SearchNews

Cảnh giác chiêu lừa: Bán nhà nhưng... không bán đất

05/12/2011 08:04

Đã nhận đủ tiền chuyển nhượng nhà đất, nhưng khi người mua yêu cầu sang tên thì bên thông gia lại nói rằng, chỉ bán nhà, không... bán đất.

Đã nhận đủ tiền chuyển nhượng nhà đất, nhưng khi người mua yêu cầu sang tên thì bên thông gia lại nói rằng, chỉ bán nhà, không... bán đất.

Ông Trần Văn Thể, trú tại xã Thụy An, huyện Ba Vì, Hà Nội, tỏ ra bức xúc vì cho rằng, gia đình thông gia đã "bội tín". Trong đơn gửi báo PL&XH ông trình bày, năm 1999, chị Phạm Thị Lệ (con gái ông thông gia Phạm Văn Sáng) chuyển nhượng cho ông nhà trên 399m2 đất thuộc thửa 135, tờ bản đồ số 10 thôn Yên Khoái, xã Thụy An, với giá 27 triệu đồng. Hai bên đã lập biên bản (hợp đồng) chuyển nhượng nhà đất. Theo đó, bên chuyển nhượng là chị Lệ (các anh, chị, em cùng ký xác nhận), bên nhận chuyển nhượng là ông Thể và vợ (bà Nguyễn Thị Yên). Biên bản này còn có chữ ký của 3 nhân chứng. Mua được nhà đất trên, ông Thể cho vợ chồng anh Trần Văn Dân, chị Phạm Thị Đông. Anh Dân, chị Đông đã xây thêm tường bao, lát sân, làm chuồng gà. Không thấy phía thông gia sang tên nhà đất, ông Thể giục nhưng gia đình ông Sáng cãi rằng, họ chỉ bán nhà mà không bán đất.

Trớ trêu thay, chị Đông là người có quyền và nghĩa vụ liên quan là người được bị đơn (ông Sáng, bà Bao, chị Lệ) ủy quyền tham gia tố tụng tại tòa. Như lời ông Thể, năm 2007, chị Đông sống ly thân với anh Dân và bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Đây có thể là lý do mà chị Đông thay đổi lời khai về vụ việc này. Được bố chồng cho ở nhà đất trên nhưng chị Đông lại cho rằng, chị Lệ bán nhà, không bán đất. Đất này vốn của vợ chồng ông Sáng. Chị Lệ được vợ chồng ông Sáng cắt cho 399m2 đất trong tổng số 4.737m2 đất ở thôn Yên Khoái. Chị Lệ đã xây bốn gian nhà cấp bốn và các công trình phụ. Năm 1999, cần tiền nên chị Lệ có nói chuyện với chị Đông việc muốn bán nhà. Hai người đã xin ý kiến và ông Sáng, bà Bao đồng ý. Do đó, ông Thể đứng tên mua nhà đất cho vợ chồng anh Dân, chị Đông. Bị đơn đề nghị hủy biên bản chuyển nhượng nhà đất trên. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Yên yêu cầu chị Lệ, ông Sáng, bà Bao nếu lấy lại đất thì phải thanh toán cho vợ chồng bà giá trị mảnh đất.

TAND huyện Ba Vì ngày 24-10-2008 đã chấp nhận biên bản chuyển nhượng nhà đất giữa chị Lệ với ông Thể. Tòa tuyên chị Lệ, ông Sáng, bà Bao phải thực hiện biên bản chuyển nhượng nhà đất đã ký. Sau đó, TAND TP Hà Nội ngày 15-1-2009 tuyên hủy phán quyết trên và giao TAND huyện Ba Vì xét xử lại xử sơ thẩm lại, HĐXX - TAND huyện Ba Vì tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng nhà đất lập ngày 14-11-1999 vô hiệu. Bản án của TAND huyện Ba Vì nêu rõ, chị Lệ và ông Sáng phải thanh toán cho ông Thể tài sản trên đất và giá trị mảnh đất hơn 100 triệu đồng.

Chị Đông và chị Phạm Thị Đang (con gái ông Sáng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) kháng cáo. Một lần nữa, TAND TP Hà Nội lại hủy án sơ thẩm. Tòa cấp phúc thẩm nhận định, TAND huyện Ba Vì xác định bà Bao là bị đơn - phù hợp với khoản 3 Điều 56 BLDS. Bà Bao đã ủy quyền cho chị Đông tham gia tố tụng. Nhưng bà Bao chết năm 2010, không để lại di chúc. Do vậy, theo khoản 4 Điều 589 BLDS thì hợp đồng ủy quyền đã hết hiệu lực. Theo quy định của BLDS, tài sản và quyền, nghĩa vụ về tài sản của bà Bao được thừa kế. Như vậy, toàn bộ những người thừa kế của bà Bao phải kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà. Thực tế, TAND huyện Ba Vì đã không đưa chị Phạm Thị Phương (con gái bà Bao) và những người thừa kế thế vị của anh Phạm Văn Vượng (con trai bà Bao, đã chết) tham gia tố tụng là sai. TAND TP Hà Nội yêu cầu TAND huyện Ba Vì giải quyết lại vụ án.

Tuy án sơ thẩm đã bị hủy lần thứ hai, nhưng vụ án này có thể thấy, việc bị đơn nói, chỉ chuyển nhượng nhà mà không chuyển nhượng đất là không có căn cứ. "Giao kèo" giữa chị Lệ và ông Thể ghi rõ: "Biên bản chuyển nhượng nhà đất". Trong đó có nội dung: "Bố mẹ cho tôi mảnh đất ở ngã ba đường làng, tổng diện tích là 399m2. Tôi đã xây dựng trên thửa đất đó 3 gian nhà ở cấp 4 và các công trình phụ kèm theo. Nay tôi không có nhu cầu sử dụng nữa. Tôi nhượng lại cho ông Trần Văn Thể. Sau khi ông Thể trả số tiền 27 triệu đồng, tôi bàn giao cho ông Thể 399m2 đất…". Nhưng hợp đồng này vô hiệu vì không có chứng thực của chính quyền địa phương hay công chứng của cơ quan Nhà nước. Chiếu theo Điều 137 BLDS, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận và tất nhiên, giá trị đất phải được xác định theo thị giá hiện nay.

(Theo PL&XH)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu