SearchNews

Bất động sản VN còn hấp dẫn với nhà đầu tư Hàn?

16/07/2012 08:52

Thời gian qua, việc một loạt nhà đầu tư bất động sản (BĐS) Hàn Quốc như GS, Daewon... chuyển nhượng dự án đã đặt ra dấu hỏi: Liệu đây có phải là động thái rút dần các khoản đầu tư tại Việt Nam?

Nhà đầu tư ngoại lạc quan vào thị trường bất động sản Việt Nam

BĐS vốn ngoại: Dự án bỏ hoang, chủ đầu tư mất dạng

M&A lĩnh vực BĐS: Nghiêng về doanh nghiệp nội

Đại gia Việt vung tiền mua khách sạn, resort ngoại

Nhà đầu tư ngoại lạc quan với triển vọng dài hạn

Tiềm năng xưa

Từ năm 2000, các nhà đầu tư (NĐT) Hàn Quốc đặt chiến lược mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Bên cạnh hai thị trường trọng điểm là Trung Quốc và Mỹ thì các thị trường mới nổi như: Brazil, Việt Nam, Indonesia luôn nằm trong nhóm 10 thị trường thu hút NĐT Hàn Quốc. Đỉnh điểm của làn sóng này tại Việt Nam kéo dài đến năm 2008.

Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Korea Eximbank), năm 2008, Việt Nam đứng vị trí thứ 4 (sau Mỹ, Trung Quốc và Hồng Kông) trong số 10 thị trường hấp dẫn NĐT Hàn Quốc, với giá trị đầu tư trên 1,3 tỷ USD, dẫn đầu thị trường khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, một năm sau đó, Việt Nam xuống vị trí thứ 7, với vốn đăng ký của DN Hàn Quốc đạt 590 triệu USD và con số này năm 2010 đạt 832 triệu USD. Dù xét về giá trị vốn tăng nhưng Việt Nam lại đứng vị trí thứ 9 về mức độ thu hút, sau thị trường Malaysia và Indonesia. Nếu chỉ tính riêng mảng BĐS, đến thời điểm quý I/2012, Campuchia chia sẻ đáng kể sự quan tâm của NĐT Hàn Quốc.

Cũng theo ngân hàng này, những lĩnh vực DN Hàn Quốc đầu tư mạnh nhất tại Việt Nam trong thời gian qua là: thị trường chứng khoán, bán lẻ, nhà ở và đặc biệt là lĩnh vực xây dựng (tính đến năm 2008, 70 DN xây dựng Hàn Quốc đã đảm trách đến 120 dự án lớn nhỏ tại thị trường Việt Nam), với nhiều tên tuổi lớn như: Posco E&C, Kumho E&C, GS E&C, Byucksan... Nhiều nhà thầu trong số này còn sở hữu không ít dự án tại thị trường Việt Nam, cụ thể là GS E&C, Kumho và Byucksan.

Tuy nhiên, có một điểm chung giữa các NĐT Hàn Quốc là các dự án họ theo đuổi đều có quy mô lớn nhưng lại phát triển trong thời điểm thị trường BĐS Việt Nam trầm lắng. Điều gì đã xảy ra với họ? Ông Cao Thanh Hoàng, Giám đốc Điều hành Công ty Quản lý Quỹ KHM (đại diện cho 1 số NĐT Hàn Quốc) cho biết, năm 2009, nhiều NĐT Hàn Quốc đã rút khỏi thị trường Việt Nam, trái ngược với cảnh nhộn nhịp năm 2007.

Tình cảnh nay

Liên tiếp trong 3 năm, một số DN lớn đã chuyển nhượng lại dự án cho đối tác khác. Chẳng hạn, trường hợp của Tập đoàn Xây dựng Byucksan, sở hữu nhiều dự án tại thị trường Việt Nam như: căn hộ cao cấp Blooming Park (nay là Imperia An Phú), quận 2, TP.HCM; Byucksan Đà Nẵng...

Tuy nhiên, năm 2010, Byucksan đã chuyển nhượng lại cổ phần tại dự án Blooming Park cho Prudential để tập trung chủ yếu vào ngành nghề cốt lõi là xây dựng và hiện, theo nguồn tin riêng của Báo Doanh Nhân Sài Gòn, Byucksan đang tiến hành giai đoạn cuối của thương vụ chuyển nhượng một dự án khác gần dự án The Vista (quận 2) cho đối tác nước ngoài vừa bước vào thị trường Việt Nam đầu năm nay.

Trong khi đó, với Daewon Cantavil Co., Ltd, một trong số những NĐT Hàn Quốc tiên phong đến thị trường Việt Nam, cũng cho hay, hiện công ty này đã chuyển nhượng phần vốn góp tại dự án Tây Hồ Tây, Hà Nội. Theo ông Park Hee Hong, Giám đốc Phát triển kinh doanh của Daewon Cantavil Co., Ltd, việc đầu tư và kinh doanh tại thị trường Việt Nam bắt đầu khó khăn từ năm 2009 - 2010, Công ty sẽ cố gắng huy động các nguồn vốn (có sự hỗ trợ từ Tập đoàn Daewon, Hàn Quốc và phía ngân hàng) để triển khai các dự án khác ở Việt Nam. Điều này, đồng nghĩa với việc Daewon không phát triển thêm dự án mới trong tương lai gần.

Cũng theo ông Park Hee Hong, đến thời điểm này, Daewon đã giải ngân trên 400 triệu USD cho các khoản đầu tư tại thị trường Việt Nam, đồng thời hoàn tất 88.000m2 trên tổng số gần 5 triệu m2 sàn xây dựng ở Việt Nam (đang xây dựng thêm 94.000m2 dự án khu phức hợp Cantavil An Phú, giai đoạn 2, quận 2, TP.HCM).

Tính đến nay, đã có 145/200 căn hộ tại dự án Cantavil An Phú (giai đoạn 2) được bán ra thị trường. Đồng thời, Daewon cũng đã ký kết cho Parkson thuê 5 tầng thương mại, riêng tầng 7 cũng đã được Lotte Cinema ký thuê.

Đại diện của Daewon cũng cho hay, với hai dự án tại Đà Nẵng, công ty này đã chuyển nhượng dự án Cantavil Đà Nẵng cho một đối tác khác, nhằm tập trung tiềm lực cho dự án Khu đô thị lấn biển Đa Phước (210ha). Tuy nhiên, chi tiết của thương vụ này không được tiết lộ vì hợp đồng chuyển nhượng vẫn chưa hoàn tất. Với dự án Đa Phước, hiện Daewon đã hoàn tất hạ tầng (lấn biển) cho 24ha và đã giao lại cho TP.Đà Nẵng xây dựng công viên và trung tâm văn hóa.

Trong khi đó, một NĐT khác là GS E&C, dù sở hữu đến 5 dự án lớn tại TP.HCM, nhưng vẫn đang tiếp tục bán sản phẩm từ dự án Xi Riverview Palace (P.Thảo Điền, quận 2; đây cũng là dự án căn hộ đầu tiên của mà GS phát triển ở Việt Nam). Trước đó, GS cũng đã chuyển nhượng 2 dự án (Sân golf Củ Chi và khu phức hợp Xi Grand Court, quận 10, TP.HCM cho hai đối tác trong nước).

Được biết, số vốn huy động từ các vụ chuyển nhượng này sẽ dành để xây dựng tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Ngoài ra, GS cũng đang triển khai dự án GS Metro City (Phước Kiểng - Nhà Bè). Tuy nhiên, hiện tại Sở Tài chính TP.HCM vẫn chưa ấn định tiền sử dụng đất mà NĐT phải đóng đối với dự án này.

Nói về sức hấp dẫn của thị trường BĐS Việt Nam đối với NĐT Hàn Quốc, ông Park Hee Hong, cho rằng, thị trường luôn có tiềm năng. Tuy nhiên, một số NĐT Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam đang bị tác động nghiêm trọng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 kéo dài đến nay.

Trong khi đó, ông Cao Thanh Hoàng thì nhận xét, quý I/2012, một số NĐT mới từ Hàn Quốc đã tham gia vào thị trường Việt Nam nhưng qua nghiên cứu, họ vẫn giữ tâm trạng thận trọng và chờ đợi những dấu hiệu bền vững hơn từ kinh tế vĩ mô trong nước.


Ông Marc Townsend - Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam: Các nhà đầu tư vẫn sẽ tiếp tục


*Nhiều nhà phát triển từ Hàn Quốc, Singapore và Malaysia đã mang đến Việt Nam những phong cách thiết kế mới, sáng tạo và chất lượng sản phẩm tốt hơn cho các dự án nhà cao tầng trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam.

Họ đã phải trải qua các thời điểm khó khăn nhất của thị trường, bắt đầu từ năm 2008, kéo dài đến hiện nay. Một vài nhà dự án đã có sự can thiệp về giá để thúc đẩy tính thanh khoản. Từ đó, nhiều người cho rằng, tình trạng này sẽ lại xuất hiện và đặt câu hỏi, liệu các nhà đầu tư sẽ không tiếp tục?

- Tôi không nghĩ vậy. Nhiều công ty của Singapore là đối tác quan trọng của Việt Nam, ngay từ khi kinh tế bắt đầu mở cửa như VSIP và gần đây là CapitaLand, Mapletree.

Những khoản đầu tư tại Việt Nam chỉ là một phần trong chiến lược đầu tư ra nước ngoài của họ (tại khu vực châu Á là: Trung Quốc, Philippines, Thái Lan). Trong khi đó, các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc như: GS E&C, Lotte và các nhà thầu như Huyndai, Kumho, Posco luôn tìm thấy những tiềm năng ở thị trường mới như Việt Nam. Trong khi, nhóm NĐT Đài Loan chỉ chiếm một lượng nhỏ và đang phát triển 4 - 5 dự án BĐS tại TP.HCM.

Theo quan điểm của tôi, cả Malaysia, Singapore đều là NĐT lâu dài, mặc dù tình hình hiện tại không được tốt. Khi xét về điều này, chúng ta cần phải nhìn vào “hậu trường” của từng NĐT. Chẳng hạn như CapitaLand hay Mapletree, họ là những công ty đại chúng nhưng đều có sự hậu thuẫn tốt từ Chính phủ Singapore, vì họ được sở hữu bởi Tập đoàn Temasak. Họ đến Việt Nam và xuất khẩu cái gọi là ý tưởng và công nghệ của Singapore. Trong khi các công ty Hàn Quốc thường là các công ty tư nhân đã niêm yết. Có hàng trăm công ty tư nhân được thành lập như thế.

Vấn đề đặt ra là khả năng lợi nhuận hóa các khoản đầu tư. Vì vậy, khi thấy thị trường đang trong giai đoạn khó khăn, họ sẽ thu về hay co cụm lại; hoặc khi thấy thị trường khởi sắc, họ lại tiếp tục. Hơn nữa, theo quan điểm của tôi, những dự án được Hàn Quốc đầu tư, họ thường sử dụng các nhà thầu, các chuyên gia, thiết kế, nguyên vật liệu Hàn Quốc.

Trong khi, nếu Singapore đầu tư, họ sẽ sử dụng những cái gì có sẵn tốt nhất, không quan trọng đến từ Trung Quốc hay Nhật Bản. Đó là điểm rất khác của các công ty Hàn so với Singapore. Công ty Malaysia cũng đang đầu tư vào các khu đô thị tại Việt Nam.

Song, đầu tư vào đô thị đòi hỏi thời gian dài với nhiều hạng mục, từ văn phòng, khu phức hợp nhà ở, trung tâm thương mại đến trường học,… nên họ phải có một tầm nhìn dài hạn. Họ phải tiếp tục quá trình đầu tư, xây dựng thương hiệu và tích lũy kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam.

(Theo DNSG)


Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu