SearchNews

Cơ hội phát triển bất động sản phía Tây Hà Nội

01/09/2010 09:51

Khu vực phía Tây Hà Nội theo đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô có nhiều cơ hội cũng như nguồn lực để thực hiện các dự án đầu tư bất động sản.

Khu vực phía Tây Hà Nội theo đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô có nhiều cơ hội cũng như nguồn lực để thực hiện các dự án đầu tư bất động sản.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, định hướng phát triển Hà Nội về phía Tây đã được Chính phủ, lãnh đạo thành phố quyết định từ nhiều năm nay.

Khu vực phía Tây bao gồm: Khu vực nội đô mở rộng (từ vành đai 2 đến vành đai sông Nhuệ); Phần mở rộng của đô thị trung tâm hạt nhân (chuỗi đô thị phía Đông vành đai 4); Hành lang xanh, vành đai xanh sông Nhuệ; các trục giao thông như: Đại lộ Thăng Long, trục Tây Thăng Long, Trục Hồ Tây - Ba Vì… được kết nối với đường vành đai 3 và các tuyến tàu điện ngầm - nổi…

Đây cũng là khu vực có các trung tâm lớn như: Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia, Trung tâm hội nghị quốc gia, Trung tâm thể thao quốc gia, trụ sở cơ quan mới của một số bộ, ngành, đồng thời là khu vực có các đô thị dịch vụ chất lượng cao…

5 khu đô thị vệ tinh gồm: Hoà Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên - Phú Minh và Sóc Sơn. Khu nội đô mở rộng được xác định từ vành đai 2 đến vành đai xanh sông Nhuệ.

Ông Dương Đức Tuấn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội nhận định, với mô hình trên, khu vực phía Tây Hà Nội theo đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô có nhiều cơ hội cũng như nguồn lực để thực hiện các dự án đầu tư bất động sản.

Thời gian tới, khi quy hoạch chung được phê duyệt, khu vực phía Tây sẽ tiếp tục triển khai theo Luật Quy hoạch đô thị, lập quy hoạch phân khu cho các khu vực trong thành phố, thị xã và đô thị mới với tỷ lệ 1/5000 hoặc 1/2000 và lập quy hoạch chi tiết cho các khu vực theo yêu cầu phát triển, quản lý đô thị hoặc nhu cầu đầu tư xây dựng với tỷ lệ1/500, đồng thời xây dựng các quy định và quy chế quản lý đô thị.

Khu vực này được UBND thành phố chỉ đạo ưu tiên tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch phân khu để có thể triển khai, rà soát, khớp nối các dự án và thực hiện dự án đầu tư ngay sau khi quy hoạch chung Thủ đô được Chính phủ phê duyệt.
 
GS. Đặng Hùng Võ cho biết, định hướng phát triển Hà Nội về phía Tây có tác động rất lớn lên thực tế thị trường bất động sản Hà Nội. Thị trường bất động sản khu vực này đã tăng giá nóng, đặc biệt là một số khu vực như Nam An Khánh, Vân Canh…

Sự biến động chóng mặt của thị trường bất động sản phía Tây, cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, cần phải có những bước đi đúng để thị trường phát triển một cách lành mạnh.

Cũng theo ông Võ, nghị định 71/2010/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, tập trung vào giải quyết được khá nhiều vấn đề có liên quan tới cơ chế giải quyết vốn cho thị trường bất động sản và nâng cao tính minh bạch cho thị trường.

Thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội đang có những lợi thế phát triển. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện được khi Hà Nội có một quy hoạch tổng thể mang tính khả thi cao.

Nguyễn Hưng

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu