TP.HCM có khoảng 3.000 xe buýt hoạt động trên 150 tuyến. Xe nhiều nhưng thiếu bãi đậu khiến nhiều xe buýt cồng kềnh nằm chình ình giữa đường, gây nguy hiểm cho người đi đường.
Tại nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố, chuyện xe buýt chiếm dụng lòng lề đường để làm bến bãi diễn ra khá phổ biến.
Đậu ở đường cấm hoặc chạy lòng vòng
Theo quan sát, gần chục chiếc xe buýt thuộc các tuyến 151, 102, 14, 601 đậu rải rác dọc đường và tại một số trạm xăng trên đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân). Trên xe không có hành khách, chỉ có tài xế và phụ xe nằm chờ đến giờ vào bến xe miền Tây. Riêng đoạn đường trước cổng Bệnh viện Triều An, có tới năm chiếc xe buýt đậu san sát nhau trong khoảng 15 - 20 phút. Khi một xe rời vị trí thì ngay lập tức có một xe khác thế vào chỗ trống. Cứ như thế, tình trạng này diễn ra liên tiếp từ 11h-13h.
Theo các tài xế xe buýt, do quy định của bến xe, cùng một thời điểm chỉ cho phép hai xe vào bến để đón trả khách, trong khi bình quân mỗi tuyến xe buýt có gần 20 xe hoạt động nên chuyện xe phải xếp hàng nằm chờ ngoài bến là chuyện thường ngày.
Chủ nhiệm một hợp tác xã xe buýt giải thích thêm bình thường mỗi xe buýt chỉ vào bến đậu 3-7 phút, các xe trên một tuyến có thể luân chuyển nhau chạy trên đường nên không xảy ra chuyện thiếu bãi đậu xe tại các trạm cuối tuyến. Tuy nhiên, vào thời gian nghỉ giãn giờ (từ 11h-13h), mỗi xe có thể ngừng chạy khoảng 20 phút nên mới xảy ra chuyện thiếu bãi đậu.
Xe buýt thường đậu trên làn đường dành cho xe máy nên người đi xe máy phải chạy vào làn ôtô để lưu thông rất nguy hiểm. Theo một chủ quán nước trên đường Kinh Dương Vương, thời gian qua đã có nhiều vụ va chạm, tai nạn do xe máy chạy lấn ra làn đường ôtô để né xe buýt đậu trên đường.
Nếu như ở bến xe miền Tây, xe buýt có thể đậu rải rác dọc đường Kinh Dương Vương khi bị ùn ứ ngoài bến thì ở bến xe miền Đông, tài xế xe buýt hoặc chấp nhận rủi ro bị cảnh sát giao thông phạt khi cho xe đậu vào đường cấm hoặc chạy lòng vòng xung quanh bến xe trong thời gian nghỉ giãn giờ. Con đường nối giữa cầu Bình Triệu 1 và Bình Triệu 2 (Q.Bình Thạnh) từ lâu đã trở thành điểm tập kết của nhiều tuyến xe buýt trước khi vào bến. Đoạn đường này dài khoảng 100m nhưng hầu như trưa nào cũng có 5-7 chiếc xe buýt của các tuyến số 24, 64... xếp hàng dài dưới lòng đường. Đây là đường cấm đậu xe nên các tài xế xe buýt luôn nơm nớp lo sợ bị cảnh sát giao thông phạt.
Tài xế T.V.L. kể: “Nhiều hôm do không còn chỗ đậu hoặc bị cảnh sát giao thông đuổi, chúng tôi phải cho xe nổ máy liên tục và đậu gần các trạm chờ xe buýt trên đường Đinh Bộ Lĩnh giả vờ như đang rước trả khách. Biết đậu xe dưới lòng đường như vậy là phạm luật nhưng chúng tôi không còn cách nào khác”. Một tài xế tên T. cho biết có nhiều hôm anh phải cho xe chạy vòng quanh bến xe miền Đông theo lộ trình Đinh Bộ Lĩnh - Nguyễn Xí - quốc lộ 13 để chờ hết thời gian nghỉ giãn giờ.
Ông Nguyễn Văn Triệu, chủ nhiệm Hợp tác xã xe buýt 19-5, cho biết ngoài tuyến 24 thường xuyên phải đậu ngoài đường ở gần khu vực bến xe miền Đông trong thời gian nghỉ giãn giờ, hợp tác xã còn nhiều tuyến xe buýt khác cũng trong tình trạng tương tự như tuyến 94, 145, 66, 23, 150...
Tại đường Hàm Nghi (Q.1), một hàng xe buýt khoảng 20 chiếc “thường trực” nằm trên lòng đường cả ngày lẫn đêm (ngay làn ôtô). Một số tuyến đường khác cũng trở thành những bãi đậu xe buýt “bất đắc dĩ” vào thời gian nghỉ giãn giờ như Phạm Ngũ Lão, Lê Lợi và một góc công viên 23-9 (Q.1), Hải Thượng Lãn Ông (Q.5), Lý Thường Kiệt (Q. Tân Bình)...
Diện tích bến bãi chỉ đạt 23% nhu cầu
Ông Lê Hải Phong, giám đốc Trung tâm Điều hành vận tải hành khách công cộng TP, cho biết diện tích bến bãi, điểm trung chuyển xe buýt hiện tại chỉ đạt khoảng 23% so với nhu cầu. Cụ thể, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 80 điểm là điểm đầu và điểm cuối của các tuyến xe buýt. Trong đó, chỉ có bốn điểm là xe buýt có thể sử dụng toàn bộ diện tích để phục vụ hành khách, còn lại các điểm khác xe buýt phải hoạt động chung với các xe liên tỉnh, xe vận tải hàng hóa (như ở bến xe miền Đông, bến xe miền Tây).
Theo ông Phong, các dự án (đang và sẽ thực hiện) như nhà ga hành khách xe buýt Sài Gòn (Q.1), nhà ga hành khách xe buýt Chợ Lớn (Q.5), nhà ga hành khách xe buýt Q.8 (Q.8), bãi xe buýt Củ Chi (huyện Củ Chi) sẽ giải quyết được tình trạng thiếu bến bãi xe buýt.
Cũng theo ông Phong, với tình trạng thiếu bến bãi hiện nay, việc sử dụng lòng đường để đậu xe buýt trong giờ thấp điểm chạy xe là khó tránh khỏi. Khi bến xe miền Đông mới và bến xe miền Tây mới được xây xong, một phần mặt bằng tại hai bến xe cũ sẽ được dùng để xe buýt hoạt động. Ngoài ra, khi các bến bãi xe buýt theo quy hoạch được xác định vị trí cụ thể để xây dựng và đưa vào sử dụng thì mới giải quyết được tình trạng xe buýt đậu dưới lòng đường.
(Theo TTO)