Doanh nghiệp bất động sản Hải Phòng rất cần sự hỗ trợ về mặt chính sách của Nhà nước cũng như các giải pháp đồng bộ của chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy thị trường này phát triển.
> Bất động sản Hải Phòng: Điều chỉnh phẩm nhà ở và hướng đầu tư
Doanh nghiệp bất động sản Hải Phòng rất cần sự hỗ trợ về mặt chính sách của Nhà nước cũng như các giải pháp đồng bộ của chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy thị trường này phát triển.
Doanh nghiệp bất động sản gặp khó
Thực trạng chung của thị trường bất động sản hiện nay là nguồn cung sản phẩm cao cấp quá lớn, nhưng đối tượng không nhiều, trong khi rất nhiều người có nhu cầu nhà ở thực sự lại không thể mua nhà, thậm chí không thể tiếp cận vốn vay để mua nhà.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng cho biết: “Trong khi Thành phố có không ít dự án phát triển nhà ở và đô thị, nhưng các sản phẩm bất động sản phù hợp với nhu cầu của số đông vẫn chưa đủ nguồn cung cần thiết cho thị trường. Hải Phòng có sản phẩm nhà ở chung cư dành cho người thu nhập thấp sớm nhất cả nước, nhưng đến nay, mới có 2 dự án với gần 650 căn hộ được đưa vào sử dụng. Điều đó phản ánh những hạn chế về sự phát triển thị trường bất động sản Hải Phòng và những bất cập trong việc thực thi chính sách phát triển nhà ở dành cho người thu nhập thấp hiện nay”.
Theo ông Thanh, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 67/2009/QĐ-TTg về cơ chế chính sách phát triển nhà ở dành cho những người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, song các quy định này cần được làm rõ về quỹ đất phát triển nhà ở, giá bán nhà, định mức lợi nhuận, cấp nước sinh hoạt cho khu chung cư và thuế đối với nhà thu nhập thấp.
Đất đai là một vấn đề nhạy cảm đối với doanh nghiệp, bởi nó liên quan đến việc giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, giá đền bù đất. Trong năm 2011, Công ty cổ phần Đầu tư Sao Đỏ đã tổ chức 6 đợt điều tra về giá đất và nhận thấy rằng, nếu so sánh giá đất trên thế giới, thì giá đất của Việt Nam thuộc loại rất cao; đặc biệt, nếu so sánh với GDP và lương bình quân thì giá đất không hợp lý.
Trong khi đó, Hải Phòng còn rất chậm trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư; tình trạng khiếu kiện khiến các doanh nghiệp khó đẩy nhanh được tiến độ dự án; cơ chế đầu tư khai thác các công trình tiện ích phục vụ công cộng còn chưa phù hợp.
Ông Đặng Ngọc Chuyển, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp Thương mại cho biết: “Nếu nói về vấn đề thời gian, dù hồ sơ đủ 100%, nhanh nhất cũng phải mất 3 – 6 tháng mới giải quyết xong. Điều không hợp lý nữa là, với dự án kinh doanh nhà giao cho doanh nghiệp, thì trình tự, thủ tục các khâu và điều lệ quản lý xây dựng đã được Chủ tịch UBND Thành phố phê duyệt, ký quyết định, nhưng khi doanh nghiệp đầu tư xong cơ sở hạ tầng lại vẫn phải xuống phường để ký xác nhận địa chính trước khi trình quận. Những công đoạn này tốn rất nhiều thời gian. Nên chăng, Thành phố xem xét giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện khi dự án đã nộp đủ tiền sử dụng đất, để từ đó doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc xin cấp sổ đỏ cho các hộ dân”.
Cần giải pháp đồng bộ cho các dự án bất động sản
Tại buổi tọa đàm gần đây với chủ đề “Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án đầu tư bất động sản Hải Phòng”, ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định: “Lĩnh vực bất động sản góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của Thành phố, nhưng vẫn chưa phát triển xứng tầm; nhu cầu nhà ở của người dân luôn là vấn đề cấp thiết. Vì vậy, tôi yêu cầu ngay sau tọa đàm, Văn phòng UBND Thành phố tổng hợp ý kiến cụ thể của các doanh nghiệp bất động sản, phân loại, giải quyết dứt điểm vướng mắc của doanh nghiệp. Chỗ nào cán bộ biểu hiện không có trách nhiệm với công việc, gây phiền hà, yêu cầu các doanh nghiệp theo dõi, giám sát, góp ý cụ thể với Thành phố để xử lý nghiêm”.
Để thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có giải pháp đồng bộ. Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, để rút ngắn chênh lệch giữa giá trị bất động sản với thu nhập bình quân của xã hội, có hai giải pháp cơ bản, đó là nâng mức thu nhập bình quân của người dân và giảm giá thành bất động sản. “Bản thân các nhà đầu tư không thể tự giải quyết được, mà cần có sự hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước, như miễn giảm tiền sử dụng đất, thuế, vay vốn ngân hàng. Đối với dự án nhà thu nhập thấp, Hải Phòng cần chỉ đạo tạo quỹ đất sạch cho các dự án, giải quyết nhanh mức giá nhà đầu tư đề xuất từ khi bắt đầu triển khai đầu tư…”, ông Thành nói.
Ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sao Đỏ nhận định rằng, cùng với những chính sách đồng bộ của Nhà nước, thì Hải Phòng cũng cần xây dựng kế hoạch sử dụng đất, chú ý đến giá đất trên thị trường để có lượng cung hợp lý, bởi khi ổn định được giá đất, người có thu nhập trung bình sẽ có cơ hội tiếp cận nhà ở và đất ở tốt hơn, Hải Phòng sẽ thu hút nhiều dự án đầu tư hơn.
“Lãnh đạo Thành phố cần ban hành quyết định về quy trình giải quyết và nếu các ngành, đơn vị không báo cáo đúng hạn, thì phải có chuyên viên theo dõi. Một dự án được thiết lập phải có ý kiến của ngành, chuyên viên thụ lý dự án cần nghiên cứu kỹ dự án, đề xuất cấp trên chỉ đạo doanh nghiệp chỉnh sửa 1 - 2 lần, tránh đi lại nhiều lần như hiện nay”, ông Nguyễn Văn Kính, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây lắp Thương mại Hải Phòng chia sẻ.
Hy vọng, những thay đổi trong chỉ đạo của Thành phố sẽ tạo động lực cần thiết làm thị trường bất động sản Hải Phòng sôi động trở lại.
(Theo Báo Đầu Tư)