Việc một số chủ đầu tư gần đây giảm giá bán căn hộ khiến không ít doanh nghiệp cùng ngành lao đao. Lãnh đạo một doanh nghiệp đã lên tiếng phản đối chống phá giá căn hộ và kiến nghị có những chế tài về việc này.
Nghi ngờ về căn hộ 10 triệu đồng/m2
Căn hộ dự án Đại Thanh vừa giảm giá chỉ còn 10 triệu đồng/m2 đã gây xôn xao dư luận, còn các chủ đầu tư cũng "đứng ngồi không yên". Tại buổi gặp gỡ doanh nghiệp của Bộ Xây dựng, ông Đoàn Châu Phong, đại diện Vinaconex cho rằng, thị trường bất động sản gặp khó khăn, nhiều đơn vị không đủ kiên trì đã tìm mọi cách thoát khỏi cuộc chơi bằng cách phá giá thị trường bất động sản. Điều này khiến thị trường tiếp tục trầm lắng do tâm lý người mua rơi vào trạng thái chờ đợi. Người dân cho rằng, một đơn vị bán phá giá sẽ kéo 2-3 doanh nghiệp khác làm theo.
Theo ông Phong, ngay cả những dự án nhà thu nhập thấp cũng bị ảnh hưởng. Hiện nay, hầu hết các dự án đều gặp khó khăn do thiếu vốn; sau khi hạ giá, một số căn hộ còn bán giá thấp hơn cả nhà thu nhập thấp sẽ dẫn tới sự so sánh trong dân.
Ông Phong kiến nghị, Bộ Xây dựng phải đưa ra chính sách chống bán phá giá. Bộ cần kiểm soát chặt chẽ về giá thành, giá bán và lý do bán thấp như vậy để tránh ảnh hưởng tới các doanh nghiệp khác.
Đồng quan điểm, đại diện Vinaconex Xuân Mai, ông Đặng Hoàng Huy, chia sẻ, khi nhà ở xã hội còn đắt hơn nhà ở thương mại, người dân sẽ so sánh và chờ đợi mua nhà giá rẻ chứ không quan tâm tới nhà ở xã hội.
Không chỉ những dự án nhà ở xã hội mà ngay cả dự án căn hộ hạng trung và cao cấp cũng tỏ ra bất bình bởi thông tin bán phá giá căn hộ. Tại cuộc tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Dầu khí toàn cầu (GP - Invest), rất bức xúc trước thông tin mức giá căn hộ chỉ 10 triệu đồng/m2.
Ông Hiệp phân tích, trong bối cảnh hiện nay, một mét vuông xây dựng nhà cao tầng phải có giá thành 8-8,5 triệu đồng, nhà càng cao, chi phí càng tăng. Nếu hệ số sử dụng chỉ 80%, mức giá đã là 10 triệu đồng/m2. Cộng với giá đất và chi phí "bôi trơn" khác, chắc chắn mức giá phải trên 13 triệu đồng/m2 . "Bản thân tôi là người trực tiếp xây dựng các dự án cũng không thể hiểu nổi vì sao lại có mức giá 10 triệu đồng/m2 " - ông Hiệp cho hay.
Theo phân tích của ông Hiệp, có hai lý do khiến một dự án giảm giá thấp hơn hẳn mặt bằng chung của thị trường. Thứ nhất, áp lực tiền lãi từ ngân hàng. Thứ hai, phải "ăn bớt" chất lượng của dự án, như dùng thang máy và nguyên vật liệu giá rẻ... để giảm bớt giá thành.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phân phối DTJ Nguyễn Quốc Khánh cũng cho rằng, mức giá đó rất ảnh hưởng đến thị trường, khiến người tiêu dùng và khách hàng xem đây như là một đợt giảm giá, đại hạ giá, phá giá, giá sốc... mà thị trường đang mở đầu xu hướng. Ông Khánh nhận xét, khi dự án bất động sản bị chủ đầu tư tiết giảm chi phí quá độ thì chỉ có thể lợi về trước mắt, nhưng hại về lâu dài. "Nếu không đảm bảo chất lượng xây dựng cũng như vật liệu đủ bền cho 30-50 năm, mà chỉ một thời gian ngắn đã xuống cấp, hỏng hóc... thì rất lãng phí và có hại cho xã hội", ông Khánh nói.
Đại diện chủ đầu tư một dự án ở Hà Đông tỏ ra ngao ngán bởi dự án của ông nếu giảm đủ mọi cách cũng không thể về mức 10 triệu đồng/m2. Ông bày tỏ quan điểm, kiểu hạ giá "sốc" này sẽ càng làm cho người mua mất niềm tin vào thị trường bất động sản. Họ sẽ ngờ vực về giá trị của mỗi căn hộ khi bỏ qua các điều kiện khác như vị trí dự án, thiết kế căn hộ cũng như cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật của dự án.
Nhà có đảm bảo
Trong khi dư luận xôn xao, chủ đầu tư dự án Đại Thanh lại tỏ ra hết sức bình thản về việc bán hàng giá "sốc" của mình. Trả lời báo chí, ông Lê Thanh Thản - giám đốc Xí nghiệp xây dựng số 1 Lai Châu - cho biết, mức giá nêu trên là mức giá nội bộ, chỉ áp dụng cho các nhân viên làm việc trong công ty nhằm hỗ trợ về nhà ở. Tuy nhiên, nhiều nhân viên có suất mua ưu đãi nhưng không có nhu cầu ở đã bán ra ngoài để thu về một khoản chênh lệch nhất định. Do đó xí nghiệp đã ra quy định khống chế nhân viên, nếu bán lại căn hộ thì giá bán chỉ từ 10,5 đến gần 11 triệu đồng/m2.
Giải đáp thắc mắc về chất lượng công trình và lợi nhuận của doanh nghiệp, ông Thản khẳng định dù dự án không được ưu đãi, giá bán thấp nhưng chất lượng công trình đảm bảo và doanh nghiệp hoàn toàn có lãi.
"Sở dĩ giá bán thấp vì chúng tôi biết cắt giảm tối đa nhân viên, phí quản lý (thông thường chiếm tới 30% tổng mức đầu tư), lược giản hóa về ban quản lý, khu lán trại, quản lý sản phẩm tại dự án chặt chẽ... "- ông Thản lý giải.
Ông Thản dẫn chứng, tại Nghệ An, xí nghiệp ông đầu tư xây dựng dự án chung cư 13 tầng (150 căn hộ) với giá bán chỉ 5,5 triệu đồng/m2, nhưng vẫn có lãi. "Với nhiều ưu đãi của Nhà nước về mặt bằng, tài chính, thuế... nếu được chấp thuận cho xây dựng nhà ở xã hội, chúng tôi sẵn sàng bán giá thấp hơn giá hiện nay" - ông Thản khẳng định.
Mặc dù có những nghi ngại về căn hộ 10 triệu đồng/m2 nhưng thị trường vẫn đón nhận qua số lượng căn hộ chào bán đều được đông đảo người mua. Nhiều chuyên gia nhận định, mức giá này phù hợp với đông đảo người có nhu cầu mua nhà thu nhập thấp và cần được nhân rộng ra nếu dự án thành công. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cũng cần có những giám sát chặt chẽ về thiết kế thi công cũng như tiến độ dự án, đảm bảo quyền lợi người mua nhà.
Trước những ý kiến của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho hay, thành phố đang kiểm tra những dự án bán phá thấp về giá cả cũng như tiền sử dụng đất. Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng sẽ yêu cầu Cục Giám định nhà nước và quản lý chất lượng công trình kiểm tra dự án này.
(Theo VEF)