Được đánh giá cao nhất, nhưng phương án giải A cũng còn khá nhiều chi tiết chưa hợp lý. Một nhà Quốc hội mới sẽ còn phải chờ đợi lâu bởi ngoài việc chưa có thiết kế xuất sắc, hiện các chuyên gia vẫn còn tranh cãi về địa điểm xây dựng.
Nhận được sự đánh giá cao nhất của Hội đồng giám khảo cuộc thi, phương án đoạt giải A cũng là lựa chọn của khá nhiều người tới xem triển lãm, cả các KTS, kỹ sư xây dựng, những người liên quan và khá nhiều người dân. Theo KTS Khương Văn Mười, Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam, thành viên Hội đồng giám khảo, thiết kế giải A được thực hiện tốt nhất, có thể nói là vượt trội những phương án còn lại, tạo ra được môi trường và không gian thoải mái cho một công trình mang đặc trưng làm việc.
KTS Hoàng Thúc Hào, giảng viên ĐH Xây dựng, cũng cho rằng phương án giải A có điểm mạnh là tạo được những khoảng cắt tầng để thông gió, ánh sáng, cây xanh để đại biểu Quốc hội có được nơi làm việc thoải mái. Không gian rộng mở và những khoảng xanh lớn nối liền ra tới đường Hoàng Diệu cũng được làm khá tốt. Tuy nhiên, điểm yếu của phương án là công trình mang một khối tích lớn khiến sự giao lưu giữa Hoàng Thành, nhà Quốc hội và lăng Bác bị hạn chế. Mặt đứng rộng gấp 2,5 lần so với Hội trường Ba Đình hiện tại, lại được bố trí quá sát vỉa hè và đường Bắc Sơn nên nếu xây dựng, công trình sẽ choán một diện tích không gian lớn, gây cảm giác ngột ngạt, khó chịu cho người đi đường. Nhiều ý kiến còn cho rằng mặt tiền của công trình hơi giống một khu chung cư hay trung tâm biểu diễn nghệ thuật hơn là nhà Quốc hội.
Theo KTS Hoàng Đạo Cung, với quy mô Quốc hội hiện nay, một năm có hai kỳ họp Quốc hội là đã tắc đường. Nếu công trình mới hoành tráng hơn được hoàn thành, tắc đường càng dễ xảy ra. Ngoài ra, hiện mật độ xây dựng tại khu Ba Đình quá lớn. Theo tính toán và cũng căn cứ vào các phương án dự thi, nhà Quốc hội mới ở lô D sẽ có mật độ xây dựng khoảng 40% - quá cao so với những công trình xây mới hiện nay sẽ làm lấn án hết các công trình hiện có. Ngay cả ở những khu đô thị mới hay các khu nhà biệt thự thông thường hiện mật độ cũng chỉ khoảng 30%. Thậm chí, tại khu Dinh Độc lập ở TP HCM, mật độ chỉ khoảng 3-4%.
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia quy hoạch có những ý kiến khẳng định nên chuyển nhà Quốc hội đến một địa điểm mới. Quy hoạch khu vực hiện tại thành một khu di tích lịch sử, biến Hội trường Ba Đình thành nhà bảo tàng cổ vật Hoàng Thành. Hội trường Ba Đình mang nhiều ý nghĩa lịch sử và thiêng liêng, cũng nên lưu giữ lại. Hiện, vị trí xây dựng Nhà Quốc hội mới cũng còn nhiều ý kiến trái ngược. Ban Quản lý Dự án sẽ còn phải tổng hợp ý kiến các chuyên gia, làm việc với Bộ Xây dựng. Và một vị trí phù hợp cùng một thiết kế hoàn chỉnh cho nhà Quốc hội mới vẫn còn phải chờ đợi.
Linh Hương