SearchNews

6 giải pháp cấp bách vực dậy thị trường BĐS

25/12/2012 20:27

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, việc tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường BĐS hiện nay đang là vấn đề cấp bách và phải như “cứu hỏa”, 

Trước khó khăn kéo dài của thị trường BĐS, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, việc tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường BĐS hiện nay đang là vấn đề cấp bách và phải như “cứu hỏa”, cần phải lấy lại niềm tin của xã hội. 

Với vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, Bộ Xây dựng đã chủ động đề xuất và triển khai hàng loạt giải pháp mang tính đột phá. Những giải pháp này đã được Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương ủng hộ, vào cuộc tích cực, quyết liệt triển khai nhằm sớm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, đồng thời thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.

Nhà ở xã hội - “mũi tên trúng nhiều đích”

Trong các buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với TP.HCM và Hà Nội để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, đặc biệt là nhà ở xã hội, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định, tháo gỡ khó khăn thị trường BĐS phải gắn với việc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Bộ trưởng phân tích: Trong chiến lược nhà ở đã phân ra hai loại thị trường nhà ở, thị trường nhà ở hàng hóa và nhà ở phi hàng hóa, phân rõ 8 nhóm đối tượng cần thiết phải ưu tiên phát triển nhà ở để tập trung giải quyết. 

Hiện nay nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị, công chức, viên chức hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang đang rất khó khăn, phát triển nhà ở cần phải tập trung vào những đối tượng này. Nếu chúng ta gắn việc tháo gỡ khó khăn thị trường BĐS với việc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở, đặc biệt là chuyển hướng từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội như Nghị quyết Chính phủ đã nêu thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề: Thứ nhất là cân đối cung cầu (tránh lệch pha về cung cầu); thứ hai là đáp ứng yêu cầu về nhà ở của đại đa số người dân có thu nhập thấp (tính nhân văn cao); thứ ba là tháo gỡ khó khăn cho DN, làm thị trường ấm lên, từ đó giải quyết được ổn định kinh tế vĩ mô; thứ tư là vấn đề hạ giá nhà về giá trị thực, đi đôi với tăng nhu cầu tiêu dùng. Nhà ở xã hội hay nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở trung bình chủ yếu dùng vật liệu trong nước, vì thế nếu chúng ta chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội thì cũng sẽ đạt được mục tiêu sử dụng hàng trong nước, hạn chế nhập siêu và đạt được nhiều mục đích khác nữa…

Bộ Xây dựng đã tập trung chỉ đạo triển khai các chương trình nhà ở xã hội tại một số địa phương trọng điểm, Bộ đã ký kết chương trình phối hợp triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở với TP Hà Nội và TP.HCM, 2 đô thị lớn nhất cả nước đang bức xúc về nhà ở, đưa ra những mục tiêu và giải pháp cụ thể. Tiếp đó, Bộ Xây dựng đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo 2 TP và các DN nòng cốt về phát triển nhà ở, BĐS bàn các giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, xác định danh mục dự án phát triển nhà ở xã hội cụ thể và giao nhiệm vụ cho các đơn vị này triển khai thực hiện. Trong khi chờ Chính phủ và ngân hàng Nhà nước thông qua các đề xuất về tín dụng, Bộ Xây dựng đã chủ động phối hợp với BIDV ký kết thỏa thuận phối hợp triển khai chương trình xây dựng nhà ở xã hội với gói tín dụng trung, dài hạn 30 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.

Giải pháp vực dậy thị trường BĐS

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Chính phủ kế hoạch gồm 6 nhóm giải pháp, trong đó có những giải pháp cấp bách trước mắt. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: Nhóm giải pháp quan trọng, đầu tiên đó là hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tăng cường công tác quản lý nhà nước thống nhất từ Trung ương đến địa phương đối với thị trường BĐS, bảo đảm thị trường BĐS phát triển ổn định, công khai, minh bạch, theo quy hoạch, kế hoạch, cân đối cung - cầu, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh nhóm giải pháp thứ 2 đó là các địa phương phải đẩy nhanh thực hiện rà soát các dự án phát triển nhà ở, KĐTM, tiến hành phân loại các dự án cần tạm dừng, các dự án được tiếp tục triển khai, điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung cầu, chuyển đổi mục đích cho phù hợp với nhu cầu cũng như khả năng thanh toán của thị trường.

Thứ ba đó là thực hiện nhóm giải pháp về tín dụng và giải quyết nợ xấu, kết hợp giữa tái cơ cấu nợ cũ và giải quyết cho vay mới để hoàn thành các dự án dở dang đã có đầu ra; có gói tín dụng dành cho người mua nhà, theo đó các ngân hàng thương mại dành tỷ lệ tối thiểu 3% tổng dư nợ tín dụng cho các đối tượng có thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay mua, thuê mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đ/m2 với lãi suất cho vay bằng khoảng 2/3 lãi suất huy động tiết kiệm, thời hạn từ 10 - 15 năm, phần chênh lệch lãi suất sẽ được giải quyết bằng cho vay tái cấp vốn. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước thì dư nợ tín dụng được bảo đảm bằng BĐS khoảng 1.24 triệu tỷ chiếm 46,5% tổng dư nợ tín dụng hay 64,3% dư nợ tín dụng có bảo đảm bằng tài sản. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, việc tập trung phục hồi và phát triển thị trường BĐS là giải pháp xử lý nợ xấu ít tốn kém nhất, đồng thời bảo đảm lợi ích của các bên liên quan. Ngân hàng Nhà nước cần quan tâm đến nhóm giải pháp xử lý hàng tồn kho và kích thích thị trường BĐS, ưu tiên xử lý nợ xấu có bảo lãnh bằng BĐS. Bộ Xây dựng cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục mở rộng hợp lý tín dụng cho lĩnh vực BĐS, nhất là sản phẩm dở dang và có khả năng thanh khoản, từng bước hạ lãi suất về mức bình thường (xấp xỉ 10%/năm);

Nhóm giải pháp thứ tư đó là thực hiện chính sách tài khóa và thuế, theo đó đề xuất với Quốc hội cho phép miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội, nhà ở có diện tích nhỏ, giá bán bình dân, các địa phương có tồn kho sản phẩm BĐS lớn, không thực hiện đầu tư từ ngân sách để đầu tư nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội mà dùng vốn đầu tư đã có trong kế hoạch để mua lại các dự án nhà ở thương mại phục vụ nhu cầu tái định cư, nhà ở xã hội cho thuê giá rẻ.

Nhóm giải pháp thứ năm đó là các DN phải chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu DN cho phù hợp, như: Giảm giá bán, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa cho phù hợp với khả năng chi trả của thị trường; áp dụng các phương thức bán hàng linh hoạt, chuyển sang hình thức cho thuê, thuê mua; công khai, minh bạch, thực hiện đúng cam kết tiến độ, tạo niềm tin với khách hàng.

Đối với các địa phương cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính từ khâu thẩm định, phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư đến phê duyệt các dự án kinh doanh BĐS. Đặc biệt là giải quyết nhanh chóng các thủ tục cho phép điều chỉnh cơ cấu dự án đang tồn kho, thi công dở dang cho phù hợp với nhu cầu thị trường, thủ tục chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Đây cũng là nhóm giải pháp thứ 6 được Bộ Xây dựng đề xuất.

Hệ thống giải pháp tổng thể mà Bộ Xây dựng, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương đề xuất đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận sẽ được ban hành thành Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ để tổ chức triển khai thực hiện ngay trong những ngày đầu năm 2013. “Với những giải pháp được đánh giá là trúng và khả thi, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý từ cấp Trung ương đến địa phương, sự cố gắng, nỗ lực của các DN, cộng đồng trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, cùng với dự báo sự hồi phục của kinh tế thế giới, sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong nước, đặc biệt là niềm tin của người dân trở lại với thị trường, chắc chắn thị trường BĐS năm 2013 sẽ có bước cải thiện, tạo đà cho sự phát triển ổn định vào các năm sau“, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định.

(Theo báo Xây dựng)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu