Từ đầu tháng 2, một số doanh nghiệp bất động sản đã bắt đầu cảm thấy lo lắng trước sự trầm lắng của thị trường, cho dù họ đã tập trung nhiều nỗ lực để hy vọng năm nay sẽ gỡ được phần nào thất bát của năm 2010.
Qua trò chuyện với một số doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), chúng tôi đều nhận thấy nơi họ một sự mệt mỏi không thể giấu được.
Cắt giảm 90% nhân viên
Thị trường BĐS vừa bị dội thêm gáo nước lạnh. Lãi suất cho vay BĐS cao và khó giảm khi Nhà nước chủ trương hạn chế tín dụng, vốn đầu tư giải ngân vào lĩnh vực này cũng chậm lại khiến cho ngành này khó tạo đột biến trong năm 2011. Chủ tịch hội đồng quản trị một công ty địa ốc ở quận 2 ngao ngán nói: “Cách đây gần hai năm, công ty tôi có hàng trăm nhân viên mà nhiều khi tiếp khách đến giao dịch vẫn không xuể. Nay nhà đất ế ẩm, công ty cắt giảm chỉ còn mười mấy nhân viên mà vẫn không có tiền trả lương. Hoạt động cầm chừng, không lẽ đóng cửa. Mỗi tháng lỗ mấy chục triệu đồng. Thôi đành lấy lời cũ bù vào thời điểm lỗ lã này”.
“Chủ đầu tư của những dự án đã triển khai thi công từ những năm 2008 – 2009, hiện đang phải đối mặt với những vấn đề rất đau đầu”, ông Dương Chí Thiện, phó tổng giám đốc Neoland cho biết. Bởi vì, trong giai đoạn này, họ đã phải gánh chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế, giá cả vật liệu leo thang qua từng giai đoạn nằm ngoài dự toán. Và nay khi tính lại thì phần lớn đều lỗ nhưng không thể không tiếp tục triển khai vì đã chốt hợp đồng với khách hàng. Đơn cử như trường hợp dự án chung cư Tân Kiên, quận Bình Chánh do công ty 584 làm chủ đầu tư. Mức giá bán ban đầu chủ đầu tư đưa ra là khoảng 8 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, trong thời gian hai năm triển khai dự án vừa qua đã gặp phải cơn “bão giá” về vật liệu xây dựng, và đến nay khi tính toán lại thì đơn giá xây dựng đã lên đến 10 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, dự án vẫn phải triển khai và bàn giao cho khách hàng nếu không sẽ bị phạt theo quy định của hợp đồng. Bên cạnh đó, ở những dự án bị trễ tiến độ, chủ đầu tư buộc phải thoả thuận với khách hàng rằng sẽ giãn tiến độ thanh toán, đổi lại khách hàng phải chấp nhận việc chủ đầu tư bàn giao nhà trễ trong một thời gian cụ thể, ông Thiện cho biết.
“Đó cũng là tình cảnh chung của nhiều dự án hiện nay. Tôi biết nhiều doanh nghiệp BĐS hiện rất khó khăn, có rất nhiều dự án đang “trùm mền”, khởi công cầm chừng do không có đầu ra. Ông Nguyễn Vĩnh Minh Thành, tổng giám đốc công ty cổ phần BĐS An Cư Lạc Nghiệp chia sẻ thêm. Kinh doanh cần nhất là vốn, giờ vốn bị thu hẹp, không huy động được thì cũng không khác gì người đi câu mà không có lưỡi câu. Những doanh nghiệp yếu tiềm lực tài chính sẽ âm thầm rút khỏi thị trường và thị trường cũng sẽ không còn thu hút thêm các doanh nghiệp mới không chuyên nữa, trừ những doanh nghiệp đã tham gia trước đây đến hẹn bắt buộc phải ra dự án hoặc tiếp tục sang nhượng dự án.
Cho thuê cũng ế
Trong khi đó, nguồn cung căn hộ cho thuê ngày càng lớn cũng đang khiến cho thị trường này không còn sôi động như trước. Đi tham quan một loạt căn hộ giá vừa phải trong các toà nhà Hưng Vượng 1 – 2 – 3, Sky Garden, Mỹ Khánh (Phú Mỹ Hưng), Hoàng Anh Gia Lai 1 – 2 – 3, một cò địa ốc cho biết tất cả nhà cho thuê, nhà bán đều giảm giá, tuy nhiên tại khu vực giá thấp sẵn rồi thì tỷ lệ giá xuống ít hơn. Một căn hộ hai phòng ngủ, diện tích khoảng 110m2 tại Sky Garden trước đây khách thuê phải trả 1.000 đến 1.100 USD/tháng, nay chỉ còn khoảng 600 đến 700 USD, thậm chí có nhiều chủ nhà chấp nhận giảm giá hơn nữa để có khách thuê.
Mức độ giảm giá của các loại căn hộ cũ còn nặng hơn. Chẳng hạn như các căn hộ ở The Manor mức giá cho thuê đã giảm 20 – 30% so với năm trước. Mặc dù vậy theo đánh giá chung thì năng suất thuê nhà vẫn không tăng là bao nhiêu. Cũng có không ít người vẫn kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế nên vẫn tiếp tục trang trí lại nội thất để cho thuê. Tuy nhiên, theo giám đốc một công ty địa ốc chuyên về BĐS cho thuê, nằm trong xu hướng chung, tình trạng thừa căn hộ cho thuê, chủ yếu là cho người nước ngoài thuê là có thật. Một số căn hộ đã giảm tới vài trăm USD nhưng vẫn khó có khách.
Còn ở phân khúc văn phòng cho thuê, theo thống kê của các công ty nghiên cứu thị trường thì giá thuê văn phòng trung bình ở TP.HCM đã giảm khoảng 40% trong vòng ba năm trở lại đây. Thị trường bắt đầu lao dốc mạnh từ quý 2/2008 đến quý 2/2009, trong giai đoạn này giá thuê văn phòng hạng A giảm rất mạnh từ hơn 70 USD/m2 xuống 40 USD/m2, trung bình giảm khoảng 30 USD/m2 tương ứng giảm khoảng 42,8%. Đến thời điểm hiện nay, mức giá thuê trung bình của văn phòng hạng A tại TP.HCM chỉ đạt khoảng 36 USD/m2 giảm một nửa so với ba năm trước.
Văn phòng cho thuê rất khó khăn do dư thừa nguồn cung. Theo thống kê của Colliers International lượng cung tồn kho của phân khúc này khoảng 80.000m2 sàn. Trong khi đó, nguồn cung mới lại tiếp tục tăng mạnh trong những năm tiếp theo, ước lượng từ 2011 – 2014 tổng nguồn cung tăng thêm tại TP.HCM khoảng 2,7 triệu m2 sàn. Theo nhận định của Colliers International, điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường trong những năm tới, và tiếp tục chịu áp lực giảm giá.
(Theo SGTT)