SearchNews

Cải tạo khu tập thể Nghĩa Tân

05/12/2006 11:02

Trong tháng 12, Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội sẽ hoàn thành phương án quy hoạch, cải tạo chỉnh trang nâng cấp đồng bộ các công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội toàn bộ khu tập thể Nghĩa Tân (địa bàn quận Cầu Giấy) để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong tháng 12, Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội sẽ hoàn thành phương án quy hoạch, cải tạo chỉnh trang nâng cấp đồng bộ các công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội toàn bộ khu tập thể Nghĩa Tân (địa bàn quận Cầu Giấy) để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Dự án có tổng diện tích đất nghiên cứu là 29,23 ha, trong đó, diện tích đất xây dựng trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương là 12.600 m2; diện tích xây dựng trường mầm non 13.828 m2; trường tiểu học 4.721 m2; trường trung học 11.562 m2; khu dịch vụ 14.459 m2; sân vận động 17.905 m2; diện tích nhà chia lô 3 tầng 46.391 m2. Diện tích còn lại thực hiện phá dỡ xây dựng mới là 131.106 m2, bao gồm 4 nhà 2 tầng, 2 ngôi nhà 3 tầng và 22 nhà 5 tầng đã xuống cấp.

Sau khi có chủ trương của UBND thành phố về việc lập quy hoạch tổng thể cải tạo xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân, Công ty đã tổ chức các cuộc họp với UBND phường và các tổ dân phố trên địa bàn, tiến hành điều tra xã hội học, lập bản đồ hiện trạng khu vực nghiên cứu, khảo sát hiện trạng kiến trúc các công trình, tình trạng xuống cấp, cấp độ công trình, đánh giá tình trạng cơi nới lấn chiếm, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, phần hạ tầng kỹ thuật (bao gồm hệ thống cấp điện, nước, thoát nước, thu gom rác thải...) và hạ tầng xã hội.

Tuy nhiên, ông Lê Hồng Quân, giám đốc Công ty cho biết, trong quá trình triển khai lập quy hoạch, dự án đã gặp một số khó khăn làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Cụ thể, sau hơn 1 năm được giao làm chủ đầu tư dự án, HĐND thành phố mới ban hành Nghị quyết nêu rõ các quan điểm và hướng chỉ đạo theo hướng xã hội hoá đối với các dự án cải tạo xây dựng lại các khu chung cư cũ. Người dân chưa hiểu rõ về trách nhiệm và quyền lợi tái định cư nên một số còn có những phản ứng gây khó khăn trong quá trình điều tra xã hội học.

Trong khi đó, TP chưa có đủ cơ chế chính sách khung thí điểm để áp dụng đối với các dự án thuộc diện này; chưa quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của DN, người dân và Nhà nước theo nguyên tắc đảm bảo hài hoà 3 lợi ích mà Nghị quyết 07/2005 đã đề ra.

Cũng theo ông Quân, một khó khăn hơn nữa là trong khu vực dự án đang tồn tại khoảng 4,6 ha là nhà chia lô đã được xây dựng, ăn ở ổn định, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở. Việc nghiên cứu quy hoạch cũng gặp vướng mắc lớn khi nghiên cứu và điều tra lấy ý kiến thăm dò các hộ dân theo nguyên tắc 2/3 các hộ đồng thuận.

Ngoài ra, vấn đề bố trí di chuyển tạm các hộ dân với một số lượng lớn cũng là một khó khăn nếu không có sự hỗ trợ của TP về quỹ nhà, trong điều kiện phải đảm bảo hạn chế sự thay đổi, ổn định cuộc sống của người dân trong thời gian thi công. Theo chủ đầu tư, mức giá quy định hỗ trợ mỗi tháng 250.000 đồng/người và không quá 1,5 triệu/hộ còn thấp so với điều kiện chung hiện nay.

(Theo KT&ĐT)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu