Thống kê của các Cty tư vấn BĐS cho thấy: Trong 3 tháng vừa qua, số căn hộ được chào bán mới vào khoảng gần 5.500 căn đến từ 15 dự án. Trong đó, căn hộ cao cấp khoảng 1.500 căn, trung cấp 3.400 căn và bình dân 600. Nhìn chung, giá đã hạ xuống nhưng thị trường vẫn khá trầm lắng với số lượng giao dịch thấp.
Việc thắt chặt tín dụng cộng với sự hấp dẫn của các kênh đầu tư khác như vàng hay gửi tiết kiệm trong giai đoạn này đã khiến thị trường BĐS trở nên khan hiếm về vốn, nhiều BĐS được thế chấp đã bị rao bán, là một trong những nhân tố làm giá BĐS giảm. Trong tình hình kinh tế hiện nay, nhu cầu thực đang tăng lên và dần hướng thị trường tới giá trị thực. Nhu cầu này đến từ một lượng lớn những cặp vợ chồng trẻ và những người ở các tỉnh thành khác đang làm việc hoặc mong muốn cho con cái họ được học hành, sinh sống ở TP. Những căn hộ có mức giá dưới 2,5 tỷ đồng, căn hộ có diện tích nhỏ và vừa đang nhận được sự quan tâm lớn từ khách hàng.
Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Quốc Khánh - Tổng giám đốc Cty CP Đầu tư và Phân phối DTJ cho biết: Vừa qua, DTJ đã mở "Phiên giao dịch thế giới chung cư lần đầu tiên tại Hà Nội". Trong khoảng nửa tháng trước sự kiện, khách hàng truy cập website và thực hiện thủ tục đăng ký với sàn DTJ đạt hơn 200 nghìn lượt người. Trong 2 ngày diễn ra phiên giao dịch, sàn DTJ đã đón tiếp và tư vấn cho gần 200 lượt khách tới tham quan dự án, đăng ký giao dịch, tỷ lệ giao dịch thành công đạt khoảng 10%. Trong số khách tới tham gia, 70% có nhu cầu mua nhà để ở, 30% còn lại là khách tham khảo giá và có ý định đầu tư. Đặc biệt có đến 80% số lượng khách hàng quan tâm tới phân khúc giá từ 15 - 22 triệu đ/m2 tại các khu vực Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Trì, Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Thanh Xuân, Hà Đông và các chung cư có diện tích nhỏ. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn cung phân khúc này không nhiều, chỉ có một vài dự án khu vực phía tây như Tân Việt, Nam Đô. Khách hàng cũng đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng, về căn cứ pháp lý, cam kết bảo đảm tiến độ bàn giao nhà… Điều đó cho thấy số lượng người có nhu cầu nhà ở chung cư rất lớn.
Nhận định về tương lai của thị trường BĐS, các chuyên gia BĐS cho rằng trong thời gian tới, giao dịch trên thị trường chung cư vẫn rất chậm. Chủ đầu tư vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức do nền kinh tế vĩ mô chưa mấy sáng sủa, lãi suất ngân hàng còn cao, đầu ra của các ngành nghề khác cũng khó khăn. Mặc dù tiền trong dân còn nhiều nhưng ít “đổ” vào BĐS. Rất nhiều khách mua tiềm năng còn e ngại và tiếp tục chờ đợi, so sánh với các kênh đầu tư khác, chỉ những dự án ở khu vực đồng bộ về hạ tầng, đã xây tương đối hoàn chỉnh mới thu hút khách hàng. Hơn nữa, có nhiều thông tin không mấy lạc quan về kinh tế vĩ mô, vỡ nợ tín dụng đen… cũng làm “chùn chân” nhiều người đang muốn đầu tư BĐS.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Ngọc Tuấn Anh - phụ trách phát triển thương hiệu VIGLACERA Land khẳng định: Hiện nay, ngân hàng chỉ đáp ứng nguồn tín dụng ngắn hạn với lãi suất cao, trong khi đó, dự án BĐS đòi hỏi phải có vốn lớn và đáp ứng trung đến dài hạn. Thời điểm cuối năm, việc đáo hạn ngân hàng, thanh toán tiền cho nhà thầu... sẽ tạo sức ép lớn với các chủ đầu tư, đặc biệt là chủ đầu tư nhỏ do họ còn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tín dụng cũng như trong bán hàng. Đây cũng là giai đoạn thanh lọc nhà đầu tư. Do đó, thời gian tới, thị trường BĐS khó có thể tăng “nóng”. Tuy nhiên với các nhà đầu tư có tiềm lực thì đây lại là cơ hội khi đi ngược thị trường. Hiện tại, tính thanh khoản BĐS không nhiều do thắt chặt tín dụng nhưng so sánh với vàng thì giá nhà đất lại khá hấp dẫn.
Ước tính trong vòng 3 năm tới sẽ có 67 dự án sẽ gia nhập thị trường, 15 dự án với khoảng 11 nghìn căn có thể được mở bán trong quý IV/2011. Số lượng cung căn hộ chung cư trong 3 năm tới vẫn tập trung nhiều vào phân khúc trung đến cao cấp, mặc dù gần đây những phân khúc giá rẻ trở nên hấp dẫn hơn. Đó là do chủ đầu tư thường mất vài năm để tiến hành dự án xây dựng và khó có thể phản ứng ngay với các thay đổi của thị trường. Trong thời gian tới, tình hình hoạt động của thị trường nhà ở sẽ tiếp tục tương tác với các yếu tố như tỷ lệ lạm phát, chính sách tiền tệ của Chính phủ và tình hình hoạt động của các hình thức đầu tư khác như vàng và chứng khoán. Tuy nhiên, các yếu tố quyết định đến nhu cầu của người mua nhà để ở như: Tốc độ tăng trưởng dân số, tốc độ đô thị hóa, tăng trưởng thu nhập, sự xuống cấp của các khu nhà ở hiện tại… sẽ tiếp tục mang lại triển vọng cho thị trường nhà ở trong trung hạn. Về dài hạn, với trên 50% dân số dưới độ tuổi 35 thì thị trường căn hộ để bán vẫn có tiềm năng phát triển lớn...
(Theo Báo Xây dựng)