SearchNews

Nứt, thấm hầm vượt sông Sài Gòn có đáng lo ngại?

10/08/2012 08:23

“Nếu những vết nứt ăn sâu vào hầm, gây ra những thay đổi về áp suất nước lên bề mặt ngoài của hầm thì đó sẽ là điều hết sức đáng lo ngại”

Vừa sử dụng, hầm vượt sông Sài Gòn đã thấm, nứt?

Trao đổi về vấn đề hầm Thủ Thiêm đang có dấu hiệu nứt, thấm, PGS.TS.Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng cho biết, việc rạn nứt ở những công trình ngầm vượt sông trên thế giới không phải là chuyện hiếm.

Bê tông nứt do yếu tố nhiệt độ hoặc áp suất đột ngột thay đổi hoặc thay đổi liên tục là điều đương nhiên. Vấn đề nằm ở chỗ, những vết rạn nứt đó có nằm trong giới hạn cho phép hay không.

PGS. TS. Nguyễn Văn Hùng

“Nếu những vết nứt ấy nông và chạy ngang bề mặt hầm thì nó không ảnh hưởng nhiều tới chất lượng công trình. Ngược lại, nếu những vết nứt ăn sâu vào hầm, gây ra những thay đổi về áp suất nước lên bề mặt ngoài của hầm thì đó sẽ là điều hết sức đáng lo ngại”, ông Hùng cho biết.

Cũng theo PGS.TS.Nguyễn Văn Hùng, nguyên nhân dẫn đến việc nứt rạn ở hầm Thủ Thiêm có thể đến từ rất nhiều nguyên nhân. Một là do địa chất, địa tầng ở khu vực hầm có khả năng không đồng nhất, gây ra những áp lực nước khác nhau lên từng phân khúc hầm, từ đó sinh ra nứt, gãy.

Nguyên nhân thứ hai có thể là do khi thiết kế, nhà thầu đã không tính toán hết được các yếu tố thổ nhưỡng của lòng sông Sài Gòn. Nó dẫn đến những sai sót không ngờ tới trong quá trình thi công, kiểm tra cũng như giám sát.

Lý do thứ ba có thể nằm ở quá trình khai thác sử dụng. Dù hầm chưa được sử dụng nhiều, nhưng có thể vì một vấn đề nào đó (do yếu tố con người hoặc yếu tố khách quan) mà dẫn đến việc rạn nứt.

Khả năng cuối cùng dẫn đến chuyện rạn nứt ở hầm vượt sông Sài Gòn có thể là do việc xây dựng hầm vượt sông là một công nghệ mới, lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam.

Tuy được các chuyên gia tư vấn cũng như giúp đỡ nhưng cũng khó tránh khỏi những sai sót, nhất là trong môi trường thi công lòng sông, nơi có nền đất rất mềm và yếu.

Hầm vượt sông Sài Gòn là một công trình lớn, và khả năng phát sinh sự cố ở những công trình như vậy hiển nhiên là cao hơn so với những công trình nhỏ.

Nếu những sự cố, cụ thể ở đây là những vết rạn nứt ở mức cho phép thì nhà thầu có thể xử lý bằng cách khoan lỗ, lắp các đầu bơm, bơm chất chống thấm, và vệ sinh bề mặt khu vực xử lý như đang làm hiện tại. Chất lượng công trình vì lẽ đó, không bị ảnh hưởng nhiều.

Nhưng nếu những vết rạn nứt vượt mức cho phép thì đó lại là một câu chuyện khác. Việc sửa chữa, duy tu công trình sẽ vô cùng tốn kém. Đó là còn chưa kể đến tâm lý của người dân khi tham gia giao thông và tuổi thọ hầm sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

PGS.TS.Nguyễn Văn Hùng cũng đề nghị, trước khi kiểm tra một cách kỹ lượng chất lượng công trình thì không nên có những kết luận vội vàng.

“Nếu hầm vẫn bảo đảm chịu được áp lực nước bên ngoài thì trước mắt chỉ cần khử thẩm thấu là ổn. Còn về lâu dài, cần mời các chuyên gia thẩm định, đánh giá và tìm ra bằng được nguyên nhân dẫn đến việc rạn nứt”, ông Hùng kết luận.


Bài đọc nhiều:

TPHCM: Hàng ngàn chai bia vỡ rải kín mặt đường

> Đà Nẵng: Ngầm hoá hệ thống cáp trên 6 tuyến đường

> Chung cư cao nhất Sài Gòn một thời đang chờ sập

> Rình ban đêm đổ rác thải lên đường nghìn tỷ

> TP.HCM: Khởi công tuyến metro đầu tiên

(Theo VTC)




Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu