SearchNews

Văn hóa giao thông đô thị: Không thể trông chờ tự giác

08/05/2012 09:06

Văn hóa giao thông Việt Nam hình thành từ văn hóa nông nghiệp. Vì vậy phải có cơ chế bắt buộc chứ không thể trông chờ tự giác!

Văn hóa giao thông Việt Nam hình thành từ văn hóa nông nghiệp. Vì vậy phải có cơ chế bắt buộc chứ không thể trông chờ tự giác, chuyên gia kỳ cựu nói.

Xung quanh thực trạng giao thông quá lộn xộn tại Hà Nội đặc biệt là ý thức giao thông của người dân chưa tốt khi lưu thông trên 2 cầu vượt lắp ghép mới thông xe, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải (ĐH Giao thông vận tải).

PGS.TS. Nguyễn Văn Thụ.

- Thưa ông, với nhiều năm nghiên cứu về giao thông đô thị, ông nhìn nhận thế nào về văn hóa giao thông hiện nay ở nước ta nói chung, ở các đô thị lớn nói riêng?

Văn hóa giao thông của ta hiện nay là lựa nhau mà đi chứ không theo luật lệ, và chủ yếu là tiện, họ đi theo cách tiện nhất cho mình, không quan tâm đến người khác thế nào. Đấy là lối sống theo tập tục nhỏ của văn hóa nông nghiệp để lại, nên rất khó thay đổi văn hóa.

Cầu vượt cho người đi bộ xây lên nhưng giờ chỉ cho các cụ tập thể dục, một vài đôi lứa lên đấy tâm sự với ngắm đường, vì phía dưới cầu vượt ta vẫn có lối cho người ta đi ngang qua, dù cho phép hay không cho, thì cứ thấy tiện, đường ngắn hơn là người ta đi.

Tôi đã không ít lần chứng kiến cảnh cả đoàn học sinh cùng kéo nhau đi qua đường, chúng không bao giờ chờ đèn, các phương tiện khác đều phải nhường đường cho chúng. Đấy là tâm lý đám đông, cậy thế đông người nên cứ đi các xe phải dừng hết.

Nước ta đi lên từ nên sản xuất nông nghiệp nhỏ nên tạo thói quen như thế, dẫn tới văn hóa giao thông tuy tiện, không tôn trọng luật lệ.

Theo cảm quan của tôi thì người dân TP. HCM vẫn nghiêm túc hơn, chấp hành Luật pháp tốt hơn người dân Hà Nội. Dù sao họ cũng tiếp thu văn hóa phương Tây sớm hơn, nhiều hơn. Cảnh tượng Cảnh sát giao thông lao lên nắp capo cũng chỉ có ở Hà Nội.

- Ngoài lý do về lịch sử phát triển, phải chăng hiện nay luật pháp chưa được áp dụng nghiêm cũng tạo điều kiện để lối sống tùy tiện, đi theo ý mình được phát triển hơn?

Cái đấy cũng có một phần. Ngay như công an, thấy người đi bộ vi phạm, tôi có hỏi họ sao không phạt, ông công an bảo là thôi thương nó phạt làm gì, nên bỏ qua, nhiều trường hợp vi phạm cũng có thể xin là cho… Đấy là tính thương nhau của người Việt, vì bản thân anh công an cũng từ nông dân mà ra.

Cũng phải nói thêm rằng, lực lượng của ta hiện nay mỏng quá, không thể chỗ nào cũng đứng được, như trong đoạn clip, nếu chỗ đầu cầu đấy mà có công an đứng thì chắc chắn chả xe nào dám vi phạm.

Dân ta giờ chỉ sợ mỗi Cảnh sát giao thông, nên một nút giao chỉ để một Cảnh sát giao thông, còn lại có thể lực lượng khác, như thanh tra, thanh niên, công an phường…

- Còn về các quy định xử phạt hiện nay, phải chăng nó chưa đủ tính răn đe nên người dân chưa sợ?

Theo tôi không phải thế, mức phạt như hiện nay là hợp lý. Nhưng quan trọng là phải có cơ chế giám sát xử lý vi phạm, để theo dõi được việc xủa phạt đảm bảo công bằng, nghiêm minh của pháp luật.

Hiện nay việc thi hành luật không nghiêm tục đã tác động nhiều tới văn hóa giao thông, làm người dân xem thường pháp luật. Cái chưa nghiêm túc này cũng là vì ảnh hưởng của nền sản xuất nhỏ, vì cái lợi ích cá nhân mà bỏ qua sự nghiêm minh, công bằng của pháp luật.

Không phải cứ xử phạt nhiều là người dân sợ và nghe theo, cái quan trọng nhất vẫn là vấn đề thực thi có công bằng, nghiêm minh không. Công an là lực lượng giữ kỷ cương xã hội, nhưng chính những người đó lại đang làm sai, như vậy còn xử phạt được ai?

cầu vượt lắp ghép

- Ông đánh giá thế nào về trình độ nhận thức ảnh hưởng tới văn hóa giao thông?

Cái đấy cũng có ảnh hưởng, anh có tri thức thì dễ tiếp thu hơn, nhưng bị chi phối bởi thói quen nên anh vẫn vi phạm, hiểu nhưng vẫn làm. Còn phần lớn người dân vẫn vì văn hóa thấp nên xem thường tính mạng của chính mình và người khác.

Nhà nước bỏ tiền đầu tư cầu là đã lo hộ tính mạng người dân, nhưng chính người trong cuộc lại không lo cho tính mạng của mình. Nhận thức Luật Giao thông của mình cũng có vấn đề, đi học chỉ thuộc khi làm bài thi, lấy được bằng là quên hết, xem biển báo nhiều khi không hiểu biển đấy là gì.

- Phải chăng một phần là do việc tuyên truyền về luật của mình chưa được tốt, nên nhiều người vẫn chưa hiểu biết đủ về luật dẫn tới vi phạm?

Hiện nay ta tuyên truyền tập trung chủ yếu ở cấp trung ương, còn ở địa phương chưa sâu rộng, vì kinh phí đâu để làm, nhất là ở nông thông, nếu có cũng chỉ phát trên loa phóng thanh của thô xã được một hai buổi. Tuyên truyền nhiều khi chỉ mang tính hình thức, không phải để người dân hiểu.

Trường học là nơi tuyên truyền tốt nhất, dễ nhất, thầy cô gưỡng mẫu, gia đình gương mẫu để thế hệ sau học theo. Nhưng ngay việc đấy ta làm cũng chưa tốt, tôi đã thấy nhiều cảnh cô giáo dắt học sinh đi sang đường, họ lấy sợi dây dài rồi bắt tất cả học sinh cầm vào dây, hai cô giáo hộ tống hai đầu dây, cô đi trước lấy mũ vẫy để phương tiện biết mà dừng lại nhường đường, cứ thế các cô dắt học sinh sang đường không cần biết là có đúng luật hay không.

cầu vượt lắp ghép

- Vậy theo ông biện pháp gì có thể áp dụng để tạo thói quen tôn trọng luật của người dân tham gia giao thông thông?

Phải có thiết chế bắc buộc, bắt người dân chấp hành, không thể trông chờ tự giác được. Như với cầu đi bộ, để bắt người dân đi qua cầu ta có thể rào hết toàn bộ phía dưới đường, rào thật cao không để cho ai sang được thì họ sẽ đi lên cầu.

Để xây dựng văn hóa giao thông, thay đổi thói quen ta phải cần thời gian dài.

- Xin cảm ơn ông!

Bài đọc nhiều:

Hà Nội sẽ khởi công thêm 3 cầu vượt lắp ghép trong năm nay

> Hà Nội: Thông cầu vượt lắp ghép

> Cầu vượt lắp ghép đầu tiên ở Thủ đô sắp thông xe

Xe máy “làm loạn” cầu vượt nhẹ mới thông xe

> Phân làn ở Hà Nội chưa hiệu quả
(Theo VTC)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu