Trong khi thị trường BĐS trong nước loay hoay tìm hướng đi cho các phân khúc nhà chung cư, căn hộ cao cấp, nhà giá thấp… thì một nhóm nhà đầu tư BĐS nghỉ dưỡng đã và đang tìm hướng đi mới, đưa sản phẩm của mình ra nước ngoài khi những khách hàng trong nước không còn mặn mà và rủng rỉnh tiền như trước.
Tiếp thị BĐS nghỉ dưỡng ra nướcngoài
Bản chất BĐS nghỉ dưỡng là nhằm phục vụ cho nhu cầu nghỉ dưỡng và du lịch. Bên cạnh khách du lịch nội địa, lượng khách quốc tế cũng là đối tượng tiềm năng của loại hình này. Tuy nhiên, trong những năm qua, nhiều nhà đầu tư chỉ tập trung khai thác thị trường BĐS nghỉ dưỡng hướng đến khách hàng trong nước và dường như quên đi đối tượng khách nước ngoài
Cho đến khi bong bóng BĐS bị “xì hơi”, khách hàng nội địa không còn mặn mà và chịu chi như trước nữa thì giải pháp hợp lý nhất là mang các sản phẩm BĐS, đặc biệt là BĐS nghỉ dưỡng ra nước ngoài tiếp thị, nơi có nhu cầu và tiềm lực lớn. Một số chủ đầu tư đã bắt đầu mở rộng sang các đối tượng Việt kiều và người nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam cũng như khách quốc tế. Ví dụ, trong tháng 9 vừa qua, khu căn hộ nghỉ dưỡng thuộc khu phức hợp Laguna Lăng Cô (Huế) đang trong quá trình xây dựng được Tập đoàn Integrated Resorts Banyan Tree Worldwide của Singapore chào bán 40 trong số 197 căn hộ nghỉ dưỡng của khu Angsana Properties Lăng Cô nhằm thu hút nhóm khách hàng tiềm năng từ châu Âu và Hồng Kông. Nhiều nhà đầu tư lại chọn giải pháp chủ động tham gia các hội chợ BĐS tại nước ngoài để tiếp thị, quảng bá dự án.
Ông Guy Major - Giám đốc Kinh doanh Toàn quốc của Cty Tư vấn BĐS Savills Việt Nam cho biết, Savills thường quảng bá những dự án mà Cty độc quyền phân phối và tiếp thị thông qua mạng lưới của Savills trên toàn thế giới. Trong các cuộc hội thảo và chuyến công tác ở những nước như Singapore, Anh, Ba Lan… Cty đã tổ chức triển lãm nhằm giới thiệu và quảng bá các dự án nhà ở cũng như BĐS nghỉ dưỡng tiêu biểu của Việt Nam đến nhà đầu tư quốc tế.
Theo nghiên cứu của CBRE Việt Nam, số người nước ngoài và Việt kiều mua dự án nghỉ dưỡng tại Việt Nam chỉ chưa đầy 15% (trong đó, Việt kiều chiếm 10%). Nhưng tỷ lệ này sẽ tăng lên khi các chủ đầu tư ngày càng săn đón nhóm khách nước ngoài (ở Thái Lan, tỷ lệ người nước ngoài mua BĐS nghỉ dưỡng lên đến 82%).
Chiến lược thu hút khách ngoại
Có thể thấy, hầu hết các dự án nghỉ dưỡng nhắm đến người nước ngoài và Việt kiều thường chọn những hình ảnh đại diện mà cả thế giới đều biết đến. Như dự án BĐS cao cấp Norman Estates tại Đà Nẵng Beach Resort tiếp thị hình ảnh thương hiệu trên thị trường quốc tế gắn liền với tên tuổi của tay golf huyền thoại Greg Norman; Dự án Laguna Lăng Cô cũng được đánh bóng bằng hạng mục sân golf 18 lỗ do Nick Faldo thiết kế. Chính nhờ những chiến dịch quảng bá mang tính toàn cầu trên, bước đầu các dự án BĐS nghỉ dưỡng tại các TP biển du lịch nổi tiếng như Nha Trang, Đà Nẵng, Phan Thiết… đã thu hút được nhiều sự quan tâm của khách nước ngoài hơn so với trước đây.
Theo Savills Việt Nam, mặc dù, việc quảng bá ra nước ngoài đã thu hút được nhiều khách ngoại hơn nhưng đến thời điểm này, khách hàng trong nước vẫn là đối tượng chính của BĐS nghỉ dưỡng. Lý do được đưa ra chính là các chính sách chưa thực sự hỗ trợ cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam và thủ tục còn phức tạp (theo Khoản 2, Điều 65, Nghị định 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ, người nước ngoài có thể dễ dàng mua BĐS tại Việt Nam kể cả các dự án nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, thời hạn sở hữu chỉ 50 năm, trong khi ở Thái Lan hay Indonesia lên đến 70 hay 80 năm; nhiều dự án chưa cung cấp đầy đủ thông tin để khách hàng tham khảo về tiến độ xây dựng, chất lượng, giá bán, thủ tục hợp đồng...). Những khách hàng nước ngoài vốn đã quen với việc sở hữu nhà có thời hạn. Điều họ quan ngại nhất chính là tính minh bạch của dự án và uy tín, thương hiệu của chủ đầu tư. Và để tìm hướng giải quyết, nhiều nhà đầu tư đã liên kết với các tổ chức liên quan đến người Việt Nam tại nước ngoài, văn phòng luật sư… tổ chức biên soạn tài liệu hướng dẫn khách ngoại hiểu rõ hơn những quy định khi muốn sở hữu BĐS Việt Nam.
(Theo Báo Xây dựng)