Sau khi đã "ăn đủ" nhờ thổi giá đất nền tại dự án Vân Canh của HUD, hàng loạt dự án đô thị khác đang trong tầm ngắm của các nhà đầu cơ, nhằm tạo một cơn sốt đất mới nhằm lướt sóng, kiếm lời!
Nhiều chuyên gia BĐS cho rằng, thị trường BĐS lâu nay vẫn do đội ngũ thiểu số các nhà đầu cơ chi phối, chứ không phải số nhiều những người có nhu cầu mua nhà để ở quyết định. Vì vậy, sau cơn sốt đất dự án Vân Canh, giới đầu cơ sẽ lại chuyển sang một dự án khác để liên kết thổi giá. Vậy sắp tới đây, những dự án nào và khu vực nào có khả năng sẽ được giới đầu cơ BĐS tập trung thổi giá, tạo sốt giả để nhảy vào "lướt sóng" kiếm lời?
Những dự án BĐS có khả năng sốt... rất cao
Bị ảnh hưởng bởi chính sách thắt chặt tín dụng, thị trường BĐS Hà Nội rơi vào trầm lắng và liên tục đi xuống trong vài tháng trở lại đây. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, thị trường nhà đất gặp khó đã 2 năm nay và theo nhiều chuyên gia, chưa thấy dấu hiệu thị trường sẽ hồi phục.
Sau rất nhiều lần Bộ Xây dựng “kêu cứu” cho BĐS, Chính phủ vẫn phát đi tín hiệu sẽ tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát, ổn kịnh kinh tế vĩ mô. Vì vậy, thị trường BĐS trong những tháng tiếp theo rất khó có đột biến theo chiều hướng tích cực.
Thế nhưng, dù thị trường đang rất khó khăn, nhà đầu cơ BĐS vẫn có khả năng tạo ra cơn sốt BĐS tại Bắc An Khánh hay đặc biệt là dự án Vân Canh như vẫn đang diễn ra.
Ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó tổng giảm đốc công ty CP Sông Đà Thăng Long cho rằng: trong điều kiện thị trường đang gặp khó, việc tạo ra một cơn sốt đất tại một dự án nào đó có vẻ còn… dễ dàng hơn cả khi thị trường đang trong điều kiện bình thường.
Bởi, thị trường trầm lắng, đội ngũ môi giới gần như không có việc làm. Vì thế, nếu có điều kiện làm cho thị trường một khu vực nào đó sôi động và có giao dịch, đội ngũ môi giới và mạng lưới của mình sẽ tham gia rất nhiệt tình và hoạt động có… tổ chức đến không thể tin nổi.
Cụ thể, khi thanh khoản trên thị trường tốt, việc bán sản phẩm đôi khi chỉ thông qua một nhà môi giới và sự cạnh tranh giữa các nhà môi giới rất quyết liệt. Nhưng trong điều kiện thị trường thanh khoản cực kém như hiện nay, để bán được 1 sản phẩm cần phải thông qua rất nhiều “cầu” trung gian. Vì thế, mạng lưới các nhà môi giới hiện liên kết với nhau rất chặt chẽ.
Và, vì phải thông qua nhiều khâu trung gian nên thù lao của mỗi giao dịch thành công, thay vì nhận được hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng như trước kia, nhà môi giới nay có khi chỉ nhận được 1-2 triệu đồng. Song, trong điều kiện thị trường khó khăn thì mức thù lao ấy cũng khiến cho các nhà môi giới hài lòng và tích cực tham gia bán hàng, mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu cơ.
Sau một thời gian thị trường trầm lắng và xuống giá, BĐS một số dự án và khu vực như: Đông Anh, Gia Lâm, dự án Thanh Hà của Cienco5 Land, dự án Dương Nội của Nam Cường, dự án Nam An Khánh của Sudico hay một số dự án tại Mê Linh… hiện có mức giá tương đối hấp dẫn và rất có thể đang trong tầm ngắm của nhà đầu cơ. Thế nhưng theo ông Việt, việc dự án nào cụ thể sẽ được các nhà đầu cơ tập trung thổi giá thì không ai có thể chắc chắn và đoán trước được. Bởi, việc làm giá một dự án nào đó đôi khi ập đến một cách hết sức ngẫu nhiên của một nhóm đầu cơ nào đó.
Sốt đất thực sự sẽ có, nhưng phải chờ… rất lâu!
Sau một thời gian thị trường trầm lắng và xuống giá, những người có tiền mua nhà trong thời điểm này mới cảm nhận được quyền của những “thượng đế”.
Thế nhưng, thị trường BĐS Việt Nam chứa đựng nhiều nghịch lý, mà nghịch lý lớn nhất là việc điều tiết thị trường BĐS không phải do quy luật cung cầu của thị trường, mà lại do một số ít những nhà đầu cơ và nhà phát triển BĐS lũng đoạn.
Bởi thực tế, số đông những người có nhu cầu về nhà ở không thể điều tiết được thị trường, mà quyền điều tiết, điều khiển thị trường lại do một phần rất nhỏ những nhà đầu cơ đang nắm đa số sản phẩm BĐS trên thị trường.
Chính vì thị trường chỉ thuộc về những nhà đầu cơ nên những cơn sốt đất vô lý ở đâu đó vẫn cứ xảy ra. Và, sau mỗi lần sốt đất, một mặt bằng giá mới lại hình thành và ước mơ có được nơi ở của những người có nhu cầu về nhà ở thực sự càng trở nên xa vời.
Ông Phạm Thanh Hưng, phó tổng giám đốc CenGroup cho rằng: nghịch lý của thị trường BĐS nước ta hiện nay là: Phần lớn sản phẩm trên thị trường lại thuộc về số ít nhà đầu cơ, trong khi số đông người có nhu cầu về nơi ở chỉ có rất ít tiền nên không có nhiều lựa chọn, cũng không thể tham gia điều tiết thị trường.
Theo ông Hưng, trong điều kiện lãi suất rất cao hiện nay (khoảng 17-19%), đặc biệt khi nền kinh tế vĩ mô đang gặp nhiều khó khăn và thiếu ổn định, nếu được quyền vay tiền mua nhà, người có nhu cầu chỗ ở cũng không dám vay để mua nên số đông người có nhu cầu vẫn đứng ngoài cuộc, không có khả năng tham gia điều tiết thị trường.
Ông Đặng Văn Quang, giám đốc Công ty tư vấn BĐS Navigat cũng cho rằng: trong điều kiện nền kinh tế vĩ mô có nhiều khó khăn và tiền tệ tiếp tục bị thắt chặt, việc thị trường BĐS có giảm đến đáy thì cũng không có nhiều người, nhất là những người làm công ăn lương có đủ tiền để “bắt đáy” thị trường.
Theo ông Quang, thị trường BĐS nước ta hiện nay đang rất khó khăn và như một cơ thể suy dinh dưỡng đã đến giai đoạn "ngồi bệt" vì bị siết tín dụng quá lâu, nên không thể có một cơn sốt đất thực sự có thể xẩy ra ở đâu đó.
Để thị trường BĐS ấm trở lại, theo ông Quang, BĐS cần một cú hích toàn diện: ấy là chúng ta vẫn phải ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt phải quay lại phát triển sản xuất và tạo thêm nhiều công ăn việc làm mới.
Một khi kinh tế ổn định, có nhiều công ăn việc làm, người lao động có thu nhập ổn định, có quá trình tích lũy tài sản, thì những người có nhu cầu về nhà ở mới sẵn sàng cho những khoản đầu tư dài hạn, trong đó có việc vay tiền mua sắm nhà cửa. Khi ấy, BĐS mới lại sôi động, thanh khoản thị trường mới lại xuất hiện và những cơn sốt nhà đất thật sự khi ấy mới lại xẩy ra!
(Theo PNtoday)