Giảm giá, giãn tiến độ thanh toán, xin chẻ nhỏ căn hộ... là những giải pháp đang được các doanh nghiệp bất động sản áp dụng để tự cứu mình trong lúc thị trường vẫn ngập chìm trong khó khăn.
Giảm giá, liên kết, chẻ nhỏ căn hộ...
Ngay sau khi HAGL tuyên bố bán căn hộ Thanh Bình (Q.7, TP.HCM) với giá khoảng 20 triệu đồng/m2, bằng 50% giá bán của các dự án (DA) cùng khu vực, hàng loạt doanh nghiệp (DN) khác cũng giảm giá theo. Đơn cử sàn giao dịch bất động sản (BĐS) Eci Land dự kiến ngày 20.10 sẽ bán căn hộ tại DA Giai Việt (Q.8), với mức giảm giá khoảng 20% (khoảng 450 triệu đồng/căn hộ), giảm từ 18,2 triệu đồng/m2 còn 15 triệu đồng/m2. DA Lucky Apartment (Q.Tân Phú) trước đây chủ đầu tư bán giá 14 triệu đồng/m2 thì nay sàn giao dịch BĐS Nam Việt và HASG đang chào bán với giá 12,5 triệu đồng/m2. Tương tự, khách hàng có nhu cầu mua căn hộ tại DA Lacasa (Q.7) sẽ được hưởng mức giảm giá đến 30%, từ 20 triệu đồng/m2, giảm còn 14 triệu đồng...
Một giải pháp khác là liên kết với các sàn giao dịch BĐS để có vốn thực hiện. Như DA căn hộ 27 Trường Chinh (Q.12) do Công ty Kim Tâm Hải làm chủ đầu tư tạm dừng thi công khoảng 1 năm nay, đã được Công ty Hưng Thịnh Land “bơm” 40 tỉ đồng để thi công trở lại và phân phối độc quyền căn hộ này. Mới đây Công ty Đất Xanh đã công bố bỏ 300 tỉ đồng vào DA chung cư Sunview 3 (Q.Gò Vấp) của CT Group để giành quyền phân phối 2 block tại đây. Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh cho rằng, mua DA phải bỏ ra vài trăm tỉ nhưng hợp tác đầu tư thì chỉ cần bỏ ra vài chục tỉ đồng làm “mồi”, phần còn lại sẽ thu từ bán căn hộ để tiếp tục thi công.
Cũng có nhiều DA, thay vì lấy tiền mặt, nhà thầu xây dựng đã chấp nhận lấy sản phẩm là căn hộ, nền đất để chia sẻ khó khăn với chủ đầu tư. Một số DN đang xin các cơ quan chức năng điều chỉnh những căn hộ có diện tích lớn, khó bán đang tồn kho sang căn hộ nhỏ hơn từ 30-70 m2, nhằm giảm giá thành, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Cần trợ lực
Có thể thấy, các chủ đầu tư đang nỗ lực để tự cứu mình. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường BĐS Công ty GIBC, chỉ DN nỗ lực thôi chưa đủ. Ở nhiều nước khi khủng hoảng, chính phủ phải mua nợ xấu, kích cầu BĐS, tạo ra sự bình ổn cấp vĩ mô. “Thủ thuật của DN chỉ là một phần, cần thêm sự can thiệp của Chính phủ về kích cầu, như mua lại DA để phát triển định cư, cho người dân vay vốn rẻ từ ngân hàng để kích thích giao dịch. Bây giờ "bơm" tiền cho DN thì lại khủng hoảng thừa tiếp, chỉ nên đổ tiền vào những DA nhà xã hội”, ông Nghĩa đề xuất. Cũng theo ông Nghĩa, muốn thị trường tươi sáng phải quay lại thị trường gốc. Đầu tư cho các ngành nghề tạo công ăn việc làm, để khi người dân có việc, có thu nhập sẽ quay lại mua nhà đất, giúp thị trường phát triển.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cũng cho rằng, để giải bài toán tồn kho, phải có sự tham gia của nhiều bên. DN phải có chính sách bán hàng tốt, Chính phủ có chính sách hỗ trợ về thuế, tiền sử dụng đất; ngân hàng ưu đãi về vốn và lãi suất. Ngoài ra, cần thực hiện đồng bộ nhiều chương trình mục tiêu về quy hoạch phát triển cân đối các loại đất; quy hoạch phát triển đô thị ở cấp quốc gia, cấp vùng; chiến lược phát triển nhà ở; chiến lược phát triển ngành, đặc biệt là ngành giao thông nhằm hỗ trợ tốt cho thị trường BĐS.
Chuyên gia kinh tế Alan Phan lại cho rằng nên để bong bóng nổ tung. Ai sống ai chết phụ thuộc vào nội lực của mỗi DN. Sau đó xây dựng lại dựa trên những cơ chế lãi suất ổn định, tính minh bạch... Nếu nhà nước cố lèo lái thị trường BĐS và các thị trường khác theo hướng đi của mình sẽ tạo nên những rào cản, chi phí đội lên bất bình thường. Vì vậy, cứ để thị trường điều tiết. “Thị trường đóng băng kéo dài sẽ không có dòng tiền mới đổ vào, người dân không dám đổ tiền vào BĐS và như thế không thay máu được, khiến thị trường chết dần chết mòn”, ông Alan Phan cho hay.
|
(Theo Thanh Nien)