Những dự án nhà ở thương mại sẽ phải có ít nhất 70% căn hộ nhỏ và vừa. Nhà ở xã hội cũng hướng tới các căn hộ có diện tích nhỏ hơn 70m2, trong đó có loại căn hộ diện tích từ 30 - 50m2…
Những quy định trên đưa ra tại dự thảo Nghị định về quản lý đầu tư, phát triển đô thị đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến cho thấy xu hướng phát triển nhà ở trong thời gian tới sẽ hướng tới phục vụ số đông, phù hợp với khả năng thanh toán của đại đa số người dân.
Phát triển lệch lạc
Trước đây, Bộ Xây dựng cũng đã nhiều lần "cảnh tỉnh" các doanh nghiệp khi nhận thấy tốc độ phát triển ồ ạt của các dự án chung cư cao cấp. Nhưng do mải mê chạy theo lợi nhuận và thị hiếu nhất thời, không ít doanh nghiệp đã sa vào vũng lầy căn hộ cao cấp.
Thời gian gần đây, các chủ đầu tư dự án có sự điều chỉnh theo nhu cầu thật của thị trường theo quy mô căn hộ vào khoảng 70 - 80m2, thậm chí nhỏ hơn với mức độ hoàn thiện chấp nhận được, giá bán dưới 20 triệu đồng/m2, phù hợp với khả năng thanh toán của đại đa số người dân. Đó là doanh nghiệp tự điều chỉnh, còn về phía cơ quan quản lý, sắp tới các Nghị định về quản lý phát triển nhà ở, khu đô thị mới sẽ có quy định cụ thể tỷ lệ căn hộ, nhấn mạnh về căn hộ có diện tích trung bình và nhỏ, để phù hợp với thị trường, phù hợp với khả năng thanh toán của đại đa số người dân.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đánh giá, thị trường BĐS sau một thời gian phát triển theo cơ chế thị trường, bên cạnh những mặt mạnh, mặt tốt, đã bộc lộ những khiếm khuyết, đặc biệt là trong vấn đề cơ cấu sản phẩm, quy mô của các căn hộ không được chuẩn. Điều này thể hiện chuyên môn của doanh nghiệp, tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh BĐS. Bản thân chính quyền cũng chưa đưa ra được những kế hoạch định hướng, những con số cụ thể để làm cơ sở cho các dự án, cho sự tính toán của các doanh nghiệp, vì thế có những lệch lạc trong phát triển nhà ở.
Những căn chỉnh cần thiết
Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ có những quy định mang tính chất căn chỉnh. Theo dự thảo Nghị định về quản lý đầu tư, phát triển đô thị, khi xây dựng cũng như chào bán, số căn hộ có diện tích từ 45 - 90m2 phải chiếm tối thiểu 70% số lượng căn hộ toàn dự án. Số còn lại là diện tích lớn từ 90m2 trở lên, tùy thuộc vào bố trí của chủ đầu tư. Chính sách này nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở của số đông người dân. Các loại căn hộ trong nhà chung cư dù lớn hay nhỏ đều phải bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và được thiết kế theo kiểu căn hộ khép kín gồm có phòng ngủ, phòng khách, khu bếp, khu tắm, khu vệ sinh riêng biệt.
Bộ Xây dựng cũng đang xây dựng một quy định đối với các dự án nhà ở, khu đô thị, trong đó quy định số nhà chung cư trong dự án đó tối thiểu phải đạt 70%. Không chỉ với nhà ở thương mại, ngay cả với nhà ở xã hội cũng cần có những thay đổi cho phù hợp. Nhiều chuyên gia cho rằng, với loại căn hộ chủ yếu có diện tích tới 60 - 70m2, dù giá thành có thấp nhiều hộ dân thuộc đối tượng mua nhà thu nhập thấp vẫn không thể có đủ tiền để mua nhà. Bởi vậy, tại dự thảo lần này, Bộ Xây dựng cũng đã đưa ra tỷ lệ cơ cấu căn hộ của các dự án nhà ở xã hội với mức tối đa không vượt quá 20% số lượng căn hộ là loại căn hộ có diện tích sàn 70m2. Tối thiểu phải có 30% số lượng căn hộ có diện tích sàn từ 50m2 đến dưới 70m2, tỷ lệ còn lại là loại căn hộ có diện tích sàn từ 30m2 đến dưới 50m2.
Cách đây 2 năm tôi đã phát biểu nhiều tại các hội thảo cũng như cảnh báo với các doanh nghiệp là thị trường đã quá thiên về các căn hộ lớn, có độ hoàn thiện cao. Vì thế, giá bán của các căn hộ tại Hà Nội, khu vực Vành đai 3 trở vào không có dự án nào có giá dưới 20 triệu đồng/m2, nhân với diện tích 120m2, 150m2 ra một số tiền rất lớn mà người dân không có đủ khả năng để mua
Ông Nguyễn Trần Nam(Thứ trưởng Bộ Xây dựng)
|
(Theo KTĐT)