SearchNews

Giải pháp nào xử lý nhà bỏ hoang?

26/08/2011 14:17

Trong khi nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp đô thị còn cao thì việc bỏ hoang như vậy gây lãng phí tiền của, làm mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường...

Trong khi nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp đô thị còn cao thì việc bỏ hoang như vậy gây lãng phí tiền của, làm mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường...

Chủ đầu tư cũng bức xúc

KĐTM Linh Đàm được Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) đầu tư xây dựng từ năm 1997, năm 2010, KĐT này được công nhận là 1 trong 2 KĐT kiểu mẫu đầu tiên của cả nước. Với thành công này, HUD đang tập trung hoàn thiện để tiếp tục KĐT Việt Hưng cũng được công nhận là KĐT kiểu mẫu vào 2012.

Với hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được xây dựng đồng bộ, hiện đại, nhưng các KĐT này cũng không tránh khỏi tình trạng “xôi đỗ” khi vẫn còn những ngôi nhà, mảnh đất bị bỏ hoang. Hình ảnh này như một tấm áo rất đẹp nhưng lại bị một vài lỗ thủng.

Bức xúc trong công tác quản lý, một cán bộ của Cty Quản lý Dịch vụ KĐT (HUDS) phản ánh: Tất cả những căn nhà hoang này đều đã có chủ, nhưng hiện nay khó mà tìm được chủ nhà là ai, ở đâu, bởi có tình trạng mua đi bán lại. Vệ sinh môi trường, an ninh trật tự vẫn phải giữ gìn, nhưng đơn vị quản lý không thể thu phí của những căn nhà “vắng chủ” này...

Vấn đề “khó xử lý hơn” trong các KĐT của HUD hiện nay còn là những mảnh đất “chắp vá” không thuộc quyền quản lý của chủ đầu tư. Thực tế tại KĐT Linh Đàm và KĐT Pháp Vân, có diện tích đất chủ đầu tư HUD quy hoạch xây dựng trường học hoặc công trình công cộng, nhưng do chưa GPMB được nên đất vẫn thuộc chủ khác, các chủ này đem cho thuê làm cơ sở sản xuất hoặc kho bãi. Chính điều này đã dẫn đến sự hiểu lầm là chủ đầu tư sử dụng đất không đúng mục đích, không xây dựng trường học, công trình công cộng mà đem cho thuê đất, trong khi chính HUD cũng đang bức xúc vì không hoàn thiện được GPMB.

Nhằm tạo sự đồng bộ trong các KĐT của mình, tránh bị “tiếng oan” lỗi do chủ đầu tư, mới đây Tập đoàn HUD đã phải báo cáo Bộ Xây dựng và các cơ quan chức năng của TP Hà Nội về tình trạng một số nhà đầu tư sau khi mua biệt thự và nhà liền kề tại các dự án của HUD chưa hoàn thiện, bỏ hoang nhà, lãng phí đất, tạo bức xúc trong dư luận. Theo đó HUD đã chủ động rà soát, thống kê các trường hợp nhà để lâu chưa hoàn thiện, sử dụng, yêu cầu các chủ nhà nhanh chóng hoàn thiện. Đồng thời Tập đoàn cũng đề nghị các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền và người dân phối hợp với chủ đầu tư để hoàn thiện công tác GPMB tại các dự án KĐTM của Tập đoàn như Linh Đàm, Việt Hưng... để chủ đầu tư có điều kiện xây dựng đồng bộ các dự án KĐTM, tránh để tình trạng “chắp vá” khi còn những mảnh đất “bỏ hoang” trong các KĐT như hiện nay.

Cần giải pháp mạnh về kinh tế và xử phạt

Nhằm tránh tình trạng nhà bỏ hoang, bảo đảm sự đồng bộ, mỹ quan đô thị trong KĐTM, tại các dự án mới của HUD cũng như nhiều chủ đầu tư khác, các nhà liền kề hoặc biệt thự đều được xây thô hoàn thiện mặt ngoài công trình sau đó mới giao cho khách hàng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định giải pháp này của các chủ đầu tư cũng chỉ giải quyết được việc hoàn thiện nhà theo đúng quy hoạch, thiết kế, đảm bảo cảnh quan đô thị chứ không giải quyết dứt điểm tình trạng chưa đưa nhà, đất vào sử dụng, gây lãng phí như đang tồn tại như hiện nay.

Theo các chuyên gia của Bộ Tài chính để giải quyết dứt điểm tình trạng đất nền, đất xây dựng nhà biệt thự, nhà liền kề, nhà phân lô chưa đưa vào sử dụng trong các KĐT, dự án xây dựng nhà ở như hiện nay thì dùng các biện pháp mạnh kinh tế và biện pháp xử phạt vi phạm hành chính là cần thiết.

Qua đó, cần xây dựng quy định đất nền, đất xây dựng nhà biệt thự, nhà liền kề, nhà phân lô chưa đưa vào sử dụng là đất chưa sử dụng theo đúng quy định và phải chịu thuế suất cao theo quy định của Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Phương án này đã có cơ sở pháp lý, thực hiện từ 01/01/2012 cùng với việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Chính phủ chỉ phê duyệt dự án chung cư có tối đa 20% căn hộ cao cấp hoặc quy định tỷ lệ nhà liền kề, biệt thự chiếm tối đa 20%, 80% phải là chung cư. Khi thị trường hướng vào đại đa số người dân có nhu cầu thật, khả năng thanh toán sẽ cao hơn, giảm tình trạng nhà bỏ không...

(Theo Xây Dựng)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu