Từ năm 2005 đến 2010 được xem là thời kỳ thịnh vượng đối với việc thu hút các dự án bất động sản (BĐS) du lịch nghỉ dưỡng trong cả nước.
Khu du lịch Hyatt Regency Danang Resort & Spa mới đi vào hoạt động ngày 15-10-2011 với 27 biệt thự, 183 căn hộ chung cư, 3 khách sạn cao tầng 200 phòng. Mặc dù thị trường đã có thời điểm chững lại trước nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới năm 2008, song gói kích cầu trị giá 160 ngàn tỷ đồng của Chính phủ trong năm 2009 đã nhanh chóng kích thích sự gia tăng của tổng cầu và qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế.
Nhưng không bao lâu, nền kinh tế nước ta đã bị tác động bởi khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu. Chu kỳ suy thoái kinh tế khá bất ngờ đã làm cho nhiều nhà đầu tư các dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng trong nước và đầu tư nước ngoài không kịp trở tay.
Đối với thành phố Đà Nẵng, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 6-2010, có gần 50 dự án đầu tư vào lĩnh vực BĐS du lịch và nghỉ dưỡng được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 72 nghìn tỷ đồng và 27 triệu USD. Sau một năm, đoàn kiểm tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến thanh tra, kiểm tra công tác quản lý Nhà nước và việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư BĐS du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2001 - 2010, đánh giá tình hình triển khai của các dự án đầu tư trong lĩnh vực này đã có những chuyển biển đáng kể.
Bà Đồng Thị Bích Chính, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Đến thời điểm này, đáng mừng là tất cả các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài về BĐS du lịch nghỉ dưỡng trên địa bàn thành phố đều đã triển khai. Vấn đề cần quan tâm chỉ rơi vào một vài dự án đầu tư trong nước”. Thực tế là các dự án đầu tư nước ngoài vừa có tiềm lực về tài chính vừa có hệ thống bán hàng liên kết quốc tế nên tính khả thi của dự án ít có khả năng rơi vào vùng “nguy hiểm”. Trong khi đó, nhiều dự án trong nước nằm trong thế yếu ở cả 2 lĩnh vực tài chính và thị trường.
Trong tình hình hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia Viện Quản lý kinh tế Trung ương, các dự án đầu tư vào thị trường BĐS nghỉ dưỡng đang chịu tác động mạnh bởi hạn chế tín dụng phi sản xuất. Vì thế, những dự án dựa quá nhiều vào tín dụng đều bị dở dang do không được tiếp sức vốn vay. Mặt khác, thị trường du lịch nghỉ dưỡng của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng chủ yếu dựa vào lượng khách lớn đến từ châu Âu. Nhưng hiện tại, kinh tế các nước châu Âu đang rơi vào khủng hoảng nợ công nghiêm trọng và khả năng phục hồi của các nền kinh tế này vẫn chưa được dự báo.
Mặc dù lượng khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng trong năm 2011 vẫn tăng đều trung bình 35%/tháng, song những thông tin bất ổn về thị trường du lịch tiềm năng trong thời gian tới cũng sẽ tác động làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư. Hơn nữa, trong thời điểm suy thoái kinh tế, nhà đầu tư thường có xu hướng không đầu tư theo diện rộng mà đầu tư tập trung và có trọng điểm. Tất cả những điều này tác động dẫn đến khả năng chậm triển khai của các dự án đầu tư vào thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng.
Điểm qua tất cả các dự án đầu tư tại khu vực bán đảo Sơn Trà gồm Khu du lịch Bãi Bụt, Mercure Sơn Trà Resort, Khu du lịch Tiên Sa... đều đang ở trong giai đoạn đầu tư hạ tầng. Các nhà đầu tư đều khẳng định không bỏ cuộc nhưng từng bước đi của dự án sẽ được cân nhắc, giãn tiến độ và chỉ cung cấp theo nhu cầu thị trường. Ông Trần Văn Hào, Phó trưởng Ban Quản lý dự án Khu du lịch Bãi Bụt cho biết, dự án đã khởi động trở lại từ cuối năm 2010, tuy nhiên do địa hình địa tầng trải dài 2km và núi đá cuội của khu vực bán đảo Sơn Trà rất phức tạp cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án. Nhà đầu tư cũng đang xem xét khả năng khai thác của dự án trong điều kiện cung và cầu thị trường BĐS nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng đã bão hòa và có nguy cơ đi xuống.
Tiến độ các dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng có chậm lại, chưa đáp ứng kỳ vọng thay đổi nhanh chóng diện mạo đô thị Đà Nẵng, nhưng chúng ta tin tưởng các dự án sẽ tiếp tục triển khai với những bước đi vững chắc hơn.
(Theo báo Đà Nẵng)