SearchNews

Phân làn ở Hà Nội chưa hiệu quả

04/05/2012 14:14

Cả Trưởng phòng Cảnh sát giao thông và Phó chủ tịch Hà Nội đều cho rằng việc phân làn tại 4 tuyến phố hiệu quả chưa như mong muốn.

Hà Nội: Kế hoạch phân làn đã lại phá sản?

> Hà Nội: Tiếp tục phân làn đường, hạn chế phương tiện cá nhân

Cả Trưởng phòng Cảnh sát giao thông và Phó chủ tịch Hà Nội đều cho rằng việc phân làn tại 4 tuyến phố hiệu quả chưa như mong muốn, tuy nhiên thành phố vẫn quyết tâm nhân rộng mô hình này tại 2 tuyến phố là Yên Phụ - Trần Quang Khải và Hoàng Quốc Việt.

Ngày 3/5, tại cuộc họp của UBND TP Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải cho hay, thành công của việc phân làn 4 tuyến phố Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn; Giải Phóng; Phố Huế - Hàng Bài; Bà Triệu là nâng cao ý thức của người dân đi đúng làn đường, giảm thiểu xung đột giao thông, tăng khả năng thông hành...

phân làn giao thông Hà Nội

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Giao thông Nguyễn Quốc Hùng cũng thừa nhận, khi phân làn, cơ quan chức năng chưa tính hết đặc điểm các tuyến phân làn đều là đường đô thị, có nhiều loại phương tiện cùng tham gia, trong đó nhiều phương tiện phục vụ cuộc sống của người dân sống 2 bên đường. Vì thế, mỗi khi người dân tạt vào hay xe buýt mỗi lần vào đón trả khách gây xung đột dòng xe. Ngoài ra, các phố có nhiều ngõ, hẻm, mật độ phương tiện đông cũng tạo thành xung đột trên đường.

"Việc phân làn phương tiện là khó, nhưng khó mấy cũng phải làm để nâng cao ý thức người tham gia giao thông, giảm ùn tắc. Đối với trường hợp cố tình vi phạm, đề nghị lực lượng cảnh sát giao thông xử lý nghiêm", ông Hùng nói.

phân làn giao thông

Theo Sở Giao thông Vận tải, trong quý 2, ngoài việc tiếp tục duy trì phân làn tại 4 tuyến đã triển khai, ngành giao thông sẽ phân làn phương tiện ở tuyến Yên Phụ - Trần Quang Khải - Trần Nhật Duật và Hoàng Quốc Việt.

Trong khi đó, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội) Nguyễn Duy Ngọc đánh giá, việc phân làn tại 4 tuyến phố hiệu quả chưa như mong muốn, nhiều đoạn, tuyến người dân chưa đi đúng làn. Nguyên nhân thanh tra giao thông có quá nhiều việc phải làm nên không thể bố trí đầy đủ lực lượng hướng dẫn.

Để việc phân làn có hiệu quả, đại tá Ngọc cho rằng, phải bố trí đầy đủ thanh tra giao thông hướng dẫn, phân luồng. Bên cạnh đó, cần xén hè, mở thêm các vịnh cho xe buýt vào đón khách, xử lý nghiêm xe buýt vượt đèn đỏ, lấn làn, dừng đỗ đột ngột giữa đường đón trả khách. Đồng thời, các đường ngang trên 2 tuyến sắp phân làn cần được rà soát để sắp xếp điễm đỗ xe, thu hồi giấy phép trông xe.

Đồng tình với nhận định của đại tá Ngọc nhưng Phó chủ tịch thành phố Nguyễn Văn Khôi lại cho rằng, sẽ rất khó bố trí đủ thanh tra giao thông làm việc trên đường bởi thanh tra và cảnh sát giao thông đang rất thiếu, phải làm cùng lúc nhiều nhiệm vụ. Vì vậy, Phó chủ tịch chỉ đạo, phải cải tạo tốt hạ tầng các tuyến đường như sơn kẻ vạch, lắp biển báo, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tự giác chấp hành, kết hợp tuần tra phát hiện xử lý nghiêm vi phạm.

Phó chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cũng yêu cầu ngành giao thông coi việc phân làn phương tiện, xây thêm cầu vượt nhẹ để chống ùn tắc trên các tuyến phố là nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay.

Tháng 9/2011, Hà Nội phân làn 4 tuyến phố Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn; Giải Phóng; Phố Huế - Hàng Bài; Bà Triệu. Sở Giao thông Vận tải đã chi 4,6 tỷ đồng cải tạo hạ tầng 4 tuyến và 2,5 tỷ đồng bồi dưỡng cán bộ phân làn.

Tuy nhiên, ngay sau đó đã xảy ra hàng loạt vụ tai nạn do người dân đâm vào biển báo. Trong khi lãnh đạo Sở Giao thông khẳng định cắm biển đúng và lỗi do người dân thiếu quan sát thì Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo sở này tìm hiểu kỹ nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông bởi không loại trừ vị trí cắm biển chưa phù hợp. Một thời gian sau, Sở Giao thông âm thầm lắp thêm dải phân cách mềm phía trước các biển báo chôn giữa đường.

(Theo VnExpress)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu