SearchNews

Vườn công nghiệp sinh thái đầu tiên ở Việt Nam

23/06/2010 06:45

Liệu có thể xóa đi ấn tượng “nhiễm” mỗi khi nói đến KCN? Tháng 10/2009, một mô hình KCN thân thiện môi trường đã được xây dựng ở Việt Nam.

Liệu có thể xóa đi ấn tượng “nhiễm” mỗi khi nói đến KCN? Tháng 10/2009, một mô hình KCN thân thiện môi trường đã được xây dựng ở Việt Nam.

Trên thế giới, từ đầu những năm 1990, mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái đã được khởi xướng như một hướng đi mới nhằm thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Trong KCN sinh thái, cơ sở hạ tầng công nghiệp được thiết kế để tạo một chuỗi sinh thái hòa hợp với hệ sinh thái tự nhiên. KCN sinh thái còn là mô hình tổ chức sản xuất công nghiệp bảo toàn tài nguyên, nhằm phát triển công nghiệp bền vững theo hướng giảm đến mức thấp nhất sự phát sinh chất thải, đồng thời tăng tối đa khả năng tái sinh - tái sử dụng nguyên nhiên liệu và năng lượng.

Bourbon An Hòa được coi là KCN đầu tiên ở Việt Nam xây dựng theo những tiêu chí này. Đây là khu công nghiệp có quy mô khá lớn, lên tới 1.020 ha, có thể tiếp nhận hàng trăm doanh nghiệp, song có lẽ vì muốn tạo ấn tượng “xanh”, chủ đầu tư dự án (Liên doanh Công ty Bourbon Tây Ninh, Công ty cổ phần Long Hậu và Công ty cổ phần Việt Âu) đã đặt tên là “Vườn công nghiệp”. Nằm trên địa bàn xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, bên trục đường Xuyên Á nối TPHCM với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đi Campuchia, Bourbon An Hòa có vị trí địa lý khá thuận lợi giúp các nhà đầu tư dễ dàng kết nối với các vùng nguyên liệu và thị trường tiềm năng trong nước cũng như các quốc gia lân cận trong khu vực. Đồng thời, nhờ nằm cạnh dòng sông Vàm Cỏ Đông, KCN này còn có lợi thế vận chuyển bằng đường thủy đến cảng Sài Gòn, cảng Bourbon - Bến Lức.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, trong tổng diện tích 1.020 ha của vườn công nghiệp này có 760 ha đất công nghiệp, 76 ha đất tái định cư, 184 ha xây dựng cảng, kho bãi. Giai đoạn 1 của dự án rộng 380 ha sẽ được hoàn thành trong 5 năm. Điểm nổi bật của vườn công nghiệp này chính là những mảnh xanh của hệ sinh thái tự nhiên. Ngoài 15% diện tích chung bắt buộc dành cho cây xanh, mỗi dự án xây dựng nhà máy tại đây chỉ được sử dụng tối đa 70% đất xây dựng, 30% còn lại được dành cho diện tích xanh. Nhà máy xử lý nước thải của vườn công nghiệp có công suất dự kiến 40.000 m3/ngày đêm (trong đó, giai đoạn 1 có công suất thiết kế 20.000 m3/ngày đêm). Nước thải sau khi xử lý sẽ được dẫn vào các dòng kênh nội bộ - nơi sẽ nuôi trồng nhiều loại sinh vật để vừa làm sạch nước một cách tự nhiên, vừa kiểm soát chất lượng nước thải sau xử lý.

Chủ đầu tư cam kết không xây dựng hạ tầng xung quanh KCN cũng như không cho doanh nghiệp thuê đất ven KCN để kiểm soát chặt chẽ việc các doanh nghiệp lắp đặt đường ống xả thải ra thẳng môi trường; đồng thời giữ lại hệ thống cây xanh tự nhiên hiệu hữu và nỗ lực tối đa để bảo tồn các hệ sinh thái xung quanh KCN. Các nhà máy trong vườn công nghiệp sẽ cộng tác với nhau trên cơ sở phối hợp, trao đổi các loại sản phẩm phụ; tái sinh, tái chế, tái sử dụng sản phẩm phụ tại nhà máy này với các nhà máy khác, theo hướng bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, để tạo mối liên kết chặt chẽ với cộng đồng dân cư trong khu vực, chủ đầu tư đã có sáng kiến mời người dân đóng góp 15% vốn vào tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng của dự án.

(Theo Doanh Nhân)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu