Những bất ổn trong nhân sự cấp cao đã đẩy một doanh nghiệp vốn kinh doanh hiệu quả như Sudico vào tình trạng thua lỗ.
6 tháng đầu năm, lợi nhuận hợp nhất toàn công ty này ước âm 84 tỷ đồng. Với khoản nợ 1.200 tỷ đồng đáo hạn, mục tiêu 200 tỷ đồng lợi nhuận nửa cuối năm của Sudico đặt cược lớn vào dự án Nam An Khánh. Trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây nhiều thay đổi lớn đã diễn ra trong lòng dự án này.
Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh với diện tích sử dụng đất là 288,8 héc-ta, có vị trí đắc địa ở phía Tây Hà Nội, được coi là con gà đẻ trứng vàng của Sudico. Dự án chỉ cách Trung tâm Hội nghị Quốc gia 5 km, chạy dọc theo 2 km chiều dài tuyến đường cao tốc Láng – Hòa Lạc. Để vận hành dự án này, Sudico dưới thời Ban lãnh đạo cũ đã thành lập CTCP Sudico An Khánh, trong đó, Sudico sở hữu 99% cổ phần. Sau đó, Dự án cũng đã được bán lại một phần cho các nhà đầu tư thứ cấp. Sau khi Sudico có HĐQT mới, một loạt biện pháp đã được thực thi nhằm làm mới con gà đẻ trứng vàng.
Cụ thể, Dự án Nam An Khánh đã được tách khỏi Sudico An Khánh. Sudico đã thành lập Ban quản lý dự án trực thuộc Sudico. Đơn vị này sẽ đại diện cho chủ đầu tư, triển khai các công việc có liên quan đến Dự án. “Chúng tôi làm vậy bởi CTCP không thể ủy quyền cho nhau để thực hiện Dự án, sau này sẽ rất khó quyết toán. Bộ máy của Ban quản lý trực thuộc Sudico đã ổn. Họ được ủy quyền tối đa, chủ động vận hành Dự án. Chúng tôi dự kiến sẽ sớm tiến hành lễ khởi công Khu đô thị mới”, ông Hồ Sỹ Hùng, tân Chủ tịch HĐQT Sudico giải thích.
Một thay đổi khác là Sudico chuyển từ chính sách khai thác “lúa non” sang làm sản phẩm, thành phẩm để bán. Ông Hùng cho biết: “Chúng tôi tính toán, vay tiền ngân hàng để đầu tư hạ tầng Dự án, sau khi trừ lãi và các chi phí, Công ty có thể có lợi nhuận cao hơn việc ‘bán lúa non’. Đồng thời, cách làm này sẽ góp phần xây dựng thương hiệu cho Công ty và giúp Công ty có thể quản lý được sản phẩm của mình”.
Dưới con mắt của giới quan sát thì nước cờ mới của Ban lãnh đạo Sudico sẽ giúp Công ty được lợi đôi đường. Thứ nhất, Bộ máy mới có thể tham gia triển khai và vận hành dự án. Thứ hai, cách “bán lúa non” dựa trên những căn cứ pháp lý không chặt chẽ đã được thay đổi. Trước đây, với cách làm cũ, bên góp vốn triển khai dự án có thể viện dẫn nhiều lý do để chậm chuyển tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính, Công ty không có cơ sở để hạch toán doanh thu, lợi nhuận. Hơn nữa, bán lúa non là bán rẻ dự án, đồng thời sinh ra bất cập trên thị trường. Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp chỉ được huy động vốn tối đa 20% dự án không qua sàn giao dịch, sản phẩm khi lên sàn giao dịch qua tay sẽ có chênh lệch giá và các nhà đầu tư thứ cấp khó đảm bảo chất lượng cam kết, tạo kẽ hở trong kinh doanh. Bộ máy của Công ty, do đó có thể phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực.
“Sudico sẽ rà soát các hợp đồng góp vốn. Đối tác nào chưa thực hiện các điều khoản đã cam kết, chúng tôi sẽ hủy hợp đồng. Những hợp đồng cũ đã được hoàn tất nghĩa vụ tài chính, chúng tôi tôn trọng và sẽ đàm phán điều kiện để chuyển sang ký hợp đồng mua bán”, ông chủ tịch chia sẻ.
Tháng 7 này, Sudico sẽ có khoản nợ 700 tỷ đồng đáo hạn. Công ty dự kiến vay ngân hàng 400 tỷ đồng tiền đầu tư dự án mới, thu xếp vốn để thực hiện nghĩa vụ trả nợ 1.200 tỷ đồng đáo hạn trong năm 2012, thu nợ từ các đối tác hợp tác đầu tư 300 tỷ đồng. Với cách làm cuốn chiếu, chia dự án thành nhiều tiểu dự án để thực hiện đầu tư hoàn thiện hạ tầng, có sản phẩm bán để thu tiền về, làm đến đâu bán đến đó, ban lãnh đạo doanh nghiệp này tin tưởng sẽ thoát lỗ trong 6 tháng cuối năm và thực hiện được mục tiêu lợi nhuận trước thuế trên 200 tỷ đồng nếu được ĐHCĐ thông qua tại kỳ đại hội thường niên tới.
Bên cạnh Dự án Nam An Khánh, Sudico được đánh giá có nhiều tiềm năng bởi đang được giao làm chủ đầu tư rất nhiều dự án, trong đó có những dự án lớn như Dự án Khu đô thị mới Tiến Xuân, Dự án Khu nhà ở Văn La - Văn Khê... Sau liên tục những cú sốc nhân sự và rối ren nội bộ, doanh nghiệp đang tạm ổn định và cổ đông đang kỳ vọng Sudico sẽ sớm lấy lại được phong độ để họ có thể phần nào tìm lại những gì đã mất.
(Theo ĐTCK)