Liên tục các tranh chấp liên quan đến chất lượng căn hộ như chủ đầu tư “xén” bớt mảng xanh, tiện ích… đã khiến khách hàng chịu nhiều thiệt thòi.
TS Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và Kinh tế ứng dụng, cho rằng khi mua căn hộ khách hàng phải xem kỹ hợp đồng, năng lực chủ đầu tư, tiến độ dự án, các tiện ích…
“Mua căn hộ cũng như mua hàng hóa tiêu dùng, tức là phải chọn chủ đầu tư có năng lực, uy tín. Dự án phải được thiết kế, giám sát bởi những đơn vị có uy tín. Bởi như thế, chủ đầu tư phải nghiêm túc thực hiện dự án theo chất lượng đã công bố. Một dự án tốt thể hiện ở tính thanh khoản khi để ở, bán hay cho thuê đều tốt”, ông Hiển phân tích.
- Nhiều dự án khi bán ra vẫn còn trên giấy, làm sao để khách hàng có thể kiểm tra tính pháp lý của dự án, chủ đầu tư?
Hiện đang tồn tại song song hai hình thức là mua và góp vốn đầu tư. Góp vốn đầu tư rất rủi ro, bởi nếu chủ đầu tư thực hiện dự án không đúng tiến độ cũng khó khởi kiện được. Do đó khách hàng nên ký hợp đồng mua bất động sản (BĐS) và kiểm tra các thông tin như: giấy phép xây dựng, đất đã chuyển mục đích sử dụng sang đất thổ cư, đã hoàn thành các nghĩa vụ, các khoản thuế với nhà nước và đặc biệt là phải hoàn thành xong phần móng... Những thông tin này rất dễ để kiểm tra.
- Nhưng mua dạng góp vốn vẫn hấp dẫn vì lợi nhuận sẽ cao hơn?
Lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn. Với khách hàng tìm kiếm sự an toàn, nên chọn chủ đầu tư có thành tích, đang làm những dự án có quản trị tốt, có trách nhiệm với khách hàng.
- Người "không chuyên" phải kiểm tra các yếu tố gì để không dính các dự án xấu?
Phải yêu cầu chủ đầu tư cam về chất lượng sản phẩm bằng cách đưa vào hợp đồng danh mục các loại vật tư, trang thiết bị dùng cho căn hộ… Phải xem xét mật độ xây dựng. Mật độ xây dựng thấp đồng nghĩa với các tiện ích hạ tầng, cây xanh, hồ bơi, trung tâm thương mại, nhà trẻ, khu vui… chơi được đầu tư bài bản. Làm sao phải đảm bảo mỗi căn hộ phải có một chỗ đậu ô tô vì không chỉ mua căn nhà mà mua cả không gian sống. Yêu cầu chủ đầu tư đưa vào trong hợp đồng phí bảo trì, phí quản lý căn hộ theo quy định của nhà nước để tránh tranh chấp về sau.
- Theo ông, việc nhiều chủ đầu tư giảm giá bán căn hộ có khiến chất lượng giảm theo?
Nhiều dự án giảm giá bán, nhưng chất lượng không giảm do trước đó họ đưa ra giá cao, nay thị trường khó khăn, họ giảm giá để bán được hàng. Nhưng có nhiều dự án giá đã thấp mà nay còn giảm nữa thì xác suất chủ đầu tư xén phần thi công là rất lớn. Người dân không nên thấy giảm giá mà lao vào, cần bình tĩnh xem xét để đưa ra quyết định đúng. Nhiều dự án chúng ta thấy người dân mới vào ở thì hư hỏng tùm lum. Những dự án này có giá thấp và chủ đầu tư ăn vào vật liệu xây dựng.
- Theo ông, bài toán mua căn hộ để cho thuê có khả thi trong lúc này?
Chúng ta có thể chọn gửi tiết kiệm để hưởng lãi cao nhưng rủi ro tiền đồng mất giá. Gửi USD với lãi suất 2%/năm thì chỉ đảm bảo mục đích bảo toàn vốn, còn mua BĐS để không bị mất giá đồng tiền và chờ tăng giá. Như vậy BĐS sẽ được so sánh với USD trong quan hệ đều là những tài sản an toàn. Xét một căn hộ có giá từ 1,7 tỉ đồng, khoảng 80.000 USD. Nếu gửi 80.000 USD, với lãi suất một năm 2%, thì được 1.600 USD/năm. Còn căn hộ 80.000 USD, cho thuê khoảng 350 USD/tháng, mỗi năm thu về 4.000 USD. Như vậy, dòng tiền thu về từ cho thuê căn hộ tăng hơn gấp đôi so với gửi USD, chưa nói chuyện căn hộ tăng giá trong tương lai. Rõ ràng mua căn hộ cho thuê để bảo toàn vốn là khả thi.
(Theo Thanh Niên)