Dân gian quan niệm, để chuẩn bị cho một năm mới sung túc, thịnh vượng, các gia đình thường rút tỉa chân nhang, dọn dẹp bàn thờ gia tiên, ban thờ Thổ Công. Việc này được nhiều người thực hiện vào ngày 23 tháng Chạp, sau lễ cúng tiễn ông Công ông Táo chầu trời.
Theo các chuyên gia phong thủy, gia chủ cần làm việc này một cách thật cẩn thận để tránh bị tán tài tán lộc, tác động tiêu cực tới gia đình.
|
Việc bao sai ban thờ vào ngày ông Công ông Táo cần được làm thật cẩn thận và tỉ mỉ. |
Bà Nguyễn Song Hà - chuyên gia phong thủy cho hay, bát hương trên ban thờ là vị trí phải an vị và tĩnh tại, hạn chế tối đa việc xê dịch. Nếu muốn di chuyển, chủ nhà phải làm lễ xin xê dịch, sau đó xin an vị.
Vậy nên, khi bao sái (dọn dẹp, làm sạch), rút tỉa chân nhang, gia chủ một tay phải giữ chặt bát hương, tay kia nhẹ nhàng rút từng chân nhang ra khỏi bát hương. Lưu ý, trường hợp trạch chủ (người đứng tên nhập trạch) là nam nhân thì để 7, 17, 27 hoặc 37 chân nhang lại trên bát hương. Trong khi đó, nếu trạch chủ là nữ thì để lại 9, 19, 29 hoặc 39 chân nhang.
Tiếp đến, bạn nên sử dụng hỗn hợp nước có 5 mùi hương (có thể mua sẵn) hoặc dùng hương liệu tự nhiên từ những loại lá như bồ kết, hương nhu, lá bưởi... để lau dọn ban thờ.
|
Chuyên gia phong thủy, bà Nguyễn Song Hà |
Theo nhà nghiên cứu phong thủy Bùi Quang Minh, gia chủ nên mang chân hương đã rút đi hóa thành tro, sau đó vùi tro vào gốc cây. Tốt nhất, bạn nên vùi tro vào gốc cây chuối bởi loài cây này mang ý nghĩa lá rụng về cội.
"Lá cây chuối già nhưng suốt đời không rụng lá, không chịu rời bỏ thân cây mà rụng về “cội”. Và con người hướng về tổ tông, gia tiên tiền tổ như cây có cội, như sông có nguồn", ông Minh cho biết.
Chuyên gia này cũng lưu ý, gia chủ tuyệt đối tránh vứt chân nhang vào thùng rác hay những nơi ô uế. Đồng thời, bạn cũng không nên mang tro thả sông vì sẽ làm ô nhiễm môi trường.