Đây là cụm công nghiệp đầu tiên trong cả nước mà nhà đầu tư kết cấu hạ tầng cũng là nhà đầu tư thứ cấp.
CCN Hắc Dịch được đánh giá là CCN làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư và xây dựng nhà xưởng nhanh nhất ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cụm công nghiệp Hắc Dịch có diện tích 29,2 ha nằm trên địa bàn xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo chủ trương ban đầu của tỉnh thì việc đầu tư kết cấu hạ tầng CCN sẽ do ngân sách đầu tư 100% với mục tiêu tạo mặt bằng thu hút các dự án nhỏ và vừa vào khu vực này.
Tuy nhiên sau khi mở rộng quảng bá thu hút đầu tư, Sở Công nghiệp (nay là Sở Công Thương) nhận thấy, việc đầu tư kết cấuhạ tầng bằng vốn ngân sách sẽ không hiệu quả so với thu hút vốn đầu tư từ doanh nghiệp nên đề xuất với UBND tỉnh và các Sở ngành liên quan chuyển hướng đầu tư. Đề xuất này đã được UBND tỉnh chấp thuận và cho triển khai từ đầu năm 2006.
Công ty cổ phần Phú Mỹ là đơn vị được chọn để đầu tư kết cấu hạ tầng CCN Hắc Dịch. Đây là đơn vị có tiềm lực tài chính, các thành viên sáng lập không chỉ muốn công ty đầu tư kết cấu hạ tầng mà chính họ cũng muốn đầu tư nhà máy vào CCN để chuyển dịch cơ sở sản xuất từ TP.HCM về tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Việc triển khai dự án gặp không ít khó khăn do đây là CCN đầu tiên trong cả nước thực hiện theo phương châm doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng. Nhưng với sự quan tâm giúp đỡ của UBND tỉnh, chính quyền địa phương và các sở ngành liên quan cùng quyết tâm của nhà đầu tư, dự án đã được triển khai nhanh hơn dự kiến.
Bà Trần Kim Thu, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), cho biết: Trung tâm đã tìm mọi biện pháp để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư như: tư vấn toàn bộ thủ tục cho nhà đầu tư từ thủ tục môi trường, thủ tục cho các dự án đầu tư thứ cấp, vận động nhà đầu tư vào CCN đến hỗ trợ đào tạo lao động... Để nhà đầu tư yên tâm, Sở Công Thương đã tham mưu để UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý tạm thời về CCN trên địa bàn tỉnh trên cơ sở nghiên cứu các quy định và luật lệ liên quan.
Nhờ có chính sách hợp lý và được người dân đồng tình ủng hộ nên chỉ trong vòng 1 năm (từ tháng 8/2006 đến tháng 6/2007), Công ty cổ phần Phú Mỹ đã hoàn tất công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tháng 7/2007 triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng CCN và tháng 10/2007 nhà máy đầu tiên trong CCN đã được xây dựng.
Đến nay, kết cấu hạ tầng của CCN như hệ thống đường giao thông nội bộ, điện, nước, hệ thống xử lý nước thải công nghiệp cơ bản đã hoàn tất. Với giá thuê đất rẻ, kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, phí sử dụng kết cấu hạ tầng thấp (khoảng 4.000đ/m2/năm), phí xử lý nước thải chỉ bằng 50% giá nước sạch... CCN Hắc Dịch 1 có sức hút mạnh đối với nhà đầu tư. Hiện CCN đã được lấp đầy diện tích với 8 dự án đầu tư, trong đó có 4 dự án là của các sáng lập viên của Công ty cổ phần Phú Mỹ.
Các dự án đầu tư vào CCN đều tập trung vào những ngành nghề thế mạnh của địa phương như: sản xuất hàng may mặc, giày da, cơ khí, sản phẩm nhựa, chế biến nông sản... phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong đó, có 2 dự án đã hoàn thành xây dựng nhà xưởng và đi vào hoạt động. Đó là Công ty TNHH may mặc Thạnh Mỹ và Công ty TNHH may mặc xuất khẩu Tân Mỹ. Hai công ty này thu hút gần 800 lao động với mức lương từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Dự kiến đến năm 2010, tất cả dự án trong CCN sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 6.000 lao động.
Ông Chung Chảy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phú Mỹ, cho biết: Để góp phần giải quyết khó khăn về chỗ ở cho người lao động đồng thời giúp các doanh nghiệp trong CCN ổn định lực lượng lao động, công ty đã mua 2 khu đất với tổng diện tích 3,5 ha nằm cạnh CCN để xây dựng nhà ở cho công nhân với giá rẻ. Khu nhà ở gồm 4 block cao 3 tầng có đầy đủ tiện nghi với tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ đồng. Khu nhà ở đầu tiên cho công nhân sẽ được đưa vào sử dụng trong tháng 7/2009. Dự kiến sau 5-7 năm đưa vào hoạt động, công ty sẽ bán cho công nhân với giá ưu đãi.
Bà Trần Kim Thu, cho biết: Theo đăng ký của các doanh nghiệp hoạt động trong CCN thì năm 2009 các doanh nghiệp sẽ thu hút khoảng 2.000 lao động, đóng góp kim ngạch xuất khẩu của tỉnh khoảng 30 triệu USD. Đây là tín hiệu rất mừng đối với CCN mới đi vào hoạt động. Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đào tạo và tuyển dụng lao động, năm 2008, trung tâm đã đào tạo và cung ứng cho CCN 780 lao động. Trong chương trình khuyến công năm 2009, trung tâm sẽ đào tạo và cung cấp thêm cho CCN 500 lao động.
(Theo Công Thương)