> Hà Nội sẽ xóa sổ chợ
Trong khi các nhà quản lý đang loay hoay tìm mô hình chuyển đổi chợ, hoặc đang tìm lý do để chuyển đổi chợ thành siêu thị, trung tâm thương mại thì có một thực tế, có một mô hình được cho là chuyển đổi khá thành công ngay tại Hà Nội, đó là chợ Đồng Xuân, còn ở TP. Hồ Chí Minh là Chợ Bến Thành, Chợ An Đông.
Hà Nội đã thất bại với hy vọng tái sinh chợ truyền thống bằng “sáng kiến cấy ghép” chợ với trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê trong cao ốc hợp khối, với minh chứng là chợ Cửa Nam.
Hà Nội cũng đã thất bại với dự án xây mới một cách “duy ý chí”, “xây chợ mới theo tư duy cũ”… như chợ Hàng Da.
Nhưng hiện tại, Hà Nội vẫn đang xây chợ mới theo kiểu hợp khối, đó là chợ Mơ.
Và điều quan trọng hơn, sau những sự thất bại nói trên, trong tương lai, Hà Nội vẫn dự kiến chuyển đổi tất cả chợ thành siêu thị, trung tâm thương mại.
“Chợ vẫn được xây theo tư duy của mô hình công trình khép kín: kín cổng cao tường, cửa kính bóng nhoáng, tường mái kín bưng… rốt cuộc là nhiều chợ được xây lên nhưng hoang vắng, lạnh lẽo, trong khi các điểm buôn bán quanh đó lại tấp nập hoạt động từ sáng sớm đến tận đêm khuya. Đáng lo ngại là cho đến bây giờ, những nhận thức chưa đúng về việc xây chợ vẫn còn tồn tại” - KST Nguyễn Văn Dũng nhận định.
Nhiều người đánh giá rằng, Hà Nội đã và vẫn muốn chuyển đổi chợ một cách duy ý chí và chưa lắng nghe ý kiến của những người trong cuộc. Có chăng, chỉ là những cuộc thương lượng về lợi ích đối với một số tiểu thương mà thôi.
Trong khi đó, theo tổ chức HelthBridge, để đảm bảo các chợ dân sinh thực hiện chức năng hỗ trợ tốt cho cấu trúc kinh tế xã hội trong thành phố, điều quan trọng là tiếng nói của cả người bán hàng và khách hàng cần được cơ quan chức năng lắng nghe khi xây dựng các kế hoạch cải tạo lại chợ. Họ cần được tham gia công bằng vào cac quá trình thương lượng, quy hoạch, thiết kế và xây dựng lại chợ.
Tiếng nói người trong cuộc
Trong khi các nhà quản lý đang loay hoay tìm mô hình chuyển đổi chợ, hoặc đang tìm lý do để chuyển đổi chợ thành siêu thị, trung tâm thương mại thì có một thực tế, có một mô hình được cho là chuyển đổi khá thành công ngay tại Hà Nội, đó là chợ Đồng Xuân, còn ở TP. Hồ Chí Minh là Chợ Bến Thành, Chợ An Đông.
Đây thực sự là những mô hình mà các nhà quản lý, quy hoạch của Hà Nội cần quan tâm.
Theo Ban quản lý chợ Đồng Xuân, trong khi có những chợ chuyển đổi thất bại, không thu hút được người kinh doanh và người dân mua bán như chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam thì bên cạnh đó, chợ Đồng Xuân vẫn tồn tại và phát triển bền vững.
Đó là bởi vì, khác với những trung tâm thương mại, những siêu thị hiện đại sạch sẽ bóng loáng, đầy hàng nhưng phần nhiều là cao cấp, dành cho người thu nhập cao thì ở chợ Đồng Xuân, người ta có thể tìm thấy từ những mặt hàng cao cấp cho đến những mặt hàng bình dân.
“Điều quan trọng là giá cả hàng hoá ở đây phù hợp với thu nhập của quảng đại quần chúng lao động. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân khiến cho tới nay, chợ Đồng Xuân vẫn là nơi mua bán chủ yếu của người dân, từ người ít tiền đến người nhiều tiền. Như vậy, đối tượng phục vụ của chợ rộng lớn hơn rất nhiều so với các siêu thị” - đại diện Công ty Đồng Xuân nhận định.
Không chỉ chú trọng đến hiệu quả kinh tế từ các nguồn thu từ chợ,mà quan trọng hơn là phải chú trọng đến những ảnh hưởng của chợ đối với mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội ở mỗi khu vực cụ thể, qua đó nhằm hoàn thiện và hướng các hoạt động chợ phù hợpv ới xu thế đổi mới của từng khu vực” – ý kiến của Ban quản lý chợ Đông Xuân tại hội thảo mô hình quản lý tổ chức chợ do Bộ Công thương tổ chức.
Trong khi đó, chia sẻ về kinh nghiệm quản lý chợ trong đô thị, một Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố này hiện cũng có các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, nhưng cũng có tới 243 chợ, trong đó có chợ đầu mối, chợ bán buôn, chợ bán lẻ… Ông cho biết, một năm, tiểu thương của chợ An Đông, một chợ truyền thống của Thành phố, đóng góp cho ngân sách gần 60 tỷ. Đây quả là con số đáng mơ ước đối với các trung tâm thương mại trong thời buổi kinh tế suy thoái như hiện nay.
Về mặt văn hoá, vị Phó Giám đốc Sở này cũng khẳng định, chợ Bến Thành đã, đang và mãi là một biểu trưng, biểu tượng văn hoá của TP. Hồ Chí Minh. “Tuy nhiên, chợ vẫn còn những mặt tồn tại cần nghiên cứu như môi trường, nguồn gốc hàng hoá,… nếu không khắc phục thì không thể tồn tại vững chãi.” - ông khẳng định.
Hạn chế, khắc phục và từng bước xây dựng văn minh chợ truyền thống là điều có thể làm được mà không cần phải phá bỏ chợ để xây siêu thị, đó là ý kiến mà chính người trong cuộc cho biết.
“Chúng tôi tập trung vào 3 vấn đề: Thứ nhất, xây dựng văn minh thương mại cho bà con tiểu thương. Thành phố đang từng bước làm, tổ chức lớp tập huấn cho bà con tiểu thương, có giáo trình riêng, qua lớp này, người tiểu thương nhận thức được rằng, việc mua bán đúng nguồn gốc sản phẩm có chất lượng, giá cả không nói thách thì sẽ nâng cao được uy tín.” -Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
Về cơ sở vật chất, theo kinh nghiệm của Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, cần phải được đầu tư theo quy định, không để nhếch nhác. Về mô hình quản lý, TP. Hồ Chí Minh hiện nay có một số dạng như đơn vị sự nghiệp có thu, có doanh nghiệp, hợp tác xã… (doanh nghiệp ngoài nhà nước).
Theo vị Phó Giám đốc Sở thì qua 8 năm thực hiện xã hội hoá chợ tại TP. Hồ Chí Minh đã cho thấy có nhiều điểm tích cực như ngân sách nhà nước không phải cáng đáng đầu tư nhiều, điều kiện đầu tư tư nhân vào quản lý linh hoạt hơn. Tuy nhiên, mô hình này chưa được hưởng ứng tích cực, mới có trên 20% tham gia, có nhiều nguyên nhân, trong đó có cơ chế chính sách như thời gian giao thầu ngắn, không đủ đầu tư…
“Như vậy, có thể thấy việc giữ gìn, phát huy giá trị của chợ truyền thống mà không cần phải “xoá sổ” nó là điều không phải không làm được, vấn đề chính vẫn là cơ chế, và quan trọng hơn, người ta có muốn giữ hay không mà thôi” - một kiến trúc sư chia sẻ với VnMedia và đây có lẽ cũng chính là băn khoăn của nhiều người.
(Theo VnMedia)