Nhiều doanh nghiệp bất động sản phản ánh, thủ tục cấp giấy tờ nhà đất, kê khai nộp thuế là những "cửa ải" khiến họ phải đau đầu.
Tại hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp về cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đất đai, thuế do VCCI tổ chức, ông Lê Tiến Dũng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, mở đầu bằng câu chuyện dở khóc dở cười của chính doanh nghiệp mình.
Công ty đang thuê một tòa nhà của nhà Nước từ năm 1995. Sau đó, do nhà xuống cấp, đơn vị này đã đề xuất phá bỏ để xây cao ốc 11 tầng và đã được cấp có thẩm quyền đồng ý. Thế nhưng, phía cho thuê tòa nhà lại yêu cầu doanh nghiệp này phải ký vào hợp đồng là vẫn đang thuê 3 tầng của tòa nhà cũ, dù thực tế nó đã bị phá bỏ.
"Nghe như câu chuyện đùa nhưng thực tế mỗi tháng, chúng tôi đã phải chi ra khoảng 20 tỷ đồng tiền thuê căn nhà trên. Chúng tôi đã xây dựng lại căn nhà bằng chính vốn của doanh nghiệp nhưng vẫn phải trả tiền thuê nhà", ông Dũng nói.
Ngoài ra, cũng theo ông Dũng, Tổng công ty Đường sắt đang sở hữu một khu đất 2.000 m2 ở quận Hoàn Kiếm. Thực tế, khu đất này thuộc diện nhà vắng chủ vì doanh nghiệp ông đã sử dụng từ năm 1946 và chưa thấy ai hỏi về khu đất. "Nghe đồn chủ nhà đang ở Pháp. Doanh nghiệp chúng tôi vẫn sử dụng, nộp tiền thuế nhưng lại không được cấp giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng khu đất trên", ông Dũng chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Loan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hải Dương cho biết, khâu đền bù giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề khó khăn đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải mất tới hàng năm trời vẫn không thể thỏa thuận với người dân về phương án đền bù, nhiều trường hợp phải "bất lực" rút lui.
Vị doanh nhân này đưa ra ví dụ, quy định giá đền bù đất đô thị gấp 3 lần đất nông nghiệp đã gây khó cho doanh nghiệp. Bản thân hiệp hội của ông mỏi mắt mới tìm được vị trí ưng ý để xây trụ sở nhưng cuối cùng đành phải chuyển ra ngoại thành vì giá đền bù quá cao. "Một ha đất ở thành phố giá gấp 5 lần ngoại thành. Rốt cuộc chúng tôi quyết định xây dựng trụ sở của hiệp hội ở ngoại thành cho dễ thỏa thuận phương án đền bù", ông Loan nói.
Tại hội thảo, hàng loạt các doanh nghiệp kêu khổ vì bị “hành” khi hoàn thành các thủ tục hành chính trong xây dựng. Khi xin được chữ ký thì lại phải chờ để đóng dấu, đóng dấu xong lại tiếp tục bị hoạnh họe thủ tục khác. Doanh nghiệp lên quận thì quận chỉ lên thành phố, lên thành phố thì lại đẩy về quận. Doanh nghiệp quay như chong chóng mà cuối cùng vẫn không hiểu được mình cần phải làm thế nào để hoàn thành được các thủ tục cần thiết.
Không chỉ khổ về giấy tờ nhà đất, kê khai nộp thuế cũng là một vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu. Theo quy định, kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ phải làm ở nơi phát sinh bất động sản, dự án ở đâu doanh nghiệp phải kê khai thuế ở đấy. Nhưng cuối cùng, cuối năm lại phải quyết toán với cục thuế địa phương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở.
Ông Trần Văn Nến, Công ty kinh doanh Bất động sản TKV thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam nói: "Những công ty có dự án trải trên rất nhiều địa phương thì việc này trở thành vô cùng nhiêu khê. Nên chăng, Tổng cục thuế có cách làm khác để gỡ rối cho doanh nghiệp".
Còn theo ý kiến của đại diện Hiệp hội nhà thầu Xây dựng tỉnh Nam Định cần phải xem xét lại cơ chế nộp thuế đối với dự án có vốn Nhà nước. Thực tế, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khốn khổ vì công trình Nhà nước nghiệm thu xong vẫn chưa được thanh toán. Tuy nhiên, theo quy định, doanh nghiệp vẫn phải tự giác viết đơn nộp thuế, nếu không nộp sẽ phải chịu phạt. Thực tế những năm qua, không ít doanh nghiệp bị cục thuế thông báo phạt hàng trăm triệu đồng. "Tôi cho rằng, khi thực hiện các dự án vốn Nhà nước, cần cho phép doanh nghiệp xây dựng được thanh toán bao nhiêu xin nộp thuế bây nhiêu", vị đại diện này nói.
(Theo Vnexpress)