Hơn một tháng kể từ khi các ngân hàng tung các gói cho vay lãi suất thấp, còn 17-19%/năm, thị trường bất động sản xem ra vẫn chưa có nhiều thay đổi. Nhiều chuyên gia nhận định, để thị trường ấm lên phải chờ một thời gian dài.
Hơn một tháng kể từ khi các ngân hàng tung các gói cho vay lãi suất thấp, còn 17-19%/năm, thị trường bất động sản xem ra vẫn chưa có nhiều thay đổi. Nhiều chuyên gia nhận định, để thị trường ấm lên phải chờ một thời gian dài.
Ông Trần Kim Chung, Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương
Lãi suất cho vay giảm là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, một số nguồn vốn đang có dấu hiệu quay trở lại thị trường bất động sản cũng là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên, những tín hiệu này chưa đủ mạnh để tạo thành dòng tiền làm cho thị trường bất động sản có những biến động.
Khoảng thời gian từ tháng 8 đến tết âm lịch, thị trường bất động sản được thanh toán, giao dịch nhiều nhất. Chính vì thế, một đợt giao dịch đích thực được mong đợi tại thời điểm này. Nhưng thực tế, đã hết tháng 8 âm lịch, tình hình mới chỉ dừng lại ở việc mua bán sản phẩm được bán ra từ chủ đầu tư, chưa lan sang các sản phẩm giao dịch trên thị trường. Hiện, có một vài động thái về luồng tiền, về giao dịch có thuận lợi cho thị trường nhưng không đúng như chờ đợi đáng có ở thời điểm này.
Việc hình thành và ra đời các công cụ tài chính cho thị trường bất động sản đã manh nha hình thành nhưng chưa đi vào hoạt động nên chưa tác động tới thị trường bất động sản.
TS. Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận nghiên cứu và tư vấn của CBRE
Nếu biến động tỷ giá thì có tác động ngay lập tức đến thị trường, nhưng với lãi suất bao giờ cũng có độ trễ. Một phần các ngân hàng đã ký các hợp đồng cung cấp tín dụng với doanh nghiệp từ nhiều tháng trước, nên họ không thể thay đổi một sớm một chiều.
Lãi suất tác động đến các chủ đầu tư nhiều hơn đối với người mua tại thị trường Hà Nội, bởi việc vay tiền ngân hàng để mua nhà của người dân không nhiều. Với những chủ đầu tư sử dụng chỉ số đòn bẩy tài chính cao thì rất quan tâm đến việc này. Nhưng cũng có một yếu tố đó là các ngân hàng cũng bị hạn chế cho vay đối với bất động sản.
Hiện một số ngân hàng không còn dư địa cho vay tiếp đối với bất động sản nữa. Đấy cũng là một mặt hạn chế, dù ngân hàng có thể giảm lãi suất đi nữa thì chủ đầu tư cũng khó có thể vay được. Trong bối cảnh thị trường, người mua hiện rất dè dặt thì 3-6 tháng nữa vẫn còn phải xem xét.
GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Câu chuyện chính sách tiền tệ còn có nhiều khó khăn cần vượt qua. Cũng có nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chúng ta áp đặt bằng một giải pháp hành chính vào việc giảm trần lãi suất cũng không phải là giải pháp phù hợp với cơ chế thị trường. Nếu chúng ta ép nhiều quá có thể phát sinh những hậu quả khác làm giảm tiền gửi tín dụng. Đó là điều cần xem xét tiếp để có thể đưa ra những giải pháp kiềm chế lạm phát hiệu quả và nhanh hơn thì nền kinh tế sẽ có lợi hơn.
Theo tôi việc dùng một quyết định hành chính để hạ lãi suất tín dụng tức là tác động vào một lãi suất mang tính kinh doanh, có lẽ hiệu quả ngay lập tức là không cao, mà có khả năng dẫn tới người tiêu dùng không muốn gửi tiền tiết kiệm nữa thì sẽ giảm khả năng gửi vào các ngân hàng thương mại.
Có lẽ, thị trường bất động sản cũng không ảnh hưởng nhiều vì vốn của thị trường bất động sản cũng chưa được nhận từ luồng tín dụng vào. Nếu luồng tín dụng tăng thì thị trường bất động sản mới có khả năng được nhận một số, còn nếu luồng tín dụng giảm thì thị trường bất động sản cũng không có khả năng nhận luồng tín dụng này trong hoàn cảnh hiện nay.
Do đó, thị trường bất động sản vẫn nên tính tới chuyện tìm vốn từ tiền tiết kiệm của dân, từ tiền nhàn rỗi đầu tư của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, cũng như từ nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) để có thể hợp tác kinh doanh, tạo được nguồn vốn hợp lý cho thị trường.
Duy Anh (Tổng hợp)