưới lòng đường có thu phí, sở Giao thông vận tải đề xuất bỏ 34/73 tuyến đường, bổ sung mười tuyến đường. Quận 1 có mười tuyến bị đề xuất bỏ, tiếp đến là quận 11 (bảy tuyến) và quận 10 (năm tuyến). Sở này cũng đề xuất bỏ 112/112 tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè phục vụ kinh doanh buôn bán, tức không chấp thuận việc sử dụng vỉa hè vào mục đích này.
Trước đó, theo quyết định của UBND TP.HCM vào năm 2009, toàn thành phố có 160 tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí; 112 tuyến đường cho kinh doanh dịch vụ buôn bán hàng hoá và 73 tuyến đường cho phép đậu xe dưới lòng đường có thu phí.
|
(Theo SGTT)