Từ xa xưa con người đã biết cách tìm ra lửa, dùng lửa và giữ lửa như giữ gìn một trong những thành tố quan trọng hàng đầu cấu thành nên sự sống.
Theo quá trình tiến hoá của nơi cư trú, ngọn lửa trong mỗi ngôi nhà – từ nghĩa đen là lửa trong bếp đến nghĩa bóng là sự đầm ấm – đã không ngừng biến chuyển, hoàn thiện hơn và cũng gặp nhiều gian nan do thói quen, tập quán và văn hoá mỗi vùng.
Lửa từ trong bếp
Lửa thuộc hành hoả, chiếm phương nam, màu đỏ, với đặc thù chỉ ánh sáng, ấm áp và sự phát triển rực rỡ. Phục vụ trước tiên cho vấn đề “có thực mới vực được đạo” nên không gian bếp mà hạt nhân là lò nấu (táo) luôn được quan tâm trong bố cục toàn nhà. Vị trí bếp nấu được xem như phần cốt lõi cho các sinh hoạt nội bộ của ngôi nhà, luôn được chú ý che chắn kín đáo,vừa tránh gió tạt mưa hắt, vừa giảm tầm nhìn hoặc bước chân người ngoài xâm nhập (phong thuỷ gọi là lộ khẩu táo). Ngôi nhà xưa vì nhiên liệu đun nấu thô sơ, vật dụng bề bộn nên bếp bị đưa ra xa nhà chính (nơi có gian thờ tổ tiên và tiếp khách trang trọng). Đồng thời cha ông ta vẫn luôn lưu ý rằng: nhà mà không có bếp hoặc bếp không thường xuyên đỏ lửa thì chỉ được gọi là phòng, nhà mất đi một nửa nội khí nếu thiếu bếp.
Ngôi nhà hiện nay đã và đang ngày càng tôn vinh vai trò của bếp, với rất nhiều trang thiết bị hiện đại nhưng về cơ bản giải pháp để giữ lửa cho bếp vẫn là “giảm hung tăng cát” tức là tránh để các tác động của hoả như khói – mùi – nhiệt độ lan toả sang các không gian lân cận, và đưa vào bếp nhiều sự thoải mái thuận tiện hơn. Đối với nhà phố hay biệt thự, bếp thường hay được đặt phía sau, gần giếng trời hoặc sân sau nên thuận tiện hơn cho việc nấu nướng và thoát khói tốt.
Nhưng các căn hộ chung cư thì hay đặt phần bếp gần cửa ra vào, tuy có lợi thế là dành diện tích thông thoáng chiếu sáng ngoài ban công, cửa sổ cho phòng khách, phòng ngủ, nhưng đồng thời cũng bộc lộ nhược điểm là vừa bước chân vào nhà đã gặp ngay bếp, và khả năng thông thoáng, lấy sáng cho khu vực này thường bị giảm sút. Có thể khắc phục bằng cách bố trí các hộp gen nối với ống kỹ thuật để thông gió cưỡng bức cho bếp, đồng thời xử lý vách ngăn di động (nhôm kính) để khi đun nấu nhiều có thể cô lập phần bếp với không gian bên ngoài, giảm thiểu ảnh hưởng khói mùi. Dùng vách di động hay tủ đa năng còn giúp che chắn tầm nhìn khi khách vào nhà và tạo một khoảng đệm cần thiết với những căn hộ có diện tích nhỏ.
Yên ấm cho cả nhà
Xoay quanh các bữa ăn luôn là một gian bếp hồng lửa, dẫn dắt đến phòng ăn ấm áp và góc sinh hoạt gia đình vui tươi. Giữ được lửa ấm trong nhà tất nhiên là giữ gìn bầu không khí hoà thuận, sum vầy đó. Một số gia chủ than phiền về tình trạng gia đạo không yên ấm mà thực ra đa phần đều xuất phát từ các không gian giao tiếp thiếu được đầu tư đúng mức về mặt bài trí nội thất hài hoà phong thuỷ. Có những cấu trúc nhà dễ khiến các thành viên rơi vào tình trạng ứng xử “gần mặt mà vẫn cách lòng”. Đơn cử một số trường hợp sau:
Nhà ngăn chia phòng quá nhiều theo kiểu “nhà trọ” khiến trường khí chung bị chia cắt, bức bối tù túng, khi mở cửa đột ngột hay gây ra gió lùa. Mọi người về đến nhà là “trốn” vào phòng riêng, cuộc sống công nghiệp vốn bận rộn càng thêm tách biệt các thành viên với nhau bởi kiểu ngăn phòng này.
Nhà thông thống từ trước ra sau gây ra tán khí, mọi người cảm thấy thiếu sự riêng tư, luôn bị ồn ào và ảnh hưởng lẫn nhau. Dạng nhà phố có buôn bán, sản xuất liền với khu ở mà không được ngăn cách khéo léo cũng gây ra ngột ngạt, nhà bị tình trạng “lúc nào cũng như cái chợ”.
Nhà bố trí quá nhiều thiết bị điện tử, nghe nhìn, máy móc làm việc… khiến ngôi nhà không còn là nơi trú ẩn hay nghỉ ngơi mà trở thành văn phòng làm việc hay chốn chơi game, từ tính trong nhà rất cao.
Nhà bố trí không gian chung rất phô trương xa xỉ mà chỉ hữu dụng khi có khách, dịp lễ tết và tập trung ở phía trước, còn thường ngày thì mọi người vẫn sinh hoạt co cụm và bề bộn ở phía sau. Hoặc thế hệ lớn tuổi thì chuộng đồ cổ, gỗ quý chạm lộng cẩn xà cừ, trong khi thế hệ trẻ hơn thì ưa vật dụng hiện đại, điều này cũng gây ra các xung đột ngấm ngầm trong sinh hoạt, lâu ngày thành ra không thể “ngồi lại bên nhau” được có khi chỉ vì một bộ ghế salon (!?)
Tất cả các dạng nêu trên đều có thể khắc phục được nếu chủ động tính toán từ đầu, đặt ra các tình huống sinh hoạt cụ thể và thiết thực. Ví dụ, nhà có nhu cầu buôn bán thì phân bố ngay từ đầu, nên đưa bếp ăn và phòng khách lên lầu để dành trệt cho buôn bán và xe cộ. Nếu chỉ có vợ chồng già ở nhà vườn thì nên làm nhà trệt và diện tích vừa phải, có sân rộng hoặc nhà phụ cho con cháu khi về vui chơi, còn thường ngày “bà chăm ông” không đến nỗi quá vất vả vì ngôi nhà rộng lớn. Chọn đồ dùng nội thất cũng cần tham khảo và dung hoà ý kiến các thành viên trong nhà, hoặc mỗi người nhường nhịn một chút. Xu hướng chung tại các nước đã phát triển hiện nay như Nhật, Pháp… là giảm thiểu mang công việc về nhà, khuyến khích các ngày nghỉ ngoài thiên nhiên, thậm chí có những ngày nghỉ “ba không” là không tivi – không điện thoại – không máy tính để mọi người nghỉ ngơi và quan tâm chăm sóc nhau nhiều hơn.
Như vậy, ngôi nhà của chúng ta hài hoà với thiên nhiên và con người hay không chính là ở cách chúng ta ứng xử với nhau, như câu “tiên tích đức – hậu tầm long” mà phong thuỷ truyền thống đã khuyên.
(Theo SGTT)