Kết thúc một năm đầy sóng gió, thị trường bất động sản (BĐS) bước sang năm 2012 với nhiều khó khăn, cùng những dự báo không mấy lạc quan. Câu hỏi bao giờ thị trường BĐS mới hết u ám, ảm đạm để phục hồi đang đặt ra vô vàn thách thức cho loại thị trường này.
Buồn lòng người bán
Nhìn lại những diễn biến trên thị trường BĐS trong năm 2011, người ta dễ dàng thấy 2 vấn đề được coi là mấu chốt sống còn cho loại thị trường này là vốn và giá. Hàng chục cuộc hội thảo, toạ đàm lớn nhỏ đã được tổ chức nhằm giải quyết 2 vấn đề trên nhưng hầu như không mang lại kết quả đáng kể. Thị trường BĐS vẫn tiếp tục suy giảm, ảm đạm đến những ngày cuối cùng của năm và cả những ngày đầu của năm 2012.
Xung quanh vấn đề này, TS. Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: Vấn đề của thị trường BĐS là giá. Chính vì giá quá cao nên các sản phẩm BĐS mới không bán được, thanh khoản giảm khiến vốn lưu thông trên thị trường cũng vì thế giảm. Bước sang năm 2012, các doanh nghiệp muốn tồn tại thì phải hạ giá BĐS thêm nữa vì dù có giảm giá tới 20 – 30% như những tháng cuối năm 2011 cũng vẫn chưa hợp lý. Trong khi đó, những dự báo cho nền kinh tế được cho là không mấy khả quan thì chắc chắn hy vọng “găm” hàng cho thời của nhiều doanh nghiệp sẽ bị phá sản.
“Ngoài ra, sức ép thanh khoản cùng áp lực từ các khoản vay tín dụng ngày càng tăng, đổ vỡ tín dụng BĐS sẽ còn tái diễn, đặc biệt là giới kinh doanh chuyên mua đi bán lại trên thị trường”, ông Liêm nhấn mạnh.
Cùng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đánh giá: Mặc dù năm 2011, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hôi song những khó khăn của nền kinh tế vẫn chưa hết. Bước sang năm 2012, Chính phủ cũng không đặt mục tiêu tăng trưởng và điều này chắc chắn sẽ có tác động ngay vào thị trường BĐS. Hiện nay, thị trường BĐS đang khó khăn thì sang năm 2012 vẫn tiếp tục khó khăn, ít nhất là trong 6 tháng đầu năm 2012.
Kỳ vọng cho người mua
Có thể nói những khó khăn mà thị trường BĐS đang phải đối mặt là thách thức không nhỏ với giới đầu tư, kinh doanh nhưng nó lại được xem là cơ hội mở ra nhiều kỳ vọng có lợi cho người có nhu cầu mua nhà.
Chia sẻ trước báo chí, chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển từng chia sẻ: “Tôi không ngạc nhiên nếu BĐS, đặc biệt căn hộ giảm giá trong thời gian tới. Nếu xét về khả năng chi trả và nhu cầu thực của người mua nhà thì giảm 50% mới là mức hợp lý”.
Đây cũng là quan điểm của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khi Bộ trưởng cho rằng: Giảm giá là tốt, người tiêu dùng sẽ có lợi. Bây giờ cung tăng, cầu giảm thì phải giảm giá để cân bằng. Làm thế nào để cả người sản xuất và người tiêu dùng cùng có lợi chính là mong muốn lớn nhất của cơ quan quản lý với thị trường BĐS.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng nhận định: Bước sang năm 2012, thị trường BĐS sẽ có nhiều hơn các loại hình nhà ở giá rẻ, bình dân để đáp ứng nhu cầu đang rất lớn trong xã hội. Và đây cũng chính là cơ hội thuận lợi để cho người mua có thể sở hữu các sản phẩm BĐS.
(Theo PetroTimes)