Thị trường BĐS hiện nay đang chịu tác động bởi chính sách thắt chặt tiền tệ theo Nghị quyết 11 của Chính phủ và Chỉ thị 01 từ Ngân hàng Nhà nước.
Trước khó khăn này, nhiều dự án chỉ xây dựng cầm chừng hoặc ngưng hẳn, do căn hộ không thể bán được. Thực trạng đang tồn đọng hơn 60 nghìn căn hộ tại TP.HCM trong khi có hàng triệu người đang “đói căn hộ”, vì đa số căn hộ giá hơn 1 tỷ đồng và không có căn hộ dưới 500 triệu đồng.
Cung thì dư thừa, cầu thì thiếu trầm trọng, đó là nghịch lý cực lớn hiện nay làm thị trường BĐS “chết đứng”, người dân thì không có nhà. Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Xây dựng đề xuất với Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ trọng cho vay đối với một số khoản mục vay xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà, xưởng) phục vụ sản xuất kinh doanh, vay mua nhà để ở…
Để giải quyết khó khăn trên, tôi có 2 đề xuất:
1. Cần cụ thể việc mở rộng cho vay mua nhà để ở, đó là cho vay dưới 500 triệu đồng/căn, nếu tổng cộng khoảng 10 nghìn căn là 5 nghìn tỷ đồng, chỉ khoảng hơn 2% so với tổng dư nợ tín dụng BĐS 220 nghìn tỷ đồng, nhưng hiệu quả kinh tế và xã hội rất lớn.
2. Để thích nghi với tình hình khó khăn, hơn 70% DN đã giảm đơn giá từ 10 - 20% chỉ để thu hồi vốn hoặc lỗ ít. Nhưng giảm đơn giá vẫn chưa đủ, cần phải giảm diện tích vì hầu hết các căn hộ đều từ 80m2 trở lên. Vì thế Nhà nước nên cho phép DN chia đôi hay chia ba thành căn hộ 30 - 50m2. Nếu được phép giảm diện tích thì giá bán giảm thêm hơn 50%, sẽ có căn hộ từ 400 - 500 triệu đồng.
Có quan điểm cho rằng như thế sẽ tạo thành ổ chuột trên cao. Tuy nhà ổ chuột thường nhỏ, nhưng không phải nhà có diện tích nhỏ đều là ổ chuột (các nước giàu mạnh văn minh vẫn có căn hộ 20m2 và thậm chí là 10m2 mà có ổ chuột đâu, trong khi ta có nhà phố 100m2 chứa 30 - 50 người thì vẫn là ổ chuột).
Căn hộ có diện tích phù hợp với số người cư trú và vừa túi tiền người dân, giúp họ có nơi an cư thì đó sẽ là những tổ ấm chứ không thể gọi là ổ chuột được. Thực tế khi có căn hộ nhỏ sẽ làm giãn ổ chuột dưới thấp khắp các phố phường hiện nay, mà chúng ta không có cách gì để giải quyết nên đành phải làm ngơ.
Bình quân mét vuông/người vẫn là con số cố định dựa trên thương số giữa số mét vuông sàn và số người, nhưng nếu chia đều ra vẫn tốt hơn là căn hộ thì bỏ trống hay dở dang, còn người người thì nhồi nhét ở các phòng trọ nhà phố.
Theo đó, Nhà nước cũng nên cho phép DN đầu tư xây dựng căn hộ loại A có diện tích 50 - 70m2 dành cho 1 - 2 người và không ấn định tỷ lệ các loại căn hộ A, B và C (theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 323/2004), thậm chí chấp nhận căn hộ 20 - 40m2.
Việc quyết định đầu tư loại hình căn hộ nào là theo nhu cầu của thị trường, khả năng của DN và người dân, không thể cứng nhắc ấn định diện tích và tỷ lệ các loại căn hộ để rồi tồn đọng quá nhiều căn hộ lớn như hiện nay (người dân không mua nổi, DN không bán được).
Tạo điều kiện cho người dân sở hữu căn hộ nhỏ giá trung bình, đáp ứng nhu cầu và khả năng về nhà ở ngày càng bức thiết cho người dân và phù hợp nếp sống hiện đại là trách nhiệm của Nhà nước và DN.
KS Nguyễn Văn Đực
Công ty Đất Lành