SearchNews

Căn hộ 300 triệu đồng: Chia nhỏ để chống ế

30/07/2012 08:39

Căn hộ 300 triệu đồng hóa ra chỉ có diện tích 30m2. Như vậy, giá 1m2 nhà vẫn ở mức 10 triệu đồng, không có chút chuyển biến nào so với giai đoạn trước đây.

Giữa lúc thị trường trầm lắng, thông tin Viglacera tung ra căn hộ 300 triệu đồng ở Hà Nội đã làm nóng phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, suy xét sâu hơn, căn hộ 300 triệu đồng hóa ra chỉ có diện tích 30m2. Như vậy, giá 1m2 nhà vẫn ở mức 10 triệu đồng, không có chút chuyển biến nào so với giai đoạn trước đây.

Chưa bớt được đồng nào

Hôm qua, 29-7, Tổng công ty Viglacera đã động thổ xây dựng 1.500 căn hộ cho người thu nhập thấp tại khu đô thị Đặng Xá 2 (Gia Lâm, Hà Nội). Đại diện Viglacera cho biết, các căn hộ có giá bán từ 300 - 500 triệu đồng/căn tương ứng với diện tích 30 - 50m2. Dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý II-2014, giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho khoảng 6.000 người. Tại lễ khởi công, đại diện Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Tổng công ty Viglacera và các đơn vị liên quan, bên cạnh việc đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình và bán cho người dân theo đúng các quy định của Nhà nước. Cùng với đó, cần nghiên cứu xây dựng giá bán, giá thuê, giá thuê mua cho phù hợp với khả năng chi trả của người nghèo. Ngoài ra, các bên liên quan phải khẩn trương nghiên cứu các mô hình quản lý khu nhà để người dân được thụ hưởng tối đa các dịch vụ tiện ích nhưng chi phí ở mức thấp nhất, thấp hơn mức giá trần thành phố quy định.

Trong lúc nhiều người hồ hởi, một số ý kiến lại cho rằng, căn hộ 300 triệu đồng thực ra không có gì mới mẻ. Chẳng qua, chủ đầu tư khôn khéo, chống “ế hàng” bằng cách chia nhỏ quy mô các căn hộ 60-70m2 như trong giai đoạn I để “biến” thành các căn hộ 30-50m2, nhằm đưa tổng giá trị căn hộ xuống mức thấp trong khi giá tính theo mét vuông không hề giảm, vẫn dao động quanh mốc 10 triệu đồng/m2.

Nếu gạt bỏ những xì xèo về diện tích căn hộ quá nhỏ, dễ tạo cảm giác quay trở lại thời... bao cấp, dù sao “chiêu” của Viglacera có thể xem như một phép thử để kích cầu thị trường. Bởi, cũng với mức giá trên dưới 10 triệu đồng/m2, khi diện tích các căn hộ từ 55 - 70m2 thì căn hộ rẻ nhất có giá khoảng 600 triệu đồng và cao nhất gần 800 triệu đồng/căn. Đây rõ ràng là số tiền lớn cho các đối tượng thuộc diện thu nhập thấp, khiến nhiều gia đình mất đi cơ hội tiếp cận nhà ở. Đại diện Viglacera cũng thừa nhận, để có được mức giá 300 triệu đồng/căn hộ, chủ đầu tư buộc phải chấp nhận chia nhỏ diện tích các căn hộ xuống còn từ 30m2 trở lên. Ông Trần Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công ty đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera cho biết, khi chia nhỏ diện tích căn hộ, suất đầu tư sẽ tăng lên. Do đó, doanh nghiệp phải cố gắng lắm mới giữ được mức giá căn hộ ngang bằng giai đoạn I.

Khó có đột phá

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Tuấn, để giá thành căn hộ giảm xuống, ngoài các giải pháp mang tính đột phá về công nghệ, thiết kế, doanh nghiệp phải được hưởng đầy đủ các ưu đãi được pháp luật quy định như áp dụng thuế giá trị gia tăng VAT bằng 0, miễn giảm thuế thu nhập, hỗ trợ tín dụng đầu tư từ ngân hàng... Trong đó, việc sắp xếp để tìm kiếm nguồn vốn vay ưu đãi, dài hạn cho các dự án nhà thu nhập thấp là rất quan trọng trong nhóm giải pháp “kéo” giá nhà xuống. Đặc biệt, không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tài chính cho người mua nhà, chẳng hạn, có thể dưới hình thức cho vay mua trả góp.

Cùng quan điểm, trả lời câu hỏi về khả năng xây dựng các khu chung cư giá rẻ hơn nữa, ông Trần Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công ty đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera cho biết, Nhà nước cần phải có ưu tiên mạnh mẽ về chính sách như giao chủ đầu tư quỹ đất sạch đã có đầy đủ hạ tầng, có thiết kế nhà mẫu sẵn, ưu đãi đặc biệt về vốn vay… thì doanh nghiệp mới có cơ hội thực hiện được nhà giá rẻ.

Thêm một nghi ngại nữa là nếu giá nhà không giảm mà chỉ “chẻ” quy mô căn hộ như Viglacera đã làm, liệu sức mua có tăng lên và thị trường có đủ khả năng dung nạp thêm được số sản phẩm rất lớn sẽ được tung ra bán trong vài tháng tới? Bản thân dự án nhà thu nhập thấp của Viglacera tại Đặng Xá (giai đoạn I) với gần 950 căn, hiện cũng chưa bán hết dù đã qua 9 đợt chào bán. Gần trung tâm thành phố hơn một chút, dự án Sài Đồng (quận Long Biên) do Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 làm chủ đầu tư cũng còn ế gần 100 căn. Đó là chưa kể tới một số dự án nhà thu nhập thấp quy mô lớn khác cũng thuộc quận Long Biên và Hà Đông cũng chưa bán được một lượng lớn căn hộ tồn đọng từ gần 1 năm qua. Nếu thị trường bất động sản nói chung tiếp tục ảm đảm, đây sẽ là bài toán khiến các doanh nghiệp đau đầu trong thời gian tới.

Các bài viết liên quan:

Hà Nội sắp có căn hộ 300 triệu đồng

Sự “bất thường” của nhiều chung cư 15 triệu đồng/m2 “bất động”

Dốc tiền săn tìm nhà dưới 1 tỷ đồng

(Theo ANTĐ)


Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu