SearchNews

Bảo tồn phố cổ không phải là cấm xây mới

01/06/2012 09:58

Sau khi Sở Quy hoạch Kiến trúc lên phương án bảo tồn không gian phố cổ nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra xung quanh vấn đề này.

> Bảo tồn phố cổ Chợ Lớn: 440.000 dân ra sao?

Sau khi Sở Quy hoạch Kiến trúc lên phương án bảo tồn không gian phố cổ nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra xung quanh vấn đề này.

Bảo tồn không có nghĩa kìm hãm phát triển

Trao đổi với PV sáng 31/5, ông Nguyễn Anh Tuấn – PGĐ Trung tâm nghiên cứu kiến trúc, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM – cho biết: “Một số cơ quan ngôn luận thông tin trong những ngày gần đây, về ý tưởng bảo tồn khu phố cổ Chợ Lớn, chưa chuyển tải đúng bản chất của “Ý tưởng thiết kế đô thị bảo tồn phố cổ Chợ Lớn” do trung tâm chúng tôi và Cty DCU (Tây Ban Nha) phối hợp tư vấn và đề xuất lên UBND TPHCM. Phải hiểu đúng, việc bảo tồn phố cổ Chợ Lớn được chúng tôi đề xuất là theo hướng bảo tồn và phát triển đời sống, không gian, kiến trúc phố cổ, trên cơ sở phải luôn luôn hài hòa, song hành với nhau.

phố cổ TP HCM

Bảo tồn phố cổ Chợ Lớn không có nghĩa sẽ cấm người dân hoặc các dự án xây mới nhà cửa, công trình kiến trúc trong phạm vi phố cổ". Ông Tuấn khẳng định vừa bảo tồn, vừa phát triển; bởi lẽ, trong bối cảnh kinh tế - xã hội của khu vực Chợ Lớn hiện nay, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội là có thật và không thể kìm hãm. Trong phạm vi phố cổ, nếu có thêm những tòa cao ốc, phù hợp với cảnh quan, phố cổ, sẽ thổi thêm hơi thở cuộc sống, nét lạ, độc đáo cho khu phố cổ thêm sinh động. Chưa nói, qua đó, còn huy động được nguồn lực tài chính tư nhân, các thành phần kinh tế khác vào công tác bảo tồn và phát triển phố cổ.

Không nên để các chủ dự án thua thiệt

Ông Phạm Hồng Cầu – đại diện chủ đầu tư dự án “trung tâm thương mại – dịch vụ và căn hộ cao cấp” số 50 Phan Văn Khỏe – cho rằng: “Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Cty Hoàng Phúc đã không thực hiện dự án “khu hỗn hợp ở thương mại – dịch vụ” Châu Hải Thành, đối diện chợ Bình Tây. Chúng tôi tập trung cho dự án “trung tâm thương mại – dịch vụ căn hộ cao cấp” 50 Phan Văn Khỏe. 

phố cổ TP HCM

Hiện tại, Cty đã hoàn tất các thủ tục pháp lý cho dự án. Chúng tôi đã bỏ ra hơn 200 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng, đền bù cho các hộ dân trong suốt 3 năm qua. Dự kiến cuối năm 2012, dự án cao ốc 50 Phan Văn Khỏe sẽ được khởi công xây dựng với quy mô 2 block cao ốc từ 30 – 35 tầng, trên diện tích hơn 5.000m2, dành cho khoảng 1.000 người dân sinh sống".

Ông Cầu cũng đề nghị: "việc đưa ra ý tưởng “bảo tồn phố cổ" chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến dự án của chúng tôi. Chúng tôi đề nghị các cấp chính quyền quận 6 và TPHCM phải xem xét, cân nhắc kỹ càng, tránh gây cho Cty Hoàng Phúc lâm vào cảnh thua thiệt; bởi chúng tôi đã bỏ ra quá nhiều vốn liếng đầu tư vào dự án này”.

Bà Nguyễn Thị Kim (tiểu thương kinh doanh trong chợ Bình Tây): Bảo tồn thì phải nhất quán, đồng bộ. Nhà tôi ở đường Bãi Sậy, nằm trong diện tích 4,2ha của khu vực 1, phục vụ cho “bảo tồn phố cổ”. Nếu thật sự bảo tồn phố cổ, tôi nghĩ chính quyền phải làm rất nhiều việc, nhất quán và đồng bộ từ trên xuống dưới, may ra mới có thể thực hiện được đúng nghĩa “bảo tồn phố cổ”. Cần có một chính sách chăm lo, ưu tiên bán nhà đất nơi khác cho người dân phố cổ dãn dân.

Ông Phan Văn Hùng (1012 Hậu Giang, Q.6, TPHCM): Nên hỗ trợ người gìn giữ nhà cổ. Một thực tế đang diễn ra là có không ít nhà dân đang sở hữu nhà cổ; chính quyền nghiêm cấm phá bỏ, xây dựng mới, mà phải gìn giữ... mãi mãi. Nhưng oái oăm, những hộ có nhà cổ này không được xây mới, chật chội, mục nát, trong khi chính quyền chưa có một chính sách ưu đãi, hỗ trợ những hộ dân đang ngày đêm gìn giữ di sản cho phố cổ.

Ông Trần Văn Toàn – GĐ Cty TNHH mỹ thuật – kiến trúc Viet Art (TPHCM): Cần có lộ trình. Theo tôi, chính quyền và các cơ quan chức năng cần phải tính toán, cân nhắc thật kỹ càng, liệu dự án có khả thi không hãy thực hiện? Bởi thực hiện ý tưởng bảo tồn phố cổ trên 68ha, gần hết khu vực Chợ Lớn là rất tốn kém tài chính, nhân lực…

TS Nguyễn Thị Hậu – chuyên gia về kiến trúc đô thị: Bảo tồn là điểm tựa, phát triển là đòn bẩy. Dự án bảo tồn và phát triển Chợ Lớn phải trên cơ sở những tuyến đường, địa điểm tiêu biểu nhất để bảo tồn cảnh quan và không gian. Những tuyến điểm khác sẽ có sự phát triển – xây dựng mới – khai thác giá trị hiện hữu của đô thị hóa, nhưng vẫn phù hợp với không gian rộng lớn và lịch sử phát triển của cả TP. Khu vực bảo tồn là điểm tựa và khu vực phát triển là đòn bẩy để Chợ Lớn thật sự trở thành một “đô thị di sản”như nhiều đô thị di sản nổi tiếng trên thế giới.

(Theo Laodong)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu