SearchNews

Bỏ trống thị trường căn hộ diện tích nhỏ

12/05/2010 10:51

Cuộc tranh cãi về việc có nên cho xây dựng căn hộ siêu nhỏ 20m2 vẫn chưa có hồi kết. Nhưng nhiều chuyên gia khẳng định nhu cầu về căn hộ nhỏ là rất lớn trong khi các doanh nghiệp ít quan tâm đến thị trường này.

Cuộc tranh cãi về việc có nên cho xây dựng căn hộ siêu nhỏ 20m2 vẫn chưa có hồi kết. Nhưng nhiều chuyên gia khẳng định nhu cầu về căn hộ nhỏ là rất lớn trong khi các doanh nghiệp ít quan tâm đến thị trường này.

Ông Hoàng Anh Tuấn, giám đốc công ty Tấc Đất Tấc Vàng đánh giá, thị trường căn hộ nhỏ có tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp địa ốc chưa đầu tư vào thị trường này là do luật Nhà ở quy định một căn hộ nhà ở thương mại bắt buộc phải có diện tích trên 45m2 và nhà ở xã hội tối thiểu cũng phải trên 30m2. Ngoài ra, thủ tục pháp lý đối với các dự án này quá nhiêu khê. Ông Tuấn nói: “Thời gian làm thủ tục pháp lý để được cấp phép đầu tư là quá dài. Do vậy, không mấy doanh nghiệp có thể chờ đợi được hoặc trong thời gian chờ đợi ấy họ có thể làm được nhiều việc khác tốt hơn”.

Ảnh chỉ mang tính minh họa

Theo ông Lương Trí Thìn, tổng giám đốc công ty địa ốc Đất Xanh, hiện nhiều công ty địa ốc muốn được xây dựng các chung cư có căn hộ diện tích từ 35 – 40m2. Bởi nếu tính trung bình 1m2 giá khoảng 12 – 15 triệu đồng, thì một căn hộ 40m2, giá chỉ khoảng 500 triệu đồng, hợp với phần đông nhu cầu người dân. Song, theo ông Thìn, gần như các dự án không thể làm được điều này vì vướng “trần” dân số. TP.HCM quy định, một căn hộ tối đa phải đáp ứng được chỗ ở cho 3,5 người. Như vậy, không thể xây dựng một căn hộ diện tích nhỏ mà phải là loại lớn.

Lấy ví dụ một dự án ở quận Bình Thạnh, với khu đất rộng 5.000m2, mật độ xây dựng là 50%, như vậy chủ đầu tư chỉ được xây dựng trên diện tích 2.500m2 đất. Nếu nhân số này với 20 tầng, thì diện tích sàn xây dựng sẽ là 50.000m2. Song trong số này, chủ đầu tư chỉ được kinh doanh 80%, tức là khoảng 40.000m2 sàn. Nếu dân số tại quận này quy định là 1.500 dân thì chủ đầu tư chỉ xây dựng được tối đa 428 căn hộ (1.500 chia 3,5). Với mức quy định 3,5 người/căn hộ, thì một căn hộ nhỏ nhất chủ đầu tư được xây dựng sẽ là 93m2 (40.000m2 sàn chia 428 căn hộ).

Ngoài khó khăn trên, làm căn hộ nhỏ thì chi phí xây dựng cũng theo đó tăng lên. “Khi chia nhỏ để làm căn hộ thì tường, cửa, toilet… cũng tăng lên, từ đó chi phí tăng theo. Có điều đó không phải là trở ngại lớn”, ông Thìn nói. Cũng theo ông Thìn, trong thời gian qua có nhiều doanh nghiệp “chết” do thiết kế căn hộ từ 150 – 200m2. Nếu tính bình quân 15 triệu đồng/m2 thì căn hộ lên đến 3 tỉ đồng. Như vậy là quá cao so với khả năng người dân.

Một số ý kiến khác cũng nhận định diện tích nhỏ kéo theo giá thành không quá cao nên thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng có thu nhập không cao. Trong khi lượng căn hộ bình dân vẫn còn thiếu hụt trầm trọng. Trước thực tế là, dù quy định hiện hành không thừa nhận căn hộ dưới 45m2, nhưng trên thực tế, loại căn hộ chung cư diện tích nhỏ đã tồn tại từ nhiều năm qua. Bằng chứng là nhiều người cùng góp tiền mua căn hộ chung cư, khi nhận nhà họ tự ý chia đôi hoặc chia đều diện tích để sử dụng.

Một doanh nghiệp khác tỏ ra thận trọng hơn khi cho rằng, không phải cứ xây căn hộ có diện tích nhỏ để bán với giá tiền thấp sẽ là giải pháp tạo cơ hội sở hữu nhà ở cho đối tượng công chức, viên chức, người thu nhập thấp và trung bình trong xã hội. Điều quan trọng là có những chính sách kéo giá đất xuống thấp đúng với giá trị thực của nó.

(Theo SGTT)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu