Mức lãi suất cho vay tiêu dùng hiện nay phổ biến từ 18 - 20%/năm đã khiến cho sức mua nhà trên thị trường giảm mạnh.
Ở các nước phát triển, hầu hết người dân khi mua nhà đều vay tiền ngân hàng.
Ông Nguyễn Đức Thông, Việt kiều Mỹ cho biết: “Ở Mỹ không ai lại bỏ một cục tiền lớn ra mua nhà cả. Dù có sẵn tiền nhưng nếu mua nhà người ta vẫn vay ngân hàng bởi lãi suất cho vay mua nhà cực thấp, thời gian cho vay kéo dài đến vài chục năm, chẳng ai dại gì bỏ cả đống tiền để nó “nằm im” trong BĐS như thế. Do đó vay tiền mua nhà là đương nhiên, chẳng ai đi đặt câu hỏi có nên vay tiền mua nhà?”. Trong khi đó ở Việt Nam vay tiền mua nhà hay không lại là một bài toán khiến người mua nhà phải đau đầu.
Theo tính toán của phó GS-TS Trần Hoàng Ngân - Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP.HCM, nếu được vay với lãi suất khoảng 14%/năm thì dù là mua để đầu tư hay để ở cũng đều hợp lý và nên vay nhưng nếu trên mức đó thì cần phải tính toán kỹ lưỡng. Tuy nhiên, những người vay mua nhà rất khó tiếp cận được nguồn vốn ở mức lãi suất này mà thường phải vay với mức lãi suất rất cao và hạn mức cho vay rất thấp.
Mức lãi suất cho vay tiêu dùng hiện nay phổ biến từ 18 - 20%/năm đã khiến cho sức mua nhà trên thị trường giảm mạnh. Cùng với đó là các chi phí đầu vào đồng loạt tăng cao, áp lực tăng giá BĐS là vấn đề khó tránh khỏi nên chắc chắn lượng khách hàng tại các dự án trong thời gian tới sẽ giảm bớt khiến nhiều dự án căn hộ có giá bán từ 15 - 25 triệu đồng/m2 dễ bị “ế hàng”. Lãi suất quá cao nên người có nhu cầu về nhà ở rất khó có cơ hội sở hữu một căn nhà.
Để giải quyết các vấn đề vướng mắc có thể kìm hãm sự phát triển của thị trường BĐS, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải tiến hành ngay các biện pháp nhằm giúp cho người có nhu cầu mua được nhà ở như: cải cách thủ tục hành chính, giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, giao đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh thời gian cấp sổ hồng, sổ đỏ, giảm thuế cho các giao dịch đầu tư vào thị trường BĐS như tính thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng hợp đồng góp vốn chỉ bằng với mức thuế thu nhập khi chuyển nhượng vốn (bằng 0,2% giá trị giao dịch)....
Ngoài ra, theo TS Trần Kim Chung - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Nhà nước cần có những chính sách hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô và chú trọng đến thị trường BĐS; thường xuyên kiểm soát mức tăng tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với thị trường BĐS và kiểm soát chặt chẽ việc hệ thống ngân hàng tham gia trực tiếp đầu tư vào BĐS...
Những biện pháp này, cần phải đi song song với các giải pháp như cho phép vận hành công cụ tín chỉ BĐS, quỹ tiết kiệm BĐS, nới lỏng điều kiện và mở rộng phạm vi của các Cty tài chính được đầu tư vào thị trường BĐS...
(Theo Xây dựng)