SearchNews

Viglacera trần tình việc tăng giá dự án KĐT Xuân Phương

26/12/2011 14:10

Dự án chậm triển khai do vướng mắc về chính sách cũng như quy hoạch, giá vật liệu xây dựng tăng cao, biến động thị trường,… là những nguyên nhân khiến chủ đầu tư tăng giá.

Dự án chậm triển khai do vướng mắc về chính sách cũng như quy hoạch, giá vật liệu xây dựng tăng cao, biến động thị trường,… là những nguyên nhân khiến chủ đầu tư tăng giá.

Chiều 23/12, đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng (Viglacera) đã có cuộc đối thoại với báo giới trước những phản hồi của khách hàng tại Dự án khu chức năng KĐT Xuân Phương (Từ Liêm, Hà Nội).

Phó Tổng giám đốc Viglacera ông Đào Đình Thi khẳng định, những quyết định của chủ đầu tư dự án khu đô thị Xuân Phương đưa ra trong thời gian qua là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Tổng công ty và pháp luật của nhà nước.

Giải thích cho lý do vì sao dự án chậm tiến độ tới hơn 4 năm, ông Thi cho biết, quá trình triển khai dự án từ năm 2007 đến nay gặp nhiều khó khăn khách quan liên quan đến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như của thành phố Hà Nội.

“Dù rằng, quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị trên được Hà Nội ban hành từ tháng 6/2007, song phải đến tháng 10/2009, thành phố mới có văn bản chấp thuận cho phép triển khai đợt 1, và đến 23/8/2011, Hà Nội mới có quyết định chính thức giao đất cho chủ đầu tư để thực hiện khu đô thị Xuân Phương. Như vậy, tiến độ cũng như quá trình chuẩn bị thủ tục đầu tư dự án bị chậm, đã dẫn đến các chi phí phát sinh tăng cao so với thời điểm đầu năm 2007” – ông Thi khẳng định.

Khu đô thị Xuân Phương được sự chấp thuận của UBND TP.Hà Nội về việc di chuyển các nhà máy sản xuất gây ô nhiễm môi trường không còn phù hợp với quy hoạch ra khỏi trung tâm thành phố, Nhà máy gạch Từ Liêm trên địa bàn xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm đã được di dời và chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang nhà ở để bán theo công văn số 2348/UBND-XDĐT - ngày 2.6.2006 của UBND TP.Hà Nội.

Chủ đầu tư đã phải chi 70 tỉ đồng để di dời các nhà máy, làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng của khu đất trên, đó là chưa tính đến mỗi năm phải nộp 10 tỉ đồng các chi phí phát sinh và tiền sử dụng đất. Riêng chi phí lãi vay phải trả cho CBCNV trong hơn 4 năm qua là khoảng 75 tỉ đồng.

Ttheo quyết định của TP.Hà Nội về đơn giá sử dụng đất thời điểm 2007 đối với dự án Xuân Phương chỉ là 3 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đến ngày 2.12.2011, Hà Nội đã ban hành quyết định 5639/UBND phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất tại dự án này lên tới trên 15 triệu đồng/m2 (15.173.483 đồng/m2), tức tăng 5,1 lần so với quy định trước đó. Ngoài ra, theo ông Thi, từ năm 2007 – 2011 giá cả vật liệu trên thị trường biến động mạnh, đã tăng khoảng 1,64 lần, giá tiền lương, chi phí nhân công tăng khoảng 1,96 lần.

Do những yếu tố khách quan nói trên, chủ đầu tư đã quyết định điều chỉnh giá bán trung bình đối với đất có hạ tầng tại dự án là 34,9 triệu đồng/m2 (đã có VAT).

Cũng theo ông Thi, mức giá trên hoàn toàn không cao hơn so với các dự án xung quanh khu vực cũng như đất thổ cư trong xã Xuân Phương như giá đất liền kề dự án Vân Canh từ 42- 45 triệu đồng/m2, dự án Coma6 Tây Mỗ là 60 - 65 triệu đồng/m2...

Để chia sẻ khó khăn với khách hàng, đại diện của Viglacera tiết lộ cho biết, nếu cán bộ, nhân viên nào không có nhu cầu mua nhà tại dự án hoặc từ chối đăng ký mua nhà tại thời điểm này, công ty sẽ hoàn trả lại số tiền cộng lãi suất như hai bên đã thỏa thuận. Với những trường hợp khó khăn, chủ đầu tư sẽ xem xét giãn tiến độ thu tiền xây dựng và sẽ hoàn thiện nhà ở trước cho cán bộ, nhân viên nào có nhu cầu.

Trước đó, hàng chục khách hàng mua đã kéo đến dự án giăng băng rôn, biểu ngữ phản ánh chủ đầu tư tăng giá bán.

H.N (Theo Viglacera)


Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu