Trong bối cảnh các nguồn tín dụng ngân hàng cho lĩnh vực bất động sản bị siết chặt, nhiều ý kiến cho rằng, các quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REIT) là kênh huy động vốn hiệu quả cho lĩnh vực này.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng phòng Đầu tư Quỹ DynaCapital, Việt Nam vẫn chưa có một khung pháp lý cần thiết cho hoạt động của các quỹ này.
Theo ông, lợi ích lớn nhất về hình thức đầu tư của REIT là gì?
REIT là một mô hình đầu tư tổng hợp, nhằm mục đích mang lại nguồn thu nhập thường xuyên, ổn định cho nhà đầu tư, thông qua các khoản đầu tư tập trung vào các loại bất động sản tạo ra thu nhập, chẳng hạn như siêu thị tổng hợp, căn hộ và văn phòng cho thuê, khách sạn…
Đặc điểm nổi bật của REIT là tập trung đầu tư vào những tài sản bất động sản đã hình thành và đi vào hoạt động, có nguồn thu ổn định (khác với loại quỹ đầu tư bất động sản chuyên triển khai dự án, mua bán dự án).
Vì tính ổn định này, REIT phù hợp cho các nhà đầu tư lâu dài.
REIT giúp nhà đầu tư nhỏ lẻ có cơ hội đầu tư vào bất động sản với nguồn thu nhập ổn định. Có thể đây là sự chọn lựa được xem tương tự như trái phiếu, thay thế các khoản đầu tư rủi ro khác như cổ phiếu, vàng, ngoại tệ.
Mô hình này phù hợp với các loại dự án nào?
Mô hình REIT thích hợp đối với các dự án nhà ở xã hội, công trình hạ tầng, công trình công cộng…
Đến thời điểm này, tại Việt Nam vẫn chưa tồn tại REIT. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?
Khái niệm quỹ tín thác chưa tồn tại trong hệ thống luật pháp của Việt Nam. Tuy nhiên, với sự gia tăng của nhu cầu về vốn đầu tư để bổ sung cho các khoản tín dụng từ ngân hàng thương mại cho phát triển bất động sản, thì khái niệm này đã và được nêu ra trong một đề xuất của Bộ Xây dựng trình Chính phủ đầu năm nay và đang chờ Chính phủ thông qua trong Chiến lược Phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Do đó, hiện mới chỉ có một số REIT thành lập ở nước ngoài và tham gia đầu tư vào dự án bất động sản ở Việt Nam.
Theo ông, để các quỹ này có thể hoạt động tốt tại Việt Nam thì cần những điều kiện gì?
Khung pháp lý cho REIT hoạt động cần một số chuẩn mực tối thiểu của ngành bất động sản, như chuẩn mực về đánh giá bất động sản, hệ thống tiêu chuẩn về chủ sở hữu, kinh nghiệm về quản lý quỹ, chuẩn mực về quản lý doanh nghiệp và rất quan trọng là những tài sản bất động sản tiêu chuẩn về chất lượng xây dựng, quản lý chuyên nghiệp để đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Ngày 14/9 tới, chúng tôi sẽ có một hội thảo về vấn đề này tại TP.HCM, với sự tham dự của nhiều chuyên gia bất động sản trong và ngoài nước, đại diện REIT để kiến nghị cơ quan chức năng về vấn đề này.
Với một thị trường bất động sản còn mới mẻ như ở Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước cần lưu ý những gì đối với định hướng hoặc chính sách mới cho hoạt động các quỹ đầu tư bất động sản để phát triển một thị trường bất động sản bền vững?
Chúng ta cần nghiên cứu để áp dụng những mô hình thành công của các nguồn tài chính/quỹ đầu tư bất động sản tại các nước đang phát triển, nhất là khu vực châu Á. Ví dụ, mô hình quỹ tiết kiệm cho nhà ở, REIT, quỹ tái thế chấp bất động sản…
Những điểm chính yếu cần nhắm đến cho các mô hình quỹ mới này là, cho phép huy động nguồn vốn nhàn rỗi của mọi người dân Việt Nam cho thị trường bất động sản; đa dạng hóa các sản phẩm bất động sản của quỹ, bao gồm: nhà ở để bán, cho thuê, khách sạn, văn phòng…, cơ chế cho chứng khoán hóa các bất động sản, các sản phẩm, tỷ lệ chia cổ tức hàng năm cao; cơ cấu cổ đông sở hữu tránh kiểm soát độc quyền…
Có như vậy các quỹ bất động sản này mới có khả năng giảm thiểu ảnh hưởng khi thị trường bất động sản đóng băng và nguồn vốn trung - dài hạn từ các quỹ này sẽ tác động tích cực đến việc giảm sự phụ thuộc của thị trường bất động sản vào nguồn vốn tín dụng của ngân hàng thương mại.
(Theo Đầu Tư)