Nợ nần chồng chất, chi phí lãi vay đè nặng, một số doanh nghiệp bất động sản đành bán dự án với giá rẻ để trả nợ
Trong khi chờ Chính phủ tìm những biện pháp hỗ trợ hợp lý để giải cứu cho doanh nghiệp (DN) ngành bất động sản (BĐS), nhiều đơn vị trong ngành này đang cố gắng tìm cách tự cứu mình. Trong đó việc phải rao bán dự án bằng mọi cách là hình thức phổ biến mà không ít DN bắt buộc phải thực hiện.
Tìm đường giải thoát
“Kinh doanh BĐS mà phải bán rẻ dự án là điều đau đớn lắm nhưng không còn cách nào khác vì chúng tôi đã không thể nằm đó... chờ chết. Phải tìm đường giải thoát” - giám đốc một DN BĐS có tiếng tại TPHCM nói. Thật vậy, nếu không bán dự án, DN sẽ không có vốn để tiếp tục thực hiện dự án khác, trong khi nợ ngân hàng phải trả với lãi suất cao đang hối thúc từng ngày.
Tại đại hội cổ đông mới đây, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG), cho biết công ty sẽ bán sỉ dự án cho các nhà đầu tư hoặc hạ giá bán để thu tiền, trả nợ, tái đầu tư… và giảm áp lực trả lãi vay. Kế hoạch trong năm 2012, công ty chỉ tập trung vào các dự án mũi nhọn có tính thanh khoản cao. Hiện công ty đang thỏa thuận về hình thức hợp tác với một số đối tác tiềm năng ở dự án khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè - TPHCM. Ngoài ra, dự án 24 Lê Thánh Tôn, quận 1 - TPHCM cũng đang thương thảo để bán 50% diện tích theo hình thức góp vốn.
Cũng tại đại hội cổ đông vừa diễn ra, lãnh đạo Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình (HBC) cho biết sắp tới HBC sẽ tìm kiếm đối tác để liên kết hoặc chuyển nhượng 2 dự án: Khu dân cư Long Thới, huyện Nhà Bè (dự án có diện tích gần 30.000 m2); dự án khu đất Thạnh Xuân, quận 12 - TPHCM, với diện tích hơn 10.000 m2. Ngoài ra, HBC cũng sẽ thu hồi đất để chuyển giao nhà đầu tư mới dự án khu nghỉ dưỡng Lăng Cô – Thừa Thiên - Huế. Đây là những dự án HBC có tỉ lệ vốn góp hơn 50%.
Cũng bán dự án vì sợ phải “cõng nợ”, Công ty CP Phát triển hạ tầng và BĐS Thái Bình Dương (PPI) đang tìm nhà đầu tư để hợp tác hoặc chuyển nhượng 2 dự án tại quận Thủ Đức. Đó là dự án khu phức hợp ven sông Sài Gòn Water Garden và dự án PPI Tower.
Cơ hội cho người muốn gom hàng
Tổng giám đốc một công ty BĐS cho biết thời điểm này là cơ hội để những ai có tiền muốn đầu tư vào BĐS gom hàng. Bởi sản phẩm rao bán ngày càng nhiều mà giá cả thì không còn “trên trời” như trước đây nên rất dễ thương lượng. Vị này cũng cho biết công ty đã mua lại 4 dự án BĐS với giá tốt. Những dự án này đều có lợi thế về địa điểm hoặc giá rất hấp dẫn.
Tại buổi gặp gỡ mới đây của các DN BĐS và ngành ngân hàng, nhiều DN cho biết hiện họ không kỳ vọng bán giá cao mà chỉ bán cắt lỗ và “chạy” lãi suất mà thôi.
Nợ nần chồng chất, chi phí lãi vay đè nặng là thực trạng phổ biến khiến không ít DN BĐS đành bán dự án với giá “bèo” để trả nợ. Theo báo cáo kiểm toán, đến cuối năm 2011, QCG có khoản nợ phải trả gần 3.000 tỉ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 1.240 tỉ đồng và nợ dài hạn là 1.720 tỉ đồng. Chính phần nợ này đã khiến chi phí lãi vay của công ty tăng lên 153 tỉ đồng trong năm qua, nhiều DN BĐS cũng đang là con nợ “khủng” của NH.
Tiền mặt là... vua
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS, Phó Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho biết hiện nay nhiều DN, trong đó có DN BĐS, phá sản do không có DN nào chịu nổi lãi suất trên 20%/năm. Nhiều ngân hàng lãi lớn và dường như ngân hàng đang muốn “thâu tóm” cả DN. Ông dẫn chứng: một DN đầu tư dự án ở quận Tân Phú với vốn 200 tỉ đồng, chủ đầu tư muốn bán giá 180 tỉ đồng nhưng ngân hàng trả giá chỉ 160 tỉ đồng. Chủ đầu tư không đồng ý, ngân hàng chấp nhận để đó chờ, và chắc chắn khi đến hạn phải trả nợ thì DN đành bán tháo. Vì vậy, theo ông Đực, tiền mặt đang trở thành “vua” và các ngân hàng đang có nhiều lợi thế. “Phải tự cứu mình bằng cách tạo ra sản phẩm giá thấp để đáp ứng nhu cầu của thị trường”- ông Đực nói.
|
(Theo NLĐ)