Hà Nội hiện tồn tại nhiều di tích lịch sử có giá trị là nhân chứng của nhiều sự kiện trọng đại của cách mạng. Tuy nhiên, không ít di tích quý giá trong số đó rơi vào tình cảnh hiu hắt và dường như đang dần bị lãng quên...
Vắng khách tham quan
Tìm đến một số di tích lịch sử nổi tiếng của thủ đô, dễ nhận thấy một điểm chung: Lượng du khách tới tham quan quá vắng. Thậm chí có những nơi, cả tháng cũng không có người tới thăm.
Số nhà 15 Hàng Nón - nơi tổ chức Đại hội Công hội Đỏ toàn quốc lần thứ nhất do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập vào mùa hè năm 1920, thông qua chương trình, điều lệ của Công hội Đỏ, bầu ra ban chấp hành với chủ tịch đầu tiên là đồng chí Trần Văn Lan - công nhân Nhà máy sợi Nam Định. 90 năm trôi qua, di tích cách mạng này đã trở thành một cửa hàng bán quần áo thời trang với cửa kính sang trọng, không mấy ai còn nhận ra di tích cũ, nếu không để ý một tấm biển nhỏ gắn phía bên trái cửa, nhưng đã bị cây cảnh che khuất.
Một người cao tuổi sống ở đối diện ngôi nhà cho biết: Trước kia còn có một tấm biển đồng rất đẹp gắn trước cửa, nhưng nay đã bị mất. Đã lâu rồi không có ai tới tham quan ngôi nhà, tới mức mọi người cũng gần như quên mất khu phố mình có một địa danh lịch sử nổi tiếng.
Nằm trên phố Cầu Gỗ, ngôi nhà số 16 cũng chịu cảnh tương tự, khi đang dần bị quên lãng. Tầng một của ngôi nhà đã trở thành cửa hàng bán quần áo trẻ em, tìm mỏi mắt mới thấy tấm biển nhỏ ghi địa chỉ “nấp” phía dưới những dãy quần áo treo kín mít trên tường. Hẳn chẳng mấy ai biết rằng, đây từng là nơi đồng chí Trần Phú thường đến trao đổi với đồng chí Nguyễn Thế Rục về nội dung bản Luận cương chính trị.
Số nhà 86 Hàng Bạc - xưa vốn là trụ sở của Ban chỉ huy Trung đoàn Thủ Đô từ tháng 12.1946 đến tháng 2.1947. Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ và hào hùng, chính tại nơi này, Trung đoàn Thủ Đô đã ra đời và chiến đấu với tinh thần “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Đến nay, ngay cổng ngôi nhà số 86 đã có một quán bán nước án ngữ. Tuyệt nhiên không có biển báo hay chỉ dẫn. Những người muốn đến phòng họp cũ tham quan thì chỉ còn cách duy nhất là hỏi thăm người dân sống trong khu nhà đó.
Ngôi nhà số 5D Hàm Long từ lâu đã trở nên quen thuộc với người dân Hà Nội, được biết tới như là nơi thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên của VN và là một trong những địa danh làm nên trang sử hào hùng của cách mạng thủ đô. Được công nhận là di tích lịch sử văn hóa từ năm 1964, thuộc Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội, nhưng địa danh đỏ này cũng đang rơi vào hoàn cảnh hiu hắt.
Một nhân viên di tích này cho hay, trung bình mỗi tháng có khoảng 10 lượt khách tới tham quan, vì thế nên vào ngày cuối tuần bên ban quản lý di tích cũng cắt cử nhân viên bảo vệ tới trông coi. Trong khi đó, Bà Hiền - 80 tuổi, bán hàng nước ngay bên cạnh di tích từ 23 năm nay - cho biết, dù đây là một địa danh khá nổi tiếng của thủ đô, nhưng ít khách đến tham quan. Nhất là trong giai đoạn chuyển giao giữa hai bên quản lý (từ Bảo tàng Hà Nội đến Ban Quản lý di tích Hà Nội) thì khách đến lại càng ít hơn, thi thoảng mới có vài học sinh đến tìm hiểu. Ngày thường đã vắng, ngày cuối tuần hầu như không có ai“.
“Cửa đóng then cài” và tẻ nhạt
Một trong những lý do khiến các di tích chưa thu hút được sự chú ý của người dân, theo quan sát của chúng tôi, đó là bởi sự tẻ nhạt, nghèo nàn, về số lượng, tư liệu, cách trưng bày. Việc sắp xếp các hiện vật mà không có biển tên cụ thể, hiếm hoi mới có nhân viên hướng dẫn hay thuyết minh, khiến du khách khó tránh khỏi cảm giác nhàm chán, chưa nói đến chuyện có cảm nhận được trọn vẹn giá trị lịch sử của di tích hay không?
Thêm một lý do nữa, đó là phần nhiều di tích đều có thời gian mở cửa khá cứng nhắc, theo đúng khung giờ tại các cơ quan nhà nước (8h/ngày), sẽ rất bất lợi cho người dân muốn đến tìm hiểu. Chưa kể các di tích thuộc sự quản lý của tư nhân, thời gian mở cửa sẽ tuỳ thuộc vào chủ nhà.
Một lý do xa hơn, đó là hiện nay, việc dạy và học lịch sử trong các nhà trường đang có những vấn đề mà chung quy lại là chưa hiệu quả, chưa làm cho học sinh nói riêng, thế hệ trẻ nói chung yêu thích, say mê sử nước nhà. Việc học sinh thiếu kiến thức cơ bản về sử và không có hứng thú tìm hiểu lịch sử cũng là lý do khiến các di tích rơi vào tình trạng hiu hắt. Đã đến lúc cần phải có cái nhìn đúng đắn và toàn diện hơn về việc tuyên truyền lịch sử để “dân ta phải biết sử ta” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh!
(Theo Laodong)