SearchNews

Cần Thơ: Khi khách hàng "chê giấy đỏ"

11/07/2011 10:02

Khi doanh nghiệp có “giấy đỏ” trong tay mời khách hàng đến bàn giao thì không ít người lại lánh mặt.

Khi doanh nghiệp có “giấy đỏ” trong tay mời khách hàng đến bàn giao thì không ít người lại lánh mặt.

Cách nay khoảng 2 năm, nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án khu dân cư ở TP Cần Thơ còn “lấn cấn” chuyện nộp tiền sử dụng đất nên chưa thể làm “giấy đỏ” (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà) bàn giao cho khách hàng, thì chuyện khách hàng bức xúc đòi “giấy đỏ” diễn ra rất phổ biến. Nhưng vào thời điểm này, khi doanh nghiệp có “giấy đỏ” trong tay mời khách hàng đến bàn giao thì không ít người lại lánh mặt, “chê giấy đỏ”(!). Vì sao?

Theo một số doanh nghiệp đầu tư dự án khu dân cư trên địa bàn TP Cần Thơ, các dự án thường bán nhà hoặc đất ở cho khách hàng bằng hình thức góp vốn, có doanh nghiệp áp dụng mức góp vốn 70%-80% giá trị hợp đồng; có doanh nghiệp buộc khách hàng góp vốn đến 90% - 95% giá trị hợp đồng (nộp chia thành 2 hoặc 3 đợt), phần còn lại khách hàng sẽ trả khi nhận “giấy đỏ”.

Tuy nhiên, trên thực tế không ít khách hàng nộp không đúng theo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp. Và khoảng giữa năm 2010 đến nay, khi các doanh nghiệp hoàn thành các nghĩa vụ thuế theo quy định, đủ điều kiện cấp “giấy đỏ” chung cho từng thửa đất trong dự án, sau đó, doanh nghiệp tiến hành cấp “giấy đỏ” cho khách hàng đã ký hợp đồng mua đất trước đây. Nhưng không ít khách hàng lại làm ngơ trước thông báo của doanh nghiệp mời đến cấp “giấy đỏ”.

Chủ một doanh nghiệp đầu tư dự án khu dân cư tại khu Nam Cần Thơ (đoạn gần cầu Cái Sâu), than vãn: “Chúng tôi đã thông báo rộng rãi trên báo, đài và gửi thư mời trực tiếp từng khách hàng đến thanh lý hợp đồng để bàn giao “giấy đỏ”, nhưng mời hoài khách hàng không đến. Trước đó, vào thời điểm doanh nghiệp chưa làm được “giấy đỏ”, thì khách hàng điện thoại, thậm chí có người còn đòi kiện ra tòa. Bây giờ doanh nghiệp đang “tiến thoái lưỡng nan”!”. Một dự án khu dân cư khác nằm cạnh đường dẫn cầu Cần Thơ cũng cùng chung cảnh ngộ, thông báo mời khách hàng đến để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, nhưng đã 3 tháng trôi qua mới có 20% số khách hàng đến để ký hợp đồng chuyển nhượng đúng hẹn, số còn lại “bặt vô âm tín”! Doanh nghiệp chỉ còn biết thông báo “không chịu trách nhiệm về việc chậm trễ cấp giấy này”. Đại diện một số công ty chuyên môi giới bất động sản cũng cho biết, nhiều khách hàng cũng “làm ngơ” và không còn “nôn nóng” chuyện làm “giấy đỏ” như trước nữa...

Anh H., giám đốc một công ty môi giới bất động sản ở quận Ninh Kiều, cho biết: Trước đây người dân có giấy tờ nhà (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà) có thể thế chấp vay vốn ngân hàng để làm ăn; hoặc có “giấy đỏ” là có thể thế chấp vay xây dựng nhà. Nhưng khi các ngân hàng “cấm cửa” hoặc hạn chế cho vay bất động sản (có cho vay thì cũng rất ít so với giá trị bất động sản), nên không ít khách hàng đã lấy số tiền còn lại đó đem sử dụng vào mục đích khác vừa khỏi phải vay ngân hàng vừa không phải trả lãi với lãi suất ở mức cao... Cũng theo anh H, có trường hợp khách hàng đủ khả năng để thanh lý hợp đồng để nhận “giấy đỏ”, nhưng khách hàng gửi tiền ngân hàng để sinh lợi, trong khi doanh nghiệp phải “cất giấy đỏ trong tủ” chờ đợi khách hàng đến... Cũng có khách hàng cho rằng, khi biết doanh nghiệp đầu tư dự án đã có “giấy đỏ”, tức là “chắc ăn rồi”, không sợ họ “gạt” nữa nên cứ yên tâm mà... “nợ” doanh nghiệp(!).

Chủ đầu tư một dự án ở khu Nam Cần Thơ thừa nhận, thật sự không phải doanh nghiệp nào cũng có “chiêu” (hoặc chế tài) để buộc khách hàng thanh lý hợp đồng đúng hạn và buộc họ phải đến nhận “giấy đỏ”. Nhất là những khách hàng mua nhà, đất với mục đích đầu tư bán lại kiếm lời, trong khi thị trường bất động sản đang “đóng băng”, họ trả lãi ngân hàng đã khốn đốn, nay buộc phải vay thêm để được nhận “giấy đỏ” càng khó khăn hơn. Đó là chưa kể trường hợp đã “lỡ” mua nhà, đất với giá cao, nay muốn bán lại giá cũ (chấp nhận lỗ lãi vay) cũng khó bán...

Theo các doanh nghiệp đầu tư dự án bất động sản, nguyên nhân sâu xa của thực trạng này là do bất động sản đang “đóng băng” và chính sách thắt chặt tín dụng bất động sản, trong khi lãi suất tiền gửi đang “hấp dẫn”, lãi suất vay thì quá cao. Đặc biệt, những doanh nghiệp nào áp dụng hợp đồng góp vốn với giá trị thấp (70-80%), tức phần còn lại khách hàng phải trả nhiều, thì càng khó khăn hơn. Nhưng khó khăn này không chỉ ảnh hưởng đến nhà đầu tư, khách hàng mà các doanh nghiệp cũng không thể nộp các khoản thuế còn lại (như thuế thu nhập doanh nghiệp) cho ngân sách nhà nước...

(Theo báo Cần Thơ)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu