Trong thời điểm khó khăn, việc sàn đóng cửa, ngừng hoạt động, cắt giảm hết mức là điều cần phải làm ngay của mỗi sàn BĐS
Giữa những ngày đầu năm, thay vì không khí náo nhiệt, vui như mọi khi, các DN kinh doanh địa ốc vẫn chìm trong cơn “ngủ đông”. Sàn giao dịch vắng hoe, nhân viên kinh doanh lẫn giám đốc đều không buồn đến gặp gỡ đầu xuân để tiết kiệm. Thậm chí có DN còn cắt giảm cả chương trình PR cho dự án mình mới mở bán được 2 - 3 tháng.
Khác với mọi năm, quý IV là quãng thời gian “vàng son” cho các hoạt động giao dịch BĐS. Chẳng nói đâu xa, nhiều DN BĐS giờ lại than thở “bao giờ cho đến ngày xưa” khi hồi tưởng về vài năm trước (2009 - 2010) khi thị trường còn trăm kẻ bán, vạn người mua cũng như mọi điều kiện về vốn cũng như tài khóa BĐS thênh thang rộng đường. Năm 2011, hòa chung trong nền kinh tế khó khăn, các nguồn vốn đổ vào thị trường địa ốc eo hẹp dần, cộng thêm tâm lý bất an của kẻ bán - người mua, BĐS đã gần như đứng yên với lượng giao dịch chậm nhất từ trước tới nay tại thời điểm quý IV. Những “tụ điểm” về sàn giao dịch như Trung Hòa - Nhân Chính, Lê Văn Lương kéo dài, Khuất Duy Tiến… dường như chỉ còn lác đác vài sàn mở cửa hoạt động. Chia sẻ về tình trạng “vắng như chùa bà Đanh” tại sàn mình, Hoàng - nhân viên môi giới lành nghề tại một sàn rất nổi tiếng trên đường Hoàng ĐạoThúy (Trung Hòa - Nhân Chính) cho biết: Chúng tôi cố gắng mở cửa hoạt động trong những ngày này vì đã hẹn vài khách từ trong năm đi xem sản phẩm. Còn lại, hầu như chỉ có kế toán làm việc để thu hồi công nợ của khách từ quý I trong năm tới giờ.
Những sàn nêu trên chiếm tỷ lệ rất thấp so với lượng sàn đóng cửa cho nhân viên nghỉ không lương hiện nay tại thị trường Hà Nội. Còn lại, đa phần các sàn tầm trung, hoặc tầm nhỏ đã có lịch nghỉ tết cho nhân viên từ đầu tháng 11. Ghi nhận tại một sàn trên đường Lê Đức Thọ (Mỹ Đình - Hà Nội), đại diện sàn này cho biết, năm nay lượng lịch Tết chỉ in bằng 1/3 năm vừa rồi. Lịch in ra chỉ đủ cho nhân viên chính thức, lãnh đạo và biếu đối tác tiềm năng và khách hàng tầm cỡ (!). Thê thảm hơn, có sàn giao dịch BĐS tại khu vực Làng quốc tế Thăng Long (có dự án tại khu Lê Đức Thọ, Mỹ Đình) còn không “nỡ” tặng lịch Tết cho nhân viên để tiết kiệm tối đa chi phí.
Phần lớn lãnh đạo cũng như nhân viên tại các sàn giao dịch BĐS đều "thở hắt ra" khi được hỏi về thực tế hoạt động giao dịch tại các sàn của mình. Nền kinh tế khó khăn tác động chung tới đủ thành phần kinh tế, trong đó có BĐS. Người dân lương thưởng kém sẽ không có nhiều tiền để mua nhà đất. Trong khi đó, vàng đang trong đà giảm giá khiến nhiều người chuyển hướng cất trữ tài chính từ BĐS sang kim loại quý này. Thêm nữa, cuối năm đầu xuân, xu hướng tiêu dùng vẫn nghiêng chủ yếu về mua sắm Tết hơn là mua bán BĐS. Theo ông Lê Quốc Hưng - Giám đốc điều hành sàn BĐS Vinacity, thông thường cuối năm là dịp có nhiều giao dịch, tập trung vào những người có nhu cầu mua nhà ở. Tuy nhiên, cuối năm nay thì giao dịch hạn chế do giá BĐS vẫn quá cao, vượt khả năng mua của những người có nhu cầu thực tế. Nhiều người dân còn đang nghe ngóng chờ đợi vào động thái giảm tiếp của thị trường BĐS.
Cắt giảm chi phí tối đa là chuyện đương nhiên với mỗi DN khi gặp khó khăn, đặc biệt khó khăn về vốn cũng như thị trường. Theo tìm hiểu, có đơn vị DN địa ốc còn “nghiến răng” cắt giảm cả chương trình PR quảng cáo cho dự án vừa mở bán được 2 tháng. Đáng chú ý, DN này vừa tham gia thị trường BĐS với dự án đầu tiên của mình tung ra thị trường. Đây là dự án tổ hợp văn phòng căn hộ chung cư cao cấp 25 tầng nằm tại đường Mễ Trì (ngay gần trụ sở Viện huyết học Trung ương, đằng sau công viên Yên Hòa). Các căn hộ cao cấp được chủ đầu tư rao bán tới giá khoảng 40 triệu đ/m2 từ đầu tháng 10/2011 nhưng tính tới cuối tháng 12/2011 tỷ lệ lấp đầy mới chỉ đạt chưa tới 30%. Đơn vị này đã ráo riết lên kế hoạch PR mạnh tay từ nửa cuối tháng 11 và dự tính sử dụng chiến lược PR tập trung dồn dập trong khoảng thời gian trước Tết để thúc đẩy lượng cầu. Tuy nhiên, đến đầu tháng 12, thay vì quyết tâm và tự tin (nhờ yếu tố vốn được chủ động) DN này đã lùi kế hoạch truyền thông cho dự án của mình và chờ sang năm 2012… xem sao. Đây cũng là cách làm “cực chẳng đã” và hoàn toàn mang tính cầu may của DN trong bối cảnh chung của thị trường BĐS. Nói là cầu may, bởi trong trường hợp sang năm thị trường vẫn “chưa chịu” hồi phục ngay, chắc chắn DN sẽ phải giảm giá sản phẩm, nhất là dòng sản phẩm cao cấp, nếu muốn có vốn quay vòng đầu tư lâu dài.
Chia sẻ về triển vọng thị trường, đại diện nhiều DN BĐS đều tỏ ra thất vọng, vì không biết liệu thị trường sẽ trượt dốc đến bao giờ, khi mà tín hiệu khả quan vẫn chỉ được dự báo là sang đầu quý IV/2012. Và rõ ràng trong thời điểm khó khăn, việc sàn đóng cửa, ngừng hoạt động, cắt giảm hết mức là điều cần phải làm ngay của mỗi sàn BĐS...
(Theo Báo Xây dựng)