Cơn sốt đất nền đã nhen nhóm từ đầu 2016 khi giá bắt đầu có dấu hiệu tăng với biên độ tăng khoảng 10%. Chỉ chưa đầy 2 năm sau, cơn sốt đất đã càn quét hầu hết các khu vực vùng ven trên địa bàn Tp.HCM, từ phía Đông xuống phía Nam rồi sang phía Tây, khiến giá đất nền tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba.
Có nên mua nhà đất Tp.HCM vào thời điểm này?
Giá đất tăng chóng mặt đã khiến nhiều người phải đặt câu hỏi "có nên xuống tiền mua nhà vào thời điểm này hay chờ thêm một thời gian nữa?".
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho rằng, để trả lời cho câu hỏi này, cần hiểu bản chất của việc sốt đất trong thời gian qua.
Cụ thể, sự khác biệt của cơn sốt đất lần này là nó chỉ nằm ở phân khúc đất nền mà không phải đất nền thuộc các dự án BĐS do các chủ đầu tư phát triển.
Đặc biệt, tính chất của cơn sốt liên quan đến việc tách thửa, phân lô bán nền, trong đó giới đầu nậu, cò đất núp bóng chủ đất nền để thổi giá lên. Và mức độ ảnh hưởng của cơn sốt này đến toàn thị trường không cao.
Nếu so với năm 2007, cơn sốt BĐS thể hiện rất rõ nét ở phân khúc nhà ở cao cấp, thì lần này lại thể hiện rõ nét ở đất phân lô bán nền tại nhiều vùng ven của Tp.HCM.
Năm 2007 và 2010, tính chất của cơn sốt nghiêm trọng hơn đến mức Chính phủ phải ban hành các Nghị quyết nhằm thắt chặt tín dụng, thị trường từ chỗ bong bóng rơi vào tình trạng đóng băng. Còn cơn sốt BĐS lần này chưa đạt đến mức độ như thế, Chính phủ không phải ban hành các văn bản để điều tiết.
Trong khi đó, Chính phủ lại đang tiến hành lộ trình thắt chặt tín dụng vào BĐS nên không tác động đến cả thị trường mà chỉ tác động tiêu cực đến người tiêu dùng và nhà đầu tư thứ cấp của phân khúc này.
TP đã có những chỉ đạo quyết liệt nên cơn sốt ảo này đang bị hạ nhiệt. Sắp tới, TP sẽ ban hành quyết định mới thay thế Quyết định 33, giúp điều tiết, đưa phân khúc đất nền đi vào ổn định trở lại.