> Cận cảnh đại lộ hiện đại nhất TP HCM lún sâu
Sau gần 2 năm mặt đường đại lộ Đông Tây - TPHCM bị lún, các bên liên quan vẫn đang trong quá trình tìm biện pháp khắc phục, xác định nguyên nhân và trách nhiệm.
Ngày 21/5, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông Đô thị TP (gọi tắt là Ban Giao thông - Đô thị) đã tiến hành sửa chữa tạm những khu vực bị lún trên đại lộ Đông Tây, đoạn gần giao lộ Lương Định Của - đại lộ Đông Tây, quận 2 - TPHCM. Đoạn đường này bị lún nặng từ cuối năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa thể khắc phục triệt để.
Ba lần sửa chữa vẫn… lún
Theo Ban Giao thông - Đô thị, đại lộ Đông Tây đoạn từ đường Liên Tỉnh lộ 25B (nay là đường Đồng Văn Cống) đến nút giao Cát Lái được đưa vào sử dụng từ tháng 8/2010. Đến tháng 10/2012, mặt đường bắt đầu bị lún và trồi nhựa, sau đó vệt lún và hiện tượng trồi nhựa trầm trọng dần lên cho đến nay.
Theo ghi nhận của PV, ở làn đường ô tô, mặt đường bị lún thành 2 rãnh sâu, chạy dài từ đường Đồng Văn Cống đến tận nút giao Cát Lái, trong đó nặng nhất là đoạn từ đường Đồng Văn Cống đến Lương Định Của (dài gần 800 m). Dọc theo mép 2 đường rãnh này, nhựa đường bị trồi lên, gồ ghề lượn sóng. Khi chạy, tài xế xe container phải cho bánh xe lọt thỏm vào 2 rãnh sâu này nếu không muốn bị tai nạn hoặc sự giằng xóc và rung lắc dữ dội. Người đi xe 2 bánh, mỗi lần băng ngang qua ngã tư Lương Định Của - đại lộ Đông Tây đều phải chịu cảnh đi đường gập ghềnh như cưỡi ngựa.
Đối với đại lộ Đông Tây đoạn từ Đồng Văn Cống đến Lương Định Của, Ban Giao thông - Đô thị đã tiến hành sửa chữa tạm không dưới 3 lần bằng cách cắt bỏ các khu vực trồi nhựa và thảm bù bê tông nhựa vào 2 rãnh đường bị lún sâu. Tuy nhiên, sau mỗi lần sửa chữa tạm, “bệnh” cũ cứ tái phát, mặt đường vẫn tiếp tục lún sâu sau một thời gian ngắn sử dụng.
Tiếp tục tìm nguyên nhân
Trước tình trạng mặt đường gồ ghề như trên, ông Lương Minh Phúc, Trưởng Ban Giao thông - Đô thị, cho biết nhà thầu (Obayashi-Nhật Bản) tiến hành cắt bỏ các khu vực trồi nhựa và thảm bù nhựa vào các khu vực bị lún từ ngày 21 đến 23/5. Trưa 21/5, PV ghi nhận tốc độ di chuyển trên đường khá chậm, dòng xe bị ùn lại thành hàng kéo dài từ giao lộ Lương Định Của - đại lộ Đông Tây đến giao lộ Đồng Văn Cống - đại lộ Đông Tây do toàn bộ ô tô, xe container bị dồn qua làn đường dành cho xe máy.
Theo ông Phúc, ngay khi vừa xuất hiện hiện tượng trồi nhựa, Ban Giao thông - Đô thị đã báo cáo UBND TPHCM, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước và yêu cầu nhà thầu, tư vấn tiến hành kiểm tra xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục triệt để. Vào cuối năm 2011, ông Phúc từng hứa chắc chắn khắc phục xong vào quý I/2012. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan, việc này sẽ được hoàn thành trong quý III/2012.
Ông Phúc cho biết hiện nay, căn cứ trên ý kiến của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, tư vấn và nhà thầu đang hoàn chỉnh phương án xử lý triệt để hiện tượng trồi nhựa. Đồng thời, để bảo đảm tính chính xác, khách quan trong việc xác định nguyên nhân và trách nhiệm của các đơn vị liên quan làm cơ sở cho các bước xử lý tiếp theo, Ban Giao thông - Đô thị đã chọn một đơn vị tư vấn độc lập để tiến hành công tác trên. Dự kiến, việc này sẽ hoàn thành trong quý II/2012.
Như vậy, sau gần 2 năm mặt đường đại lộ Đông Tây bị lún, các bên liên quan vẫn đang trong quá trình tìm biện pháp khắc phục. Đại lộ Đông Tây chỉ được bảo hành một năm sau khi nhà thầu bàn giao tuyến đường cho chủ đầu tư.
Do xe quá tải?
Theo Ban Giao thông – Đô thị, nguyên nhân ban đầu gây lún mặt đường đại lộ Đông Tây có thể là do xe quá tải, đặc biệt là khu vực gần giao lộ Lương Định Của – đại lộ Đông Tây (nơi xe quá tải dừng chờ đèn tín hiệu giao thông nên mặt đường bị lún càng nặng). Tuy nhiên, nguyên nhân này bị rất nhiều chuyên gia giao thông phản bác vì nếu đại lộ Đông Tây bị lún do xe quá tải thì xa lộ Hà Nội và Liên Tỉnh lộ 25B (đường Đồng Văn Cống) cũng phải chịu số phận tương tự. Trong khi đó, 2 tuyến đường trên đến nay vẫn được khai thác bình thường, mặt đường không có dấu hiệu lún và trồi nhựa như đại lộ Đông Tây.
|
(Theo NLĐ)