Mặc dù dự án khu đô thị mới C2 thuộc tổ hợp dự án Gamuda (Hoàng Mai) do công ty Gamuda Land Việt Nam làm chủ đầu tư mới chỉ giải phóng xong 71% diện tích. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã thực hiện việc huy động vốn từ khá lâu.
Bán nhà trên giấy
Vào tháng 12/2007, Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam, thuộc Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) đã chính thức được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy phép triển khai dự án Công viên Yên Sở theo phương thức BT (đổi đất lấy hạ tầng). Theo đó, Công ty Gamuda Land Việt Nam sẽ xây dựng 2 hạng mục là nhà máy xử lý nước thải Yên Sở và công viên Yên Sở. Đối lại, Gamuda Land sẽ được triển khai xây dựng và kinh doanh khu đô thị Gamuda City ngay bên cạnh công viên.
Dự án có quy mô rộng trên 500 ha và được phát triển theo mô hình “thành phố thu nhỏ”, Gamuda City được xây dựng với mục tiêu sẽ trở thành khu đô thị tầm cỡ thế giới đầu tiên tại Hà Nội, với 2 khu dân cư, khu công viên vui chơi, giải trí và một trung tâm thương mại cao cấp.
Sau khi công ty Gamuda Land Việt Nam tiến hành xây dựng xong nhà máy xử lý nước thải và công viên Yên Sở, ngày 21/12/2011, UBND TP Hà Nội đã có quyết định giao 81 ha đất nằm trên địa bàn phường Yên Sở và Trần Phú, quận Hoàng Mai cho công ty Gamuda Land Việt Nam xây dựng khu dân cư (khu đất đối ứng C2 hay còn gọi Gamuda Gardens). Trong số 82ha đất này có 22,5ha đất dự án sẽ dành để xây dựng nhà liền kề, biệt thự, chung cư.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm được giao đất, khi PV mục sở thị dự án,khu đô thị này vẫn trong tình trạng chỉ là một khu đất trống, mênh mông. Trong đó, một phần lớn diện tích vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng, còn một phần dự án đang được chủ đầu tư san lấp.
Để nắm được về tình hình giải phóng mặt bằng dự án Gamuda Garden, PV đã liên hệ với ông Phạm Sơn Hà – Phó trưởng ban giải phóng mặt bằng quận Hoàng Mai. Ông Hà cho biết, khu đô thị mới Gamuda Gardens trước đây được Hà Nội giao cho trung tâm quỹ đất quận Hoàng Mai. Tuy nhiên, sau khi Công ty Gamuda Land Việt Nam có giấy chứng nhận đầu tư, UBND TP Hà Nội đã giao trực tiếp cho chủ đầu tư 82 ha đất để triển khai xây dựng khu đô thị Gamuda Gardens và hiện giờ chủ đầu tư mới giải phóng mặt bằng xong 71% tổng diện tích. Số diện tích còn lại phần lớn là đất nông nghiệp vẫn chưa thỏa thuận được với người dân.
Như vậy, mặc dù công tác giải phóng mặt bằng của dự án chưa hoàn tất nhưng theo phán ảnh của nhiều nhà đầu tư vào tháng 6 vừa qua, chủ đầu tư đã tiến hành công khai mở bán, thu tiền đặt cọc của hàng trăm khách hàng, nhà đầu tư.
Mới đây, theo thông tin từ một nhân viên phụ trách PR thuộc công ty Gamuda Land Việt Nam, hiện dự án đã thực hiện việc huy động hơn 200 lô nhà liền kề, biệt thự dưới hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư. Mức vốn góp chỉ vẻn vẹn có 5% giá trị lô đất.
Tuy nhiên, theo tìm hiều của PV, trên các trang mạng và diễn đàn mua bán bất động sản đã xuất hiện đầy thông tin rao bán, bán lại các suất biệt thự, liền kề tại Gamuda City từ các nhà đầu tư thứ cấp từ thời điểm cuối năm 2011.
Ngay hiện tại, chỉ cần gõ từ khóa “bán liền kề, biệt thự tại dự án Gamuda Yên Sở” chỉ trong 1 giây cho hơn 200 kết quả chào bán nhà tại dự án này.
Phóng viên đã trực tiếp liên hệ với nhà đầu tư chào bán một lô đất liền kề tại dự án Gamuda được biết, dự án đã có hợp đồng mua bán, giá gốc chào bán mỗi m2 đất2.600 - 3.200 USD/m2 (64 triệu đồng/m2 tùy thuộc vị trí), thời hạn thanh toán được chia làm 7 đợt trong đó đợt 1 khách hàng góp 15%, 4 đợt tiếp theo mỗi đợt là 10%, đợt 6 là 15%, đợt 7 là 30%. Vị này cho biết, tại thời điểm thị trường “sốt” phần tiền chênh lệch cho mỗi m2 đất tại dự án lên tới 800 -1.200 USD/m2. Tuy nhiên, khi PV tỏ ý muốn mua thì vị này cho rằng, bây giờ thị trường bất động sản không thiếu những vị trí tốt để đầu tư. Vì vậy, khách hàng cần cân nhắc bởi khu vực này chưa phát triển.
Đền bù nội, bán giá ngoại
Dự án Gamuda City là dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài lại được triển khai bằng hình thức BT với tổng mức đầu tư 5 tỷ USD. Thời gian thực hiện dự án gần 10 năm.
Theo khẳng định của ông Phạm Sơn Hà, đây là dự án có nhiều cơ chế đặc thù riêng. Bản thân chủ đầu tư cũng đã rót rất nhiều tiền trong đó riêng nhà máy xử lý nước thải Yên Sở đã đầu tư khoảng 500 triệu USD.
Tuy nhiên, trong một thông cáo mới nhất được phát đi từ chủ đầu tư thì tổng số vốn “rót” cho toàn dự án khoảng 300 triệu USD song phần lớn là cho hai công trình công viên và nhà máy xử lý nước thải. Số vốn cho khu đô thị dường như vẫn chưa đáng kể.
Hay khoan bàn đến việc này, khi đi tìm hiểu thực tế việc đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án. PV đã lắng nghe được những câu chuyện đau xót.
Một người dân đang làm nhiệm vụ bảo vệ cho khu vực dự án công viên Yên Sở và cũng là người dân bị mất đất dự án khu đô thị Gamuda Gardens cho biết, gia đình anh có tổng cộng gần 160 m2 đất ở đã bị lấy vào dự án. Tuy nhiên, khi tính giá bồi thường anh chỉ nhận được hơn 3 triệu đồng/m2. Tổng cộng gia đình anh chỉ nhận được có hơn 400 triệu đồng tiền đền bù. "Mặc dù là nhân viên của Gamuda nhưng tôi cũng có rất nhiều điều bức xúc. Tiền đền bù chẳng đủ sống, nhà thì mất"
Bác Vũ Đình Kim – người dân đang sinh sống trên khu đất chưa giải phóng mặt bằng của Công Viên Yên Sở cho biết, gia đình đã sinh sống trên mảnh đất rộng 50m2 này từ năm 1988. Nay, dự án lấy nhà chỉ đền bù cho ông có hơn 413 triệu đồng. Nhà nước cho bốc thăm căn hộ tái định cư ở Pháp Vân với giá 9,5 triệu đồng/m2. Để có được căn hộ này, vợ chồng ông phải bỏ thêm hơn 300 triệu đồng nữa. “Với hai ông bà già về hưu, tiền ăn còn không đủ qua ngày thì lấy đâu ra tiền để mua nhà. Cho dù tôi có chỗ ở mới nhưng bỏ ra 300-400 triệu đồng thì thực tế là không có tiền. Không có tiền thì Nhà nước phải xét thôi. Bây giờ bảo tôi đi ở chỗ ở mới nhưng lại trở thành con nợ thì không ai muốn” bác Kim nói.
Có thể thấy, với những gì đang diễn ra tại dự án Gamuda, dư luận đang đặt ra câu hỏi, với một dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, lẽ ra chủ đầu tư phải đổ vốn vào để đầu tư, xây dựng dự án. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này, tiền sử dụng đất dự án này vẫn chưa nộp, việc giải phóng mặt bằng chưa xong nhưng chủ đầu tư đã tiến hành huy động vốn của người dân Việt Nam như vậy là vi phạm luật kinh doanh bất động sản!?.
Hơn nữa, với mỗi m2 đất đề bù cho các hộ dân chỉ có 3-7 triệu đồng/m2 nhưng giá bán mỗi m2 đất ở thành phần tại dự án này lên đến cả ngàn USD có phải là điều phi lý.
(Theo Vnmedia)