Gần đây, xu hướng giãn dân từ TP. HCM ra các địa phương giáp ranh như Đồng Nai, Bình Dương diễn ra khá mạnh mẽ.
Quy hoạch vùng đô thị cho xu thế giãn dân
Thống kê sơ bộ, hiện dân số TP. HCM ở ngưỡng 10 triệu dân, khiến cho Thành phố đứng trước áp lực quá tải, nhất là tình trạng giao thông trong các giờ cao điểm.
Để giải quyết thực trạng này, một đồ án quy hoạch vùng TP. HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 với tổng diện tích 30.404 km2 và bán kính ảnh hưởng từ 150 - 200 km đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, phạm vi lập quy hoạch vùng TP. HCM bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP. HCM và 7 tỉnh xung quanh gồm Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang.
Theo Đồ án quy hoạch vùng TP. HCM, đến năm 2050, vùng này sẽ có dân số khoảng 28 - 30 triệu người, trong đó dân số đô thị 25 - 27 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 90%, trong đó TP. HCM là đô thị hạt nhân, tại các tỉnh sẽ có các đô thị vệ tinh độc lập, đô thị vệ tinh phụ thuộc hoặc các đô thị vùng phụ cận.
Theo ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán, thực tế trong thời gian gần đây, xu hướng giãn dân từ TP. HCM ra các địa phương giáp ranh như Đồng Nai, Bình Dương đã diễn ra khá mạnh mẽ. Nhiều người làm việc ở TP. HCM đã quyết định về Bình Dương, Đồng Nai, nhất là những khu vực giáp ranh với TP. HCM để an cư. Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Tấc Đất Tấc Vàng, việc giãn dân từ TP. HCM sang các địa phương lân cận là xu hướng tất yếu. “Chênh lệch về giá bất động sản giữa TP. HCM và Bình Dương, Đồng Nai quá lớn.
Thêm vào đó, tình trạng kẹt xe, ngập nước ở TP. HCM là những nguyên nhân chính làm cho xu hướng giãn dân ngày càng phổ biến”, ông Tuấn nhận định và cho rằng, không chỉ những người làm việc ở TP. HCM tìm đến Bình Dương, Đồng Nai để an cư, mà gần đây còn có xu hướng nhiều người quyết định chọn Bình Dương và Đồng Nai để làm nơi lập nghiệp, nhất là đối với sinh viên mới ra trường. Vì xét cho cùng, Bình Dương và Đồng Nai đang có tốc độ phát triển và cơ hội không thua kém TP. HCM.
Đón đầu xu hướng
Nhận diện được xu hướng này, trong vài năm trởi lại đây, hàng loạt doanh nghiệp địa ốc ở TP. HCM đã “đổ” vốn vào các tỉnh lân cận TP. HCM để phát triển dự án bất động sản, đặc biệt là ở Đồng Nai và Bình Dương. Đã có những nghi ngại rằng, việc phát triển ồ ạt các dự án bất động sản thiếu đồng bộ dễ dẫn đến hình thành nhiều khu đô thị bỏ hoang. Song theo ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Tập đoàn Địa ốc Đất Xanh, dù phát triển mạnh thời gian qua, nhưng về cơ bản, thị trường bất động sản Đồng Nai và Bình Dương cũng mới chỉ trong giai đoạn đầu tư xây dựng. Bình Dương và Đồng Nai đang có sự tăng tốc cho đầu tư phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông mạnh mẽ.
Như Đồng Nai, năm 2013, khi tuyến đường cao tốc TP. HCM - Long thành - Dầu Giây chính thức đưa vào hoạt động, Đồng Nai chắc chắn sẽ có diện mạo khác. Ngoài ra, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông khác đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng như đường cao tốc nối TP. HCM - Bà Rịa - Vũng Tàu, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, Sân bay quốc tế Long Thành.... Khi hệ thống hạ tầng hoàn thiện, Đồng Nai sẽ thực sự hấp dẫn.
Cùng với Đồng Nai, Bình Dương cũng đã có chiến lược phát triển hạ tầng kết nối mạnh mẽ. Bình Dương đang trong giai đoạn tăng tốc xây dựng Thành phố mới Bình Dương, dự kiến sau khi hoàn tất xây dựng, Thành phố mới Bình Dương sẽ là nơi định cư của khoảng 125.000 người và có khoảng 400.000 người thường xuyên đến làm việc tại đây. Để thực hiện cho việc kết nối, năm 2012, Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp Becamex IDC sẽ xây dựng dự án đường trên cao Đại lộ Bình Dương hiện hữu.
Khi tuyến đường này được xây dựng, khoảng cách đi lại giữa Bình Dương và TP. HCM không còn là vấn đề. “Trong 3 hoặc 5 năm tới, khi hạ tầng giao thông phát triển, nhu cầu nhà ở của người Việt sẽ giống như ở các nước phát triển, thay vì ở những ngôi nhà chật chội, họ sẽ chấp nhận đi xa hơn để ở một ngôi nhà vườn, một căn biệt thự lên đến hàng ngàn mét vuông với không khí trong lành”, ông Thìn nhận định.
(Theo ĐTCK)